Ngày hôm nay, đồng loạt trên khắp các phương tiện thông tin, người ta nói nhiều về hình ảnh ông chủ người Nhật Bản, không quản mưa gió cúi chào những vị khách đến với cây xăng.
Cùng với đó, chúng ta cũng có thể bắt gặp không ít những ý kiến bình luận nói về hình ảnh trước nay hiếm gặp tại Việt Nam.
Trên trang cá nhân, nhà báo Hoàng Nguyên Vũ cũng đã đưa ra quan điểm của một người tiêu dùng khi đứng trước sự lựa chọn và có 5 yếu tố hết sức quan trọng được nhắc tới đó là "chất lượng, thái độ phục vụ, giá trị sử dụng, sự tử tế trong kinh doanh và bản sắc".
Nhà báo Hoàng Nguyên Vũ có viết: "Hôm trước tôi xem những bức graphic về hàng ngoại "đè chết" hàng Việt. Tôi chẳng ý kiến vì người tiêu dùng họ luôn thông minh. Hàng ngoại hay hàng nội, lựa chọn thuộc về họ.
Khá nhiều mặt hàng, người tiêu dùng vẫn lùng hàng Việt để mua, đấy thôi.
Nhưng lựa chọn của ngày hôm nay, có vài cái khác, đúng hơn là vài cái thêm, ở mặt tiêu chí. Và tiêu chí - theo tôi, ở góc độ người tiêu dùng sẽ là:
1/ Chất lượng
2/ Thái độ phục vụ
3/ Giá trị mang lại cho cộng đồng
4/ Sự tử tế trong kinh doanh
5/ Bản sắc
Nhiều người cậy vào thương hiệu. Hãy nhớ là thương hiệu chỉ mang tính thời điểm và sẽ khai tử trong cuộc đua. Đừng nghĩ rằng tôi phải ủng hộ bạn khi bạn không mang đến những giá trị tôi cần. Kinh doanh là sòng phẳng chứ không phải xin sự thương hại.
Cá nhân tôi đánh giá cao sự tử tế trong kinh doanh làm yếu tố hàng đầu. Vì sự tử tế sẽ sản sinh ra những sự tử tế khác. Đây là điều mà những người làm kinh doanh ở ta đang thiếu dù họ có là tỷ phú hàng đầu của Việt Nam chăng nữa.
Bài học về Masan, một số công ty nước giải khát của Việt Nam còn đó. Bài học thực phẩm bẩn còn đó.
Hôm nay xem những bức hình này, tôi đang cảm nhận những ấn tượng ban đầu về sự tử tế. Những doanh nghiệp xứ mình hãy nghĩ về điều này, trước khi lên báo nói những điều to tát và cặp kè hoa hậu bên cạnh".
Ở một góc nhìn khác cô đọng hơn, nhà báo Trương Anh Ngọc cũng đã lên tiếng bình luận về bức ảnh này. Điều được nhà bình luận này nói tới nhiều nhất đó chính là văn hoá và thái độ phục vụ.
Có một điều dễ dàng nhận thấy rằng, chúng ta vẫn nêu cao khẩu hiệu "Khách hàng là Thượng đề" nhưng rất ngạc nhiên khi thấy người khác làm vậy, xem ra "Thượng đế" của chúng ta vẫn chưa được đối xử theo đúng cách.
Nhà báo Trương Anh Ngọc chia sẻ trên trang cá nhân: "Mình nghĩ, không ít người mình đã và sẽ còn sốc khi thấy hình ảnh này. Trong quan niệm của nhiều người, người ta chỉ cúi đầu khi cần phải xin lỗi hoặc cho thấy mình thấp kém hơn người đối diện.
Nhưng với người Nhật, cái cúi đầu, một cử chỉ hàng ngày và rất quan trọng trong đời sống và văn hóa của họ, ngoài việc thể hiện sự xin lỗi, còn là một cách chào và cảm ơn. Người cúi cũng thể hiện sự đánh giá cao và tôn trọng trước người được cúi.
Bức ảnh này được chụp ở một trạm bán xăng mà người Nhật mới mở ở Hà Nội. Ông giám đốc đã đứng chào khách hàng như thế khá lâu dưới trời mưa, với một trạm xăng bán RẺ hơn và CHÍNH XÁC hơn các trạm của chúng ta.
Đi một vòng Facebook sáng nay đọc bình luận của mọi người là thấy họ đánh giá rất cao hành động ấy, cho rằng, đấy là một thái độ phục vụ tốt mà ngành dịch vụ của chúng ta phải noi theo. Mình đồng ý với những ý kiến ấy.
Ở trong Nam, rõ ràng là văn hóa phục vụ tốt hơn, nhưng ở ngoài Bắc, cụ thể là ở Hà Nội thì vô cùng tệ, dù trên thực tế đã có những tiến bộ, nhưng chưa đáng kể.
Cái sự tệ ấy không chỉ văn hóa phục vụ, từ phía người cung cấp dịch vụ, mà còn ở chính những người được khoác cái áo "Thượng đế".
Năm ngoái, khi mình nổ phát súng đầu tiên bắn vào bún chửi khi nó lên CNN, vẫn có nhiều người lên tiếng bảo vệ thứ văn hóa dịch vụ vẫn còn rơi rớt cửa quyền và bao cấp từ nhiều thập kỷ trước, cho đó là "nét văn hóa đặc trưng" của Hà Nội.
Sự thay đổi của văn hóa phục vụ phải diễn ra, như một điều không thể đảo ngược được, không chỉ với sự xuất hiện của những cách phục vụ như của người Nhật thế này, mà còn phải ở chiều ngược lại, phía khách hàng.
Mình đã chứng kiến thái độ thiếu văn minh của họ ở mọi nơi mọi chỗ, từ không xếp hàng, ăn nói thô lỗ và cộc lốc, ăn mặc thiếu lịch sự và đúng mực ở những nơi có dịch vụ. Mình đã chứng kiến sự thiếu ý thức của họ ở cả những nơi mà dịch vụ đã có sự thay đổi.
Nhưng ngay cả ở những nơi mà mình cho là đã có sự thay đổi trong cách phục vụ, mình vẫn cảm thấy cách đối xử có vẻ lịch sự ấy chỉ như từ những con robot. Sự lịch sự, đúng mực ấy không đến từ cái tâm, từ bản chất của người phục vụ.
Cái sự rẻ hơn và chính xác hơn như ở trạm xăng của Nhật kia thực ra cũng không hẳn là tất cả những gì mà người khách hàng trông đợi, mà điều quan trọng hơn cả, họ không không muốn bị lừa như đã luôn bị lừa.
Ở Việt Nam, "Khách hàng là Thượng đế" hình như vẫn luôn một khẩu hiệu đầy tính lừa dối".
Và còn nữa rất nhiều ý kiến bình luận khác nói về sự ngạc nhiên khi được chứng kiến hình ảnh này. Hầu hết chúng ta sẽ dễ dàng bắt gặp những cụm từ "tuyệt vời, rất đáng khen ngợi, bán hàng là phải thế..."
Ngoài ra, trên mạng xã hội cũng dần xuất hiện những đoạn clip ghi nhận lại việc được trải nghiệm dịch vụ ở đây. Cách phục vụ tại cây xăng này đã ghi được rất nhiều điểm cộng trong lòng khách hàng khi nhân viên nhã nhặn, lịch sự, cúi chào lễ phép, lau cửa kính miễn phí...
Phong thái phục vụ của nhân viên tại cây xăng mang thương hiệu Nhật