Theo thông tin từ Hải quân Mỹ, đạn pháo siêu thanh (HPV - Hypervelocity projectile) sẽ nâng cao đáng kể hiệu quả chiến đấu so với hải pháo truyền thống và có chi phí tiết kiệm hơn.
Tuy nhiên, giới chuyên gia quân sự hoài nghi về thông tin trên. Căn cứ vào nền tảng công nghệ hiện tại, nhiều chuyên gia cho rằng, HPV có thể là "trò đùa Cá tháng 4" hay "lò đốt tiền" mới của Hải quân Mỹ.
HPV - phương án thay thế rẻ tiền của pháo ray điện từ
Theo trang tin USNI News của Hải quân Mỹ, trong mùa hè năm 2018, tại cuộc tập trận quốc tế RIMPAC, Hải quân Mỹ đã thử nghiệm bắn 20 nguyên mẫu HPV từ pháo hạm Mark 45 127mm thông thường. Thử nghiệm tương tự từng được thực hiện trên tàu khu trục Ross năm 2015. Tuy nhiên, không rõ nguyên nhân, từ đó tới nay, quá trình phát triển HPV rất trầm lắng.
Về bản chất, HPV là đạn pháo điện từ chuyên dụng, được thiết kế ban đầu để trang bị cho pháo ray điện. Nguyên lý phát triển HPV không phải là mới. Từ Thế chiến thứ nhất đã có nhiều quốc gia thử nghiệm công nghệ lực điện từ trường để tạo gia tốc cực cao cho vật thể. Vũ khí này được sử dụng để tiêu diệt mục tiêu bằng xuyên phá động năng của đầu đạn ở vận tốc lớn.
HPV (ảnh trên) và pháo ray điện tử vẫn là vũ khí của tương lai.
Tuy nhiên để HPV và pháo ray điện từ đạt được hiệu quả chiến đấu như kỳ vọng vẫn là thách thức đối với công nghệ ở thời điểm hiện tại. Để tạo sơ tốc lực từ trường lớn, pháo ray điện và HPV cần nguồn năng lượng điện khổng lồ, cũng như cơ cấu vận hành và vật liệu chế tạo phức tạp.
Điều này đã được minh chứng qua chương trình phát triển pháo ray điện của Mỹ. Hàng tỷ USD đã được chi ra, nhưng chương trình vũ khí tương lai này vẫn không đạt được tiến bộ đáng kể. Sau một số nguyên mẫu được thử nghiệm, Hải quân Mỹ dường như đã coi việc phát triển pháo ray điện là vấn đề thứ yếu.
Đánh giá về chương trình pháo ray điện và HPV của Mỹ, chuyên gia quân sự Alexei Leonkov nhận xét, các chuyên gia Mỹ đã thành công khi nâng sơ tốc bắn của pháo ray điện, nhưng viên đạn được bắn ra chỉ bay với quỹ đạo thẳng và không hề có sự can thiệp hay tính toán về đường đạn.
"Những tuyên bố của phía Mỹ về việc có thể sử dụng HPV để bắn trúng các mục tiêu di chuyển là viển vông. Nguyên mẫu thử nghiệm thực tế chỉ bay theo một đường thẳng, để bắn trúng mục tiêu, nó cần phải bay theo quỹ đạo có thể tính toán được", chuyên gia Alexei Leonkov nhấn mạnh.
Về vấn đề này, Phó chủ tịch Viện nghiên cứu Pháo binh và tên lửa Nga, tiến sĩ Konstantin Sivkov, hiệu quả đáng nghi ngờ của pháo ray điện không xứng đáng với số tiền phải chi ra cho quá trình nghiên cứu. Nguyên mẫu pháo ray điện còn quá cồng kềnh và cần tiêu thụ nhiều điện.
Chính vì những vấn đề trên, Hải quân Mỹ đang chuyển hướng từ phát triển pháo ray điện sang việc tích hợp đạn HPV lên hải pháo truyền thống cỡ 127 và 155mm. Tuy nhiên, việc chuyển đổi này lại đặt ra vấn đề Hải quân Mỹ kỳ vọng vào hiệu quả chiến đấu của HPV vốn được thiết kế cho pháo ray điện với nguyên lý hoạt động hoàn toàn khác hải pháo truyền thống là điều không tưởng.
"Xét về bản chất, súng và đạn phải được thiết kế tương thích cho nhau từ nguyên lý tới chức năng sử dụng. Việc "râu ông nọ, cắm cầm bà kia" chỉ dẫn tới những hậu quả không thể tưởng tượng", chuyên gia Konstantin Sivkov nói.
Không tương xứng với số tiền nghiên cứu
Hiện tại, việc tích hợp HPV lên hải pháo truyền thống đang do BAE Systems thực hiện. Cách tiếp cận công nghệ của BAE Systems là tích hợp một số mô-đun có thể tháo lắp lên hải pháo truyền thống để nó có thể bắn được HPV như đạn pháo thông thường.
Đánh giá về vấn đề này, chuyên gia Sergey Denissentsev thuộc Trung tâm phân tích Chiến lược và công nghệ Nga cho rằng, việc Hải quân Mỹ cố gắng sử dụng HPV chỉ nhằm mục đích "chữa cháy" cho nguồn ngân sách khổng lồ đã được chi cho quá trình phát triển pháo ray điện từ và các thiết bị liên quan.
Theo chuyên gia Sergey Denissentsev, HPV thực sự giúp tăng sơ tốc đầu nòng, nhưng không giúp cải thiện tầm bắn. Đây không phải là yếu tố chính giúp cải thiện uy lực của hải pháo.
Hải pháo truyền thống và tên lửa sẽ vẫn là vũ khí chủ lực trên hạm trong nhiều thập niên tới.
"Mỹ đã quá tập trung vào việc cải thiện sơ tốc đầu nòng của HPV. Tuy nhiên, điều này chỉ đóng vai trò thứ yếu trong pháo binh hiện đại. Vấn đề chính là phải cải thiện được khả năng tính toán quỹ đạo và dẫn đường của đạn.
Thiếu điều này, HPV chỉ là viên đạn pháo thông thường được bắn với sơ tốc cao hơn. Tốc độ cao hơn đi liền với việc kiểm soát quỹ đạo bay khó hơn. Muốn HPV ở thời điểm hiện tại có thể bắn trúng được các mục tiêu di chuyển, thì cần có những đột phá về công nghệ", chuyên gia Sergey Denissentsev nhận định.
Trong khi đó, chuyên gia Alexei Leonkov cho rằng, việc Hải quân Mỹ gọi HPV với các tên hoa mỹ là đạn pháo siêu thanh giống như việc "khen thỏ chạy nhanh".
"Các loại đạn pháo truyền thống đã đạt tốc độ siêu thanh. Sơ tốc trung bình của các loại đạn pháo thường đạt khoảng 2km/giây, tương đương 7.200km/giờ hoặc Mach 6.5 (gấp 6,5 lần tốc độ âm thanh). Xét ở yếu tố này, tất cả các loại vũ khí hạng nặng trên thế giới đều đang bắn đạn siêu âm", chuyên gia Alexei Leonkov nói.
Cùng với đó, tuyên bố của Hải quân Mỹ về việc sử dụng HPV sẽ giúp giảm chi phí chiến đấu cũng bị giới chuyên gia nghi ngờ. Các loại đạn pháo thông thường dù độ chính xác không cao, nhưng lại rẻ tiền, còn sản phẩm công nghệ cao HPV thì mức chi phí cao hơn nhiều lần.
"HPV được thiết kế để chịu được mức gia nhiệt ở tốc độ siêu thanh nên giá thành không hề rẻ. HPV đặt gấp vài chục lần so với đạn pháo thường. Nếu Hải quân Mỹ muốn ném vàng thỏi qua nòng pháo thì không ai cấm. Tốt nhất hay để họ thử nếm trải điều đó", chuyên gia Sergey Denissentsev nhấn mạnh.
Giá thành của mỗi đơn vị HPV ước khoảng 75.000-100.000 USD. Hải quân Mỹ cho rằng, HPV có hiệu quả trong việc đối phó với thiết bị bay không người lái và một số loại tên lửa hành trình. Nhiệm vụ này đang thuộc về tên lửa phòng không trên hạm như Standard Missile và ESSM với chi phí từ 1-2 triệu USD cho mỗi đạn tên lửa đánh chặn.
Nếu nhìn qua, HPV đúng là phương án thay thế hợp lý. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ, đạn tên lửa sử dụng nguyên tắc nổ phá mảnh định hướng để tiêu diệt mục tiêu và công nghệ này đã được kiểm chứng qua nhiều thập kỷ. Trong khi đó, HPV với nguyên tắc xuyên phá động năng cần hệ thống chỉ thị và điều khiển hỏa lực phức tạp hơn nhiều lần.
"Sẽ cần bao nhiêu HPV để tiêu diệt một mục tiêu. Nếu con số này là một vài đơn vị thì đạt hiệu quả, nhưng nếu con số đạn dược cần dùng lên tới hàng chục hay hàng trăm đơn vị thì sẽ là thảm họa", chuyên gia Alexei Leonkov nhận xét.
Xét về hiệu quả chiến đấu của HPV, chuyên gia Sergey Denissentsev cho rằng, vũ khí mới này chỉ nên coi là một phương án sử dụng trong chiến đấu để bổ khuyết cho những yếu điểm của tên lửa phòng không.
"Về dài hạn, tên lửa sẽ vẫn là vũ khí chính trên hạm trong nhiều thập niên tới", chuyên gia Sergey Denissentsev nói.
Đánh giá chung về HPV, các chuyên gia cho rằng, việc Hải quân Mỹ đang cố gắng tạo những đột phá trong công nghệ siêu thanh để tỏ ra vượt trội Nga và phần còn lại của thế giới trong lĩnh vực vũ khí hải quân. Tuy nhiên, xét về hữu dụng, HPV không phải là loại vũ khí hiệu quả và cần thiết…