Lúc 1h29 phút ngày 15/11 vừa qua, em bé Venice Mabansag sinh tại Tondo, Manila, Philippines đã trở thành công dân tượng trưng thứ 8 tỷ của nhân loại. Bác sĩ Romeo Bituin, lãnh đạo bệnh viện nơi bé Venice ra đời, cho biết: “ Chúng tôi vừa chứng kiến em bé thứ 8 tỷ của thế giới chào đời tại Philippines ”.
Công dân tượng trưng thứ 8 tỷ của nhân loại.
Con số 8 tỷ người được đưa ra trong Báo cáo Triển vọng Dân số thế giới năm 2022 của Liên hợp quốc công bố hôm 11/7 vừa qua.
Nhưng tại sao em bé Venice lại được gọi là công dân “tượng trưng”?
1. Làm sao các nhà nghiên cứu biết dân số thế giới đã đạt 8 tỷ người?
Con số 8 tỷ thực sự quá lớn để một người có thể hình dung, chứ đừng nói là đếm được. Trên thực tế, không có cách nào có thể biết được chính xác có bao nhiêu con người đang sống và hít thở trên toàn địa cầu, vì các cuộc điều tra dân số luôn có sai số nhất định, chỉ diễn ra định kỳ sau một thời gian khá dài, chưa kể số người được sinh ra và mất đi cũng thay đổi theo từng giây.
Như vậy, chúng ta có thể hiểu con số 8 tỷ này hoàn toàn là ước đoán gần chính xác nhất - do đó, một em bé sinh ra vào thời điểm khớp với dự đoán - như trường hợp của Venice, có thể được chọn làm công dân “tượng trưng” thứ 8 tỷ của địa cầu
Nhưng kể cả khi chỉ ước tính, cách các nhà nghiên cứu suy đoán ra con số lớn đến khó hình dung này và thời điểm dân số nhân loại đạt tới nó vẫn rất phức tạp. Công việc này hiện đang được đảm nhận bởi một tổ chức quốc tế: Cơ quan Dân số Liên hợp quốc (United Nations Population Division).
2 năm một lần, họ tính toán và công bố dân số hành tinh trong Báo cáo Triển vọng Dân số Thế giới. Các số liệu được rút ra từ dữ liệu điều tra dân số quốc gia cũng như sinh, tử, hồ sơ di cư và khảo sát. Theo BBC, không chỉ Venice là công dân “tượng trưng” thứ 8 tỷ mà ngay cả ngày 15/11/2022 cũng vậy; trên thực tế, dân số có thể đạt 8 tỷ với sai số 1-2 năm về trước hoặc sau thời diểm này.
2. Dân số đã gia tăng thế nào để đạt con số 8 tỷ người?
Trên thực tế, dân số thế giới chỉ thực sự bùng nổ khi có các cuộc cách mạng công nghiệp đầu tiên.
Con người phải mất 300.000 năm để đạt tới 1 tỷ đầu tiên - khoảng những năm 1800. Thêm 100 năm nữa để đạt tới 2 tỷ, nhưng tới những năm 1950, biểu đồ tăng dân số gần như “thẳng đứng” và liên tục tăng mạnh trong các thập kỷ tiếp theo. Lần gần nhất dân số đạt con số tròn tỷ là 7 tỷ người năm 2011 - chỉ 11 năm trước.
3. Tương lai sẽ ra sao?
Mặc dù dân số thế giới có vẻ đang tăng rất nhanh, nhưng theo các quan sát dữ liệu, tốc độ đó đang ngày càng chậm lại. Theo The Conversation, tỉ lệ gia tăng dân số đã đạt đỉnh cách đây 60 năm và giờ chỉ tăng dưới 1% mỗi năm. Liên Hợp Quốc dự báo dân số thế giới sẽ gia tăng đến đỉnh điểm ở mốc khoảng 10 tỷ vào 2086 trước khi bắt đầu sụt giảm.
4. Làm sao đảm bảo an ninh lương thực cho 8 tỷ người?
Theo Giáo sư Brian Atwell của Đại học Macquarie, nhân loại sẽ đối mặt rất nhiều thách thức với dân số gia tăng và những điều kiện khắc nghiệt chưa từng thấy như nắng nóng, hạn hán, biến đổi khí hậu… Và công nghệ sinh học trong trồng trọt (ví dụ như biến đổi gen) cũng như nông học đổi mới sẽ là chìa khóa giải quyết những thách thức trên.
Để tăng sản lượng lương thực đồng thời tránh phá hủy thêm các vùng đất ngập nước, rừng và đồng cỏ trên thế giới, công nghiệp hóa nông nghiệp - nghĩa là các hệ thống sản xuất được quản lý chặt chẽ, công nghệ sinh học và biến đổi gen của cây trồng - là chìa khóa để gia tăng sản lượng lương thực của con người đối với đất canh tác hiện có .
Một số đề xuất chuyển sang ăn chay toàn cầu – một khái niệm dựa trên lý thuyết tốt và đạo đức không thể nghi ngờ, nhưng có ý nghĩa thực tiễn nghiêm túc. Con người cần chất đạm; người nghèo trên thế giới có nhiều khả năng bị thiếu protein hơn là thiếu carbohydrate. Phần lớn protein mà con người cần được hỗ trợ bằng cách chăn thả gia súc trên các vùng đất không thể trồng trọt hoặc đánh bắt từ các đại dương.
5. Có những thách thức nào với nhân khẩu và lao động trong tương lai?
Phó giáo sư Andrew McGregor ở Đại học Macquarie, dân số đang thay đổi và tăng trưởng không đồng đều, và các động lực tăng và giảm dân số rất khác nhau. Vấn đề tài chính sẽ khiến trẻ em ở nhiều nước đang phát triển phải tăng cường tham gia lao động để kiếm thu nhập cho gia đình cũng như chăm sóc các thành viên lớn hơn. Ngược lại, ở các nước phát triển, xu hướng “ngại sinh con” sẽ gia tăng vì chi phí nuôi con ngày càng đắt đỏ.
Nhiều nước phát triển đã phải đối mặt với mức sinh dưới “mức thay thế” (mỗi người phụ nữ cần có trung bình 2,1 con để dân số duy trì) trong nhiều thập kỷ và hệ quả là dân số ngày càng già đi và suy giảm, với tỷ lệ người trong độ tuổi lao động thấp hơn.
Hệ quả là, nhiều quốc gia đã bắt đầu nới lỏng những chính sách kiểm soát dân số. Trung Quốc đã bỏ chính sách một con, trong khi một số quốc gia phát triển như Úc tiếp tục thu hút định cư.
6. Tác động tới biến đổi khí hậu?
Dân số gia tăng và việc tiếp tục sử dụng nhiên liệu hóa thạch cũng đồng nghĩa với việc lượng khí phát thải cũng sẽ gia tăng không ngừng, đặc biệt khi nhu cầu công nghiệp hóa ngày càng cao, nhất là ở các nước đang phát triển.
Giáo sư Lesley Hughes, chuyên ngành sinh học tại Úc cho hay nhiều loài đã bị ảnh chị hưởng tiêu cực bởi biến đổi khí hậu nhanh chóng và có nguy cơ tuyệt chủng trừ khi chúng có thể thích nghi với những thay đổi trong môi trường của chúng hoặc di chuyển đến nơi nào đó phù hợp hơn – và tỷ lệ tuyệt chủng loài rất cao hiện nay do hoạt động của con người sẽ tiếp tục tăng tốc dưới tác động của biến đổi khí hậu.
Việc củng cố và mở rộng các khu vực bảo tồn động thực vật của chúng ta sẽ tăng cường môi trường sống và xây dựng khả năng phục hồi cũng như tạo ra nơi trú ẩn trong tương lai cho các quần thể loài.
Cuộc khủng hoảng thực sự đối với con người sẽ là tác động của biến đổi khí hậu đối với cả an ninh lương thực và nước.
Sự gia tăng nhiệt độ và những thay đổi về nguồn nước cũng như các sự kiện thời tiết khắc nghiệt cũng đã ảnh hưởng đến sản lượng cây trồng và vật nuôi trên toàn cầu – điều này có nghĩa là việc nuôi sống dân số ngày càng tăng sẽ ngày càng khó khăn hơn.
Mực nước biển dâng cao và các tác động khác liên quan đến biến đổi khí hậu như hạn hán sẽ ngày càng ảnh hưởng đến nơi con người sinh sống, dẫn đến tình trạng di cư ngày càng nhiều.
Một báo cáo của Oxfam vào năm 2019 ước tính rằng 20 triệu người mỗi năm phải di dời do các sự kiện liên quan đến khí hậu và con số này sẽ chỉ tăng lên.
Điểm mấu chốt là dân số ngày càng tăng (và già đi) của thế giới giao thoa với tình trạng khẩn cấp về khí hậu và khiến nhiệm vụ tạo ra một thế giới an toàn hơn cho các thế hệ tương lai càng trở nên khó khăn.
7. Làm sao để chăm sóc sức khỏe cho 8 tỷ con người?
Chăm sóc sức khỏe cho 8 tỷ người hiện nay trên Trái đất là một thách thức phức tạp và nhiều mặt. Suy dinh dưỡng ở các dạng khác nhau cũng nghiêm trọng khi nửa tỷ người đang thiếu cân trong khi gần 2 tỷ người bị thừa cân. Liên Hợp Quốc báo cáo ít nhất một tỷ người có chứng rối loạn tâm thần.
Đại dịch COVID-19 đã và đang là một cuộc diễn tập ngắn gọn, sắc bén cho trận sóng thần khổng lồ ảnh hưởng đến sức khỏe con người, chưa kể tới biến đổi khí hậu.
Con người hiện đang là loài thống trị hành tinh, gây ô nhiễm đất, không khí và nước – nhưng chúng ta cũng có sự khéo léo và hiểu biết về công nghệ để giải quyết vấn đề này, nếu chúng ta có thể hợp tác, loại bỏ nhiên liệu hóa thạch.
Tuổi thọ tiếp tục tăng ở hầu hết các quốc gia – nhưng ở các quốc gia giàu có, lối sống ít vận động và tiêu thụ quá mức đang đẩy nhanh các bệnh chuyển hóa như béo phì và tiểu đường.
Giáo sư Jeffrey Braithwaite chuyên ngành nghiên cứu y tế cho biết các quốc gia đều có các mục tiêu mạnh mẽ do chính phủ chỉ đạo nhằm cải thiện sức khỏe và tuổi thọ của công dân. Nhưng để làm được điều này, chúng ta phải giải quyết vấn đề khí hậu trước tiên.
8. Bài toán cung cấp năng lượng
Thách thức chính trong việc cung cấp năng lượng cho hơn 8 tỷ người, nằm ở phân phối, đầu tư và sở hữu. Khoảng 2,5 tỷ người sử dụng 'sinh khối' (gỗ, chất thải nông nghiệp và phân) để nấu ăn và 1,5 tỷ hộ gia đình không có điện. Nhưng trong khi hàng tỷ người sống trong tình trạng thiếu năng lượng, theo Giáo sư Darren Bagnall chuyên ngành kỹ thuật, công dân một số quốc gia phát triển lại sử dụng lượng năng lượng gấp 10 lần họ cần để có một cuộc sống tươm tất – và sự gia tăng dân số có thể làm trầm trọng thêm khoảng cách năng lượng giữa nhóm người giàu nhất và người nghèo nhất.
An ninh năng lượng sẽ trở nên mong manh hơn khi chi phí nhiên liệu tăng và tình trạng mất điện trở nên phổ biến hơn. Các hệ thống có tổ chức và lập kế hoạch tốt có thể duy trì nguồn cung cấp thông qua thiên tai, biến động hay khủng hoảng kinh tế, nhưng ngay cả các quốc gia tiên tiến cũng trải qua khủng hoảng năng lượng – ví dụ như ở cả Úc và Vương quốc Anh trong năm 2022.
Theo giáo sư Bagnall, chìa khóa nằm ở năng lượng sạch và năng lượng tái tạo - khi chúng vừa là nguồn năng lượng bền vững sẵn có, vừa ít tác động tiêu cực lên môi trường hơn năng lượng hóa thạch.