Cuộc tranh luận giữa ông Vũ và bà Thảo trên phiên tòa ly hôn sóng gió trong suốt hai ngày qua có lẽ đã không thu hút được nhiều sự chú ý đến thế nếu như không có những lời can ngăn, xoa dịu đúng kiểu "thêm dầu vào lửa" của vị chủ tọa phiên tòa.
Vị chủ tọa giương mục kỉnh và nhẹ nhàng khuyên người phụ nữ đã một mình chèo chống con thuyền mang tên gia đình và công ty trong suốt quãng thời gian qua rằng "chị không sai cũng coi như mình sai đi!", bởi vì "Một người đàn ông hùng hục đi lao động ở ngoài, kiếm tiền về cho vợ con, như con đại bàng đực chỉ có tha mồi về cho đại bàng cái nuôi con.
Sướng quá đi chứ. Tại sao chị lại tự nhiên ôm khổ vào thân. Tôi nghĩ như thế là hợp tình hợp lý, hợp với đạo lý và hợp với phong tục tập quán của dân tộc Việt Nam mình".
Những câu nói tưởng như là khuyên nhủ, là bênh vực, là "khai sáng" ấy thực chất không khác gì những quả bọc phá được ném thẳng vào mọi nỗ lực và sự cố gắng của người phụ nữ mạnh mẽ kia.
Tại sao phụ nữ lại phải tự kỉ ám thị để nhận mọi lỗi sai về mình? Tại sao trong mọi cuộc chia tay đắng ngắt, phụ nữ lại phải trách mình trước tiên?
Chồng bồ bịch lăng nhăng, là do tôi không chăm sóc, chiều chuộng anh ấy. Chồng xa lánh gia đình cả mấy năm trời đằng đẵng, là do tôi không khéo léo, không biết cách giữ chân chồng. Là vậy phải không?
Đàn ông luôn đúng, đàn bà luôn sai? Cũng giống như đạo lí mà ông Vũ từng nói ấy, là gia đình thì phải có trên có dưới rõ ràng. Đàn ông luôn ở trên, đàn bà là phải ở dưới! Thật cay đắng biết bao.
Người ta nói: Đằng sau một người đàn ông thành công luôn có bóng dáng của một người phụ nữ, nhưng đằng sau một người phụ nữ thành công chắc hẳn chỉ có cái bóng của cô ta và rất nhiều giọt nước mắt còn chưa kịp lau khô.
Ấy thế mà vị chủ tọa vẫn khuyên người phụ nữ ấy phải nhận sai đi, dù không sai cũng coi như sai đi. Vì vốn dĩ cuộc sống của chị đang sướng như bà hoàng rồi mà!
Nhưng có bà hoàng nào cảm thấy viên mãn thực sự khi vợ không được thấy mặt chồng, con không được thấy gặp bố không suốt đằng đẵng từng ấy thời gian?
Cuộc ly hôn bỗng chốc biến thành một màn rao giảng về đạo đức mà những người (đáng nhẽ) nên đứng về phía phụ nữ, bênh vực và bảo vệ phụ nữ lại lớn tiếng thuyết giáo cho bà Thảo nghe làm sao để là một người vợ tiết hạnh, đúng mực và hợp với thuần phong mỹ tục.
Hãy nhớ cho rằng: Phụ nữ khi cần có thể bước một mình, chứ cô ấy không cần phải đi sau ai cả, thưa các quý ngài!
Đã hơn một lần, bà Thảo có ý muốn rút đơn ly hôn, nhưng giọt nước tràn ly có lẽ lại một phần đến từ chính những lời nói khuyên can của vị chủ tọa kia.
Thật nực cười khi một người phụ nữ thông minh, sắc sảo như bà Thảo lại rơi vào cái bẫy tâm lý ấy!
Và hãy thử đặt ông Vũ, hay bất cứ người đàn ông nào khác vào tâm thế của bà Thảo xem.
Thử xem chồng mấy năm trời không được gặp, một lời hỏi han quan tâm cũng không, thì còn tâm trí nào mà sống như một bà hoàng, mà hưởng thụ cuộc sống "ngàn người mơ ước" như vị chủ tọa kia vẫn nói không?
Hồ Xuân Hương đã từng phải giận dữ mà thét lên rằng "Chém cha cái cảnh lấy chồng chung/ Kẻ đắp chăn bông, kẻ lạnh lùng" khi nói về cuộc đời lắm nước mắt của những người phụ nữ phải chịu kiếp thê thiếp.
Nhưng bà Thảo xem ra còn bất hạnh hơn những người phụ nữ ấy nhiều.
Khi chồng ngoại tình, lăng nhăng hay công khai có bồ, phụ nữ khi ấy ít nhất còn biết được mặt mũi của "kẻ thù" mà sống cho tốt, cho sang, cho đàng hoàng, khí thế để kẻ phụ bạc kia sáng mắt lên.
Đây thì không. Bà không có đối thủ nào cả. Chồng lặng lẽ xa rời vợ, lặng lẽ quay mặt đi với các con và biến mất. Không ai thấy mặt ông trong suốt một quãng thời gian dài tính bằng năm.
Thử hỏi để các ông "đói" một tháng thôi, đói tình cảm, đói sự quan tâm chăm sóc chứ chưa nói đói tiền, xem các ông có hằn học, có phát rồ lên không, liệu khi ấy các ông có còn ở đó khuyên một người phụ nữ bị hắt hủi, bị giam trong lãnh cung chừng ấy năm phải cúi đầu, phải lùi bước, phải nhận sai về mình? Vậy nên, đừng khuyên bà Thảo phải cúi đầu.
Trong phiên tòa ly hôn ngàn tỷ giữa ông Vũ - bà Thảo, mỗi người đều đưa ra những cái lý riêng. Về phần bà Thảo, người bênh bà không ít, nhưng kẻ chê bôi cũng chẳng kém phần long trọng.
Những định mức phân chia 50 - 50% như bà mong muốn hay câu nói "Một người là đại trượng phu sẽ cho vợ con, còn mình đi tạo lập cái mới" nhận được gạch đá có lẽ đủ để xây một khu tái định cư mới.
Nhưng với những người đã từng đi qua đổ vỡ, khiêu vũ với những nỗi buồn được nhen lên từ đốm lửa tình yêu lại điềm nhiễn bảo rằng, đó không hẳn là vấn đề về tài sản, mà là cơn giận dữ của người đàn bà đang chịu nhiều tổn thương.
Chỉ có điều, ít ai nhận ra rằng, khi phụ nữ bị dồn đến đường đau lòng, phải nhẫn tâm, phải kì kèo với người đàn ông mà mình hết mực yêu thương suốt cả tuổi xuân, trái tim, tấm lòng của người phụ nữ mới chính là nơi đau đớn nhất.
Người phụ nữ khi bị coi thường, hắt hủi, bị phụ cả cái tâm lẫn cái tầm của mình, chắc chắn trái tim khi ấy sẽ chỉ còn đầy những hận thù và giận dữ.
Khi ánh nắng ái tình đã vĩnh viễn biến mất, lòng người sẽ chỉ còn là những đêm đông âm u đằng đẵng.
Ly hôn đến nước này, không phải để phân định thắng thua, mà thực sự là một sự giải thoát. Giải thoát cho cả hai khỏi những đau đớn và dằn vặt trong suốt nhiều năm qua.
Đừng bắt đàn bà phải độc ác hơn thế nữa!