Chiều 2/11, do ảnh hưởng của đợt mưa lớn kéo dài nhiều ngày qua, một số địa phương ở tỉnh Quảng Nam như huyện Đại Lộc, Nam Giang, Tây Giang bị ngập cục bộ.
Một số đoạn đường bị chia cắt do ngập sâu.
Theo ghi nhận của PV tại huyện Đại Lộc, chiều 2/11 người dân nhận được thông báo về việc các thủy điện trên địa bàn sẽ tiến hành xả lũ.
Ông Ngô Xuân Yến, Chủ tịch UBND xã Đại Lãnh (Đại Lộc), cho hay xã nhận được thông báo xả lũ từ các nhà máy thủy điện và đã thông báo đến cho người dân.
Theo đó, công ty Cổ phần Thủy điện Đăk Mi cho biết ngày 2/11, mức nước đổ về lòng hồ thủy điện 900m3/s, mực nước hồ đạt 258m. Vào lúc 14h cùng ngày, công ty bắt đầu vận hành xả lũ hồ chứa thủy điện Đăk Mi 4 với lưu lượng 900 đến 2400 m3/s.
Công ty Cổ phần Phú Thạnh Mỹ cũng ra thông báo về việc bắt đầu xả tràn hồ thủy điện sông Sông Bung 4A. Hiện mực nước thượng lưu đạt 97,39m, mực nước hạ lưu là 64,70m, nước đổ về hồ là 820 m3/s, do đó thủy điện Sông Bung 4 dự kiến xả tràn từ 100-1.250m3/s.
Mưa lớn kéo dài nhiều ngày khiến nước sông Vu Gia dâng cao. Huyện Đại Lộc là rốn lũ của tỉnh Quảng Nam. Trong các năm 2009 và 2013, tình trạng thủy điện xã lũ khiến địa phương này bị thiệt hại rất nặng
Một vài ngôi nhà ven sông Vu Gia ở thị trấn Ái Nghĩa đã bị ngập nhưng chưa nghiêm trọng. Người dân cho hay mưa đã ngưng, nắng đã hửng lên nhưng họ vẫn lo sợ khi nghe tin thủy điện xã lũ. Năm 2009, trời nắng chói chang nhưng nước đổ về ào ạt, lên rất nhanh khiến nhiều người tử vong, tài sản bị nước cuốn trôi.
Một số tuyến đường ở xã Đại Lãnh (Đại Lộc) đã ngập sâu gần 1 mét. Người dân bắt đầu di chuyển đến nơi cao hơn.
Ở những khu vực khô ráo, trâu vẫn được di chuyển đến nơi cao hơn. Ông Ngô Hào (trú thôn Hà Tân, xã Đại Lãnh, Đại Lộc) nói trâu dù lội lũ được nhưng vẫn phải đưa lên núi. Theo ông Hào, lũ thủy điện đổ về rất lớn, lên rất nhanh sẽ cuốn trôi tất cả. Nếu không đưa tài sản lên cao thì có thể mất trắng.
Nhiều đoạn đường ngập sâu xe máy không thể đi qua được phải thuê người chuyên chở. Một chuyến xe qua đoạn đường lũ được trả công khoảng 30.000 đồng. Đây có lẽ là nghề duy nhất kiếm ra tiền trong những ngày mưa lũ ở huyện Đại Lộc.