Tại hội thảo "Digital Trust và phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới" hôm 29/5, ông Nguyễn Phương Lâm, Giám đốc bộ phận phân tích thị trường của YouNet ECI nêu bật sự dịch chuyển về chân dung khách hàng trên sàn thương mại điện tử cùng xu hướng mua sắm trong 5 năm tới.
Theo chuyên gia của YouNet ECI, thời gian đầu của thương mại điện tử, chị em phụ nữ là thế lực thống trị với hai mặt hàng chủ lực là thời trang và làm đẹp. Hiện nay, sức mạnh tiêu dùng của năm giới trên các kênh mua sắm online không hề kém cạnh.
Dẫn chứng điều này, ông Lâm lấy số liệu tăng trưởng của hai mặt hàng công nghệ và điện gia dụng trên bốn sàn thương mại điện tử gồm Shopee, Lazada, TikTok Shop và Tiki. Nửa cuối năm 2023, tốc độ tăng trưởng của ngành hàng công nghệ và gia dụng lần lượt đạt 113% và 136%, cao hơn bất cứ nhóm ngành nào khác, theo số liệu của YouNet ECI.
Độ tuổi của người tiêu dùng cũng giảm đáng kể. Theo báo cáo của Meta và Bain & Company, 75% người mua sắm thương mại điện tử là Gen Z, đồng nghĩa, cứ bốn người thì có ba người thuộc thế hệ Z chốt đơn. Đây là lực lượng lao động của Việt Nam trong ba năm tới, với thu nhập từ 200-600 triệu.
Không chỉ thay đổi chân dung, trưởng phòng phân tích của YouNet cũng chỉ ra một số điểm khác biệt trong hành vi tiêu dùng của khách hàng. Thay vì đợi đến những ngày sale đậm, mega sale mới mua hàng, người dùng hiện nay chốt đơn mỗi ngày. Điều này xuất phát từ việc giá cả ngày càng rẻ cùng việc mua sắm ngày càng tiện lợi hơn.
Số liệu của Buzzmetrics chỉ ra, giai đoạn 2022 – 2023, tần suất truy cập sàn thương mại điện tử mỗi ngày của người dùng tăng gấp ba lần. Theo đó, số lượng đơn hàng cũng tăng mạnh, từ 10-20 đơn hàng/tháng vào năm 2022 lên 20-30 đơn hàng/tháng năm 2023. Giá trị đơn hàng cũng tăng 10,5%.
Ngoài ra, ông Lâm cũng chỉ ra hai động lực như mua sắm các mặt hàng giá trị cao hay kết hợp mua sắm với giải trí (shoppertainment) sẽ là động lực của thương mại điện tử trong 5 năm tới.
Về xu hướng mua sắm các mặt hàng có giá trị cao, nghiên cứu của Younet cho thấy, thương mại điện tử không chỉ là sân chơi của những mặt hàng giá rẻ. Đơn cử như điện thoại, kể từ khi Apple mở bán iPhone 15 trên sàn, iPhone 15 Pro Max là sản phẩm bán chạy nhất, bất chấp giá cao. Người mua ngày càng "cởi mở" rót tiền cho thương mại điện tử đến từ việc các nhà bán hàng có chính sách hậu mãi, bảo hành chất lượng, việc mua online hay offline không khác biệt quá nhiều.
Bên cạnh đó, xu hướng mua sắm kết hợp với giải trí (shoppertainment) cũng đang được hưởng ứng. Trong thời đại nội dung giải trí dẫn dắt hoạt động thương mại, shoppertainment trở thành công cụ giúp các nhà bán hàng đa dạng hóa cách thức tiếp cận khách hàng mục tiêu, để tăng doanh số.