"Dằn mặt" Ukraine, Moskva đã phòng thủ cây cầu nối liền Nga - Crimea như thế nào?

Tất Đạt |

Đáng chú ý, Nga đã triển khai một lữ đoàn hải quân thuộc Vệ binh Quốc gia Nga với nhiệm vụ chuyên biệt là bảo vệ cây cầu Kerch Strait khỏi những mối đe dọa tiềm tàng.

Hệ thống phòng thủ vững chắc

Nhằm đảm bảo an ninh và tạo điều kiện thuận lợi cho việc điều hành Crimea, Moskva đã khởi công dự án xây dựng cây cầu Kerch Strait nối liền lãnh thổ Nga với bán đảo Crimea.

Năm ngoái, các nhịp cầu chính đã được lắp đặt vào tháng 8 và tháng 10, buộc tuyến đường hàng hải cho các tàu vận tải biển phải đóng cửa tạm thời. Giai đoạn này cũng đánh dấu bước tiến lớn trong việc hoàn thiện và đưa cây cầu vào sử dụng.

Ngày 15/5 vừa qua, tổng thống Nga Vladimir Putin đã tới dự lễ khánh thành, đích thân ông lái xe tải đi một đoạn trên cây cầu dài 19 km.

Cây cầu nối Nga - Crimea là một ưu tiên chiến lược của điện Kremlin và là yếu tố thúc đẩy những phát triển an ninh quan trọng trong khu vực. Đáng chú ý, mùa thu năm ngoái, Nga đã triển khai một lữ đoàn hải quân thuộc Vệ binh Quốc gia Nga với nhiệm vụ chuyên biệt là bảo vệ cây cầu Kerch Strait khỏi những mối đe dọa tiềm tàng.

Ngoài ra, lữ đoàn này cũng chịu trách nhiệm giám sát một vùng rộng hơn xung quanh cây cầu, cả trên đất liền lẫn trên biển. Để thực hiện nhiệm vụ, lữ đoàn được trang bị nhiều tàu tối tân, hệ thống định vị âm thanh (Sonar) và những binh sĩ thiện chiến dưới nước.

Bên cạnh đó, quân đội Nga cũng đặc biệt chú ý tới các nguy cơ va chạm từ nước ngoài. Theo trang Aif.ru, Nga đã có kế hoạch xây dựng một cấu trúc thủy lực đặc biệt dưới dạng cột trụ độc lập do Viện Nghiên cứu và Phát triển "Atoll" đề xuất và thực hiện.

Tổng thống Putin đích thân lái xe tải trên cây cầu nối từ Nga tới Crimea mới khánh thành ngày 15/5

Cùng lúc, theo các nguồn tin, Moskva thiết lập hệ thống phòng thủ cực kì chặt chẽ trong vùng biển này. Đáng chú ý nhất, có thể kể tới các "thiết bị lặn không người lái" tuần tra quanh khu vực, bao gồm biển Azoz.

Có khả năng cao đây là tổ hợp robot "Chim cánh cụt", được thiết kế để phát hiện thiết bị nổ và thợ lặn của phe đối địch. Hơn hết, Nga đã điều hệ thống phòng thủ đất đối không S-400, Buk và Tor tới đây.

Điện Kremlin đã thực hiện kế hoạch Chặn Tiếp cận, Phong tỏa Khu vực (hay còn gọi là vùng A2/AD) xung quanh Crimea và Kerch Strait trong nhiều năm gần đây. Một nguồn tin quân sự cho biết, một trong những tiền đề tạo lập vùng A2/AD là do lo ngại sự can thiệp của Ukraine và để ngăn chặn ý định phá hủy cầu Kerch Strait từ phía Ukraine.

Sau những cuộc tấn công căn cứ quân sự của Nga tại Syria bởi thiết bị bay không người lái, Moskva ưu tiên tối đa kế hoạch A2/AD, và hệ thống nhiều tầng lớp phòng thủ xung quanh cầu Kerch Strait đã chứng tỏ năng lực cũng như chiến lược của quân đội Nga.

Ưu tiên của Nga

Dưới đây là những động thái phòng vệ chặt chẽ của Nga trước các mối đe dọa tiềm tàng.

Đầu tiên, Nga đã triển khai hệ thống phòng không S-400 mới tại Sevastopol. Một hệ thống tương tự cũng đi vào hoạt động từ tháng 1/2017 trên bờ biển phía đông Crimea. Theo báo cáo ban đầu, mục tiêu của những hệ thống nói trên là nhằm tạo lập khu vực được giám sát thường xuyên ở miền bắc Crimea và miền nam Ukraine.

Thứ hai, đợt tấn công bằng thiết bị bay không người lái (UAV) ngày 5/1 nhằm vào căn cứ quân sự của Nga tại Khmeimim, Syria, đã buộc Moksva phải lo ngại rằng mọi mục tiêu chiến lược đều có thể trở thành nạn nhân của các UAV đem theo chất nổ, mà trong đó cầu Kerch Strait cũng không phải là ngoại lệ.

Dằn mặt Ukraine, Moskva đã phòng thủ cây cầu nối liền Nga - Crimea như thế nào? - Ảnh 2.

Máy bay không người lái tấn công căn cứ Nga ở Syria ngày 6/1. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga

Vệ binh Quốc gia Nga đã từng nghĩ tới ý tưởng thành lập đội đặc nhiệm với trọng trách chặn đứng các đợt tấn công của UAV. Do đó, có khả năng Crimea và khu vực quanh cầu Kerch là những vùng đầu tiên được trang bị hệ thống chống UAV bởi các biện pháp phòng vệ phổ thông hiện tại của Nga thiếu năng lực ngăn chặn mối đe dọa bởi công nghệ mới này.

Thứ ba, chính quyền địa phương Crimea đã thành lập một nhóm chuyên trách với nhiệm vụ phát triển hệ thống an ninh toàn diện ở cầu Kerch Strait. Ngày 31/1, nhóm này đã họp mặt lần đầu và thảo luận biện pháp đảm bảo an toàn cho công trình và hoạt động trên cây cầu được diễn ra bình thường, bao gồm công đoạn truyền tải điện và dầu khí từ Nga tới bán đảo.

Theo một chuyên gia quân sự, cầu Kerch Strait là con đường chiến lược trên bộ duy nhất nối liền Nga với bán đảo Crimea. Mối hiểm họa lớn nhất với cầu này là tấn công khủng bố từ lực lượng quân sự nước ngoài (bao gồm NATO). Do đó, việc hoàn thành và đảm bảo an ninh xung quanh là ưu tiên hàng đầu đối với Nga, còn việc tạo lập khu A2/AD là cách thức thiết yếu nhất để hoàn thiện mục tiêu đó.

Cầu Kerch Strait không chỉ được xây dựng để thúc đẩy tăng cường tiêu dùng nội địa, mà còn để gửi thông điệp tới thế giới rằng: dù Nga có bị cấm vận, cây cầu vẫn sẽ được hoàn thành. Với nguồn đầu tư khổng lồ vào dự án xây và bảo vệ cây cầu, mọi đòn tấn công trực tiếp vào Kerch Strait đều sẽ được Moskva coi là lời khiêu chiến, hoặc ít nhất phải bị đáp trả bằng vũ lực.

Trên hết, cây cầu nối liền Nga-Crimea sẽ dần dần thay đổi cán cân quyền lực ở khu vực và trên thế giới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại