Liên hợp quốc dự báo dân số thế giới sẽ lên 8 tỷ người vào ngày 15/11 tới, cao hơn gấp 3 lần so với con số 2,5 tỷ người vào năm 1950. Ảnh: AFP
Trong bối cảnh dân số toàn cầu sẽ chạm ngưỡng 8 tỷ người vào giữa tháng 11 này, hãy cùng hãng thông tấn AFP điểm lại các cột mốc chính trong sự phát triển của nhân loại.
Con người đầu tiên
Các hóa thạch cổ nhất được biết đến của loài người có niên đại 2,8 triệu năm và được tìm thấy ở Đông Phi. Tuy nhiên, ước tính cụ thể về số lượng người cổ xưa sống trên Trái đất vẫn là điều chưa thể chắc chắn.
Những gì chúng ta biết về tổ tiên rằng họ là những người săn bắn hái lượm. Họ có ít con so với những quần thể định cư sau này để duy trì lối sống du mục.
Theo nhà nghiên cứu Herve Le Bras tại Viện Nghiên cứu Nhân khẩu học Pháp (INED), dân số thưa thớt thời đó một phần cũng do những người săn bắn hái lượm cần nhiều đất để tự kiếm ăn: khoảng 10 km vuông mỗi người.
Dân số toàn cầu đã tăng lên theo thời gian nhưng rất, rất chậm.
Bùng nổ dân số đầu tiên
Sự ra đời của nông nghiệp trong thời đại đồ đá mới, khoảng 10.000 năm trước Công nguyên, đã mang lại bước nhảy vọt dân số đầu tiên.
Quá trình nông nghiệp chuyển hóa thành thâm canh cùng với khả năng dự trữ thực phẩm đã khiến tỷ lệ sinh tăng cao.
Ông Le Bras giải thích: “Các bà mẹ có thể cho trẻ ăn cháo, giúp đẩy nhanh quá trình cai sữa và giảm thời gian giữa các lần sinh, có nghĩa là mỗi phụ nữ sẽ có nhiều con hơn”.
Tuy nhiên, sự phát triển của các khu định cư lâu dài cũng mang đến những hiểm họa. Ví dụ, việc thuần hóa các loài động vật hoang dã đã khiến con người mắc phải những căn bệnh nguy hiểm mới.
Tỷ lệ tử vong ở trẻ em đặc biệt cao, với một phần ba tổng số trẻ em chết trước sinh nhật đầu tiên của chúng và một phần ba khác tử vong trước 18 tuổi.
Ông Eric Crubezy, nhà nhân chủng học tại Đại học Toulouse (Pháp), giải thích: “Dù tỷ lệ tử vong rất cao vào thời đó, nhưng số lượng trẻ em ra đời vẫn bùng nổ lâu dài”.
Từ khoảng 6 triệu người vào năm 10.000 trước Công nguyên, dân số toàn cầu đã tăng vọt lên 100 triệu người vào năm 2.000 trước Công nguyên và sau đó là 250 triệu người vào thế kỷ đầu tiên sau Công nguyên, theo ước tính của INED.
Đại dịch Cái chết Đen
Cái chết Đen đã khiến dân số thế giới đột ngột dừng lại vào thời Trung cổ.
Đại dịch lây nhiễm này xuất hiện ở khu vực Trung Á, thuộc Kyrgyzstan ngày nay, và lan đến châu Âu vào năm 1346 trên những con tàu chở hàng hóa từ Biển Đen.
Chỉ trong 8 năm, nó đã xóa sổ tới 60% dân số ở châu Âu, Trung Đông và Bắc Phi. Hậu quả, dân số loài người đã sụt giảm trong giai đoạn năm 1300 đến năm 1400, từ 429 triệu xuống còn 374 triệu người.
Các sự kiện khác như Bệnh dịch hạch Justinian tấn công Địa Trung Hải trong hai thế kỷ từ 541-767 và các cuộc chiến tranh vào đầu thời Trung cổ ở Tây Âu, cũng khiến số lượng người trên Trái đất giảm tạm thời.
8 tỷ và tiếp tục tăng
Từ thế kỷ 19 trở đi, dân số bắt đầu bùng nổ, phần lớn là nhờ sự phát triển của y học hiện đại và công nghiệp hóa nông nghiệp đã thúc đẩy nguồn cung cấp lương thực toàn cầu.
Kể từ năm 1800 đến này, dân số thế giới đã tăng gấp 8 lần, từ khoảng 1 tỷ người lên 8 tỷ người.
Theo chuyên gia Crubezy, sự ra đời của vaccine phòng bệnh là một chìa khóa quan trọng trong sự gia
tăng kể trên. Điển hình, mũi tiêm phòng ngừa bệnh đậu mùa đã giúp tiêu diệt một trong những căn bệnh chết chóc lớn nhất lịch sử.
Những năm 1970 - 1980 đã mang lại một cuộc cách mạng y tế nhỏ khác. Đó là phương pháp điều trị bệnh tim, giúp giảm tỷ lệ tử vong ở những người trên 60 tuổi.
Với tuổi thọ và số người trong độ tuổi sinh nở tăng lên, Liên hợp quốc dự đoán dân số thế giới sẽ tiếp tục tăng lên khoảng 8,5 tỷ người vào năm 2030, khoảng 9,7 tỷ người vào năm 2050 và đạt đỉnh khoảng 10,4 tỷ người vào năm 2080.