Từ khi cựu Tổng thống Obama (hồi còn đang tại nhiệm) và các nhà cầm quyền Mỹ còn đang loay hoay cố gắng sửa đổi luật sở hữu vũ khí thì ở một số nơi trên đất Mỹ người ta đã thực hiện nhiều biện pháp thiết thực nhằm giải giáp vũ khí trong dân và một trong số đó là "Buyback programs".
Đúng như tên gọi của mình, chương trình này do chính quyền các bang tổ chức để thu mua vũ khí của người dân.
Trong khuôn khổ "Buyback programs", người dân khi tới giao nộp vũ khí sẽ không gặp bất cứ rắc rối nào vì cảnh sát không hỏi họ làm sao mà có được vũ khí, không kiểm tra xem nó có liên quan đến những vụ phạm tội trước đó hay không.
Những vũ khí thu thập được sẽ bị đem đi tiêu hủy, còn người dân sẽ nhận được tiền mặt hoặc phiếu quà tặng sau khi bàn giao vũ khí cho cảnh sát.
Một số người dân đã đáp ứng lời kêu gọi của chính phủ và giao nộp các vũ khí vô thừa nhận nhưng trên thực tế, lượng vũ khí được giao nộp chỉ là phần nhỏ. Một phần rất lớn vũ khí trôi nổi vẫn còn tồn tại trong tay những người sưu tập, hoặc được mua đi bán lại bất hợp pháp với giá cao hơn nhiều so với giá của chính quyền đưa ra.
Đôi khi cảnh sát cũng thu mua được cả tổ hợp tên lửa vác vai.
Ngày 16 tháng 12 năm nay, cảnh sát San Francisco (bang California) đã tổ chức ngày truyền thống "thu mua vũ khí" của người dân mà "không hỏi bất cứ câu gì".
Khẩu súng phóng lựu AT-4 đắt giá nhất trong đợt thu mua năm nay
Hoạt động này được nhận được sự hỗ trợ từ tổ chức phản đối vũ khí United Playaz, và năm nay đã có khoảng 50.000 đô la được chi ra để mua lại vũ khí. Đã có tổng cộng 271 đơn vị vũ khí các loại được người dân giao nộp trong ngày.
Vật vô giá trị nhất nhưng lại đặc biệt đắt giá mà cảnh sát mua lại là một ống phóng lựu AT4.
Ban đầu, khi cảnh sát San Francisco thông báo đã mua lại được một khẩu súng phóng lựu từ người dân, nó lập tức trở thành tiêu đề nóng hổi trên các tờ báo Mỹ, bởi đây được xem là loại vũ khí nguy hiểm, được thiết kế để vô hiệu hóa các loại xe tăng, xe bọc thép.
Tuy nhiên, theo tờ Fox News, thật trớ trêu cho lực lượng cảnh sát sau khi họ xác định được đây là súng phóng lựu AT-4, loại dùng một lần, bắn rồi bỏ. Vì thế, trong trường hợp này, cảnh sát đã mua một chiếc ống nhựa hoàn toàn vô dụng.
Câu chuyện ngay lập tức trở thành "trò cười" trên mạng xã hội Mỹ.
"Thật đáng xấu hổ cho những chuyên gia vũ khí đã được đào tạo. Trừ phi mục đích của các anh là dọa người khác. Nó chỉ là một cái ống rỗng tuếch, không thể tái sử dụng" - một tài khoản Twitter châm chọc.
"Đó là ống phóng của AT-4, hoàn toàn vô dụng sau khi bắn. Các anh chẳng làm được gì ngoài việc lãng phí tiền thuế của người dân" - một người dùng tỏ thái độ có phần bức xúc.
"AT-4 là vũ khí dùng một lần, không thể tái nạp. Tôi hy vọng là họ đã không trả tiền cho người mang nó tới. Nếu không thì Lục quân nên đem đổi tất cả các ống phóng đã qua sử dụng để lấy tiền cho rồi" - tài khoản mang tên Scott Germain viết.
Hiện không rõ người chủ sở hữu của chiếc AT-4 này được trả chính xác bao nhiêu tiền nhưng theo Fox News, người dân được trả ít nhất 100 USD cho súng ngắn và ít nhất 200 USD cho các loại vũ khí tấn công khác.
Chương trình "Buyback programs" đã được tổ chức tại một số thành phố của Mỹ như Seattle, Los Angeles, San Francisco.
Hầu hết vũ khí đã rất cũ và bị han gỉ nhiều, thế nhưng đôi khi cũng có những người đem vũ khí gần như mới tới nộp – trường hợp này có lẽ là vũ khí được thừa kế, cho tặng hoặc chỉ đơn giản là chủ nhân vũ khí cảm thấy không còn cần thiết phải sở hữu một thứ nguy hiểm như vậy nữa.