Mất tinh hoàn vì không biết bệnh
Anh Nguyễn Mạnh L. quê Hà Nam, 31 tuổi đến khám vì đau tinh hoàn. Anh L. cho biết, anh bị đau mấy hôm nay nhưng đau nhẹ và đến khi đi khám bệnh mới biết bệnh tình quá nặng. Anh L. đến Bệnh viện Đại học Y khám vì nghĩ viêm tinh hoàn nhưng khi siêu âm bác sĩ cho biết anh bị xoắn tinh hoàn và chỉ định bác sĩ phẫu thuật cấp cứu.
Khi các bác sĩ mổ, tinh hoàn của anh đã bị hoại tử đen lại nên phải cắt bỏ tinh hoàn không thể bảo tồn được cho bệnh nhân, đây là điều thực sự đáng tiếc cho bệnh nhân vì đến viện quá muộn.
Hay như trường hợp của cháu Bùi Trung H. 12 tuổi, quê ngoại thành Hà Nội. Cháu H. ở nhà với ông bà, bố mẹ đi làm ăn xa. Cháu H. thường xuyên bị đau tinh hoàn. Bà cháu nghĩ “chỗ đó” không thể có bệnh gì mà phải chữa. Hàng ngày, bà cháu lấy lá trầu không hơ nóng qua lửa rồi chườm vào tinh hoàn của cháu mình với hi vọng hết đau.
Khi cháu H đau không chịu nổi nữa kèm theo sốt, nôn mửa, đau bụng gia đình mới vội vàng đưa vào viện.
Tại đây, các bác sĩ làm phẫu thuật cho cháu bé nhưng vẫn không thể bảo tồn được bên tinh hoàn đã bị xoắn. Các bác sĩ cho biết, lúc mổ ra phần tinh hoàn bị xoắn đã đen, thối. Cháu chỉ còn lại tinh hoàn bên phải nhưng đã bị teo một phần.
Trường hợp này, cháu bé khó có khả năng có con. Các bác sĩ phải theo dõi xem tình hình tinh hoàn còn lại có bị teo thêm nữa không.
Nên đến bệnh viện sớm nhất
Tại Trung tâm Nam học – Bệnh việt Việt Đức, TS Nguyễn Quang giám đốc trung tâm cho biết ông gặp rất nhiều bệnh nhân đến khám với tinh hoàn sưng to, đến muộn phải mổ cắt bỏ tinh hoàn do bệnh nhân không biết bệnh xoắn tinh hoàn mà cứ nhầm với viêm nhiễm khác.
Biểu hiện của bệnh xoắn tinh hoàn là tinh hoàn đau cấp tính tại vùng bìu và khi có dấu hiệu này bệnh nhân cần đến bệnh viện ngay tốt nhất là các bệnh viện chuyên khoa để bác sĩ phẫu thuật “cứu tinh hoàn” trước khi quá muộn.
Theo TS Quang, tình trạng xoắn tinh hoàn gặp 1/4000 nam giới, tỷ lệ này so với các bệnh lý về mặt bệnh học khác cũng cao, thường bị ở tuổi thanh thiếu niên. Tuy nhiên trường hợp người có tuổi, cháu bé vẫn có thể gặp.
Với xoắn tinh hoàn, hoàn cảnh hay xảy ra theo TS Quang có thể khi bệnh nhân trong lúc ngủ đau đột ngột tinh hoàn thấy sưng nhưng cũng có thể gặp bệnh nhân hoạt động thể thao, hoạt động vận động mạnh làm tinh hoàn sưng, đau vì vậy nên đi khám.
Điều TS Quang lo lắng đó là nhiều trường hợp bệnh nhân khi bị đau tinh hoàn đi khám ở phòng khám hay một số bệnh viện hay chẩn đoán nhầm viêm tinh hoàn và điều trị viêm tinh hoàn dẫn chậm trễ trong xử trí cho bệnh nhân.
Bình thường, tinh hoàn cần tưới máu để nuôi nhưng khi bị xoắn nếu tinh hoàn mất máu nếu trước 6 tiếng còn chữa được nếu sau 6 tiếng thì tinh hoàn hoại tử và phải cắt bỏ.
Bệnh nhân không biết bệnh nên khi đi khám, TS Quang cho biết các bác sĩ thấy có tình trạng đau tinh hoàn phải nghĩ đến xoắn tinh hoàn vì sau 6 tiếng khả năng cứu tinh hoàn không còn.
Khi có dấu hiệu đau tinh hoàn thì biện pháp đầu tiên bác sĩ khám phải nghĩ đến xoắn tinh hoàn và coi là cấp cứu ngoại khoa, khẩn trương cho bệnh nhân.
Để chẩn đoán chính xác, bác sĩ cho bệnh nhân siêu âm, đánh giá độ tưới máu của tinh hoàn có thể đánh giá độ tưới máu nhiều hay ít hay không có tưới máu và xoắn thừng tinh.
Nếu xoắn thừng tinh cấp tính cần phẫu thuật cấp cứu. Nếu đến sớm có thể tự tháo xoắn nếu không tháo xoắn được phải cấp cứu ngoại khoa để tháo xoắn.
Nếu tinh hoàn mổ ra vẫn hồng, bệnh nhân đến sớm thì bác sĩ tháo xoắn cố định cho bệnh nhân. Nếu tinh hoàn hoại tử đen phải cắt bỏ tinh hoàn. Có nhiều lý thuyết hướng tới nguyên nhân của hiện tượng xoắn tinh hoàn.
Tinh hoàn nằm trong bìu có nhiều dây chằng để cố định tinh hoàn, ít di chuyển. Một số trường hợp tổ chức bìu lỏng làm tinh hoàn dễ di động trong khoang bìu nên chỉ tác động nhỏ cũng bị xoắn tinh hoàn.