Theo hình ảnh được trang "Thông tin Hàn-Việt" đăng tải, bài thơ "Vấn Nguyệt" của nhà thơ Hồ Xuân Hương xuất hiện bằng cả tiếng Việt và tiếng Hàn trên màn hình ga tàu điện ngầm ở Hàn Quốc. Nhiều cư dân mạng bày tỏ sự ngạc nhiên và thích thú khi "bắt gặp" tiếng Việt một cách rất đặc biệt ở nước bạn.
Theo Korea Joong Ang Daily, từ tháng 12/2023, chính quyền Seoul, Hàn Quốc thông báo rằng 24 bài thơ bằng 13 ngôn ngữ khác nhau sẽ được hiển thị trên màn hình các cửa an toàn lắp đặt tại các ga tàu điện ngầm ở thủ đô. Thành phố Seoul ban đầu khởi xướng dự án này để giới thiệu thơ của các nhà thơ và người dân Hàn Quốc, cho phép hành khách đọc và thưởng thức các tác phẩm văn học trên đường đi làm.
Trong đợt trưng bày mới, có 286 bài thơ của người Hàn Quốc và 24 bài thơ quốc tế. Đại diện thành phố cho biết sẽ có nhiều bài thơ quốc tế hơn được giới thiệu trong thời gian tới.
Việc trưng bày các tác phẩm quốc tế cũng nhằm truyền tải thông điệp chào đón khách du lịch và tạo cơ hội để họ thưởng thức các tác phẩm văn học bằng tiếng mẹ đẻ.
Các tác phẩm được trưng bày với 13 ngôn ngữ: tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Nhật, tiếng Việt, tiếng Thái, tiếng Indonesia, tiếng Malaysia, tiếng Mông Cổ, tiếng Thổ Nhĩ Kỳ, tiếng Đức, tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Hà Lan. Những ngôn ngữ này được chọn dựa trên những quốc gia có lượng người đến thăm Hàn Quốc nhiều nhất trong năm 2023.
Các bài thơ được lựa chọn thông qua giới thiệu từ các đại sứ quán và chuyên gia, trưng bày bằng cả ngôn ngữ gốc và tiếng Hàn trên 13 sân ga tàu điện ngầm. Việc lựa chọn ga tàu điện ngầm đặt các bài thơ tính đến vị trí của các đại sứ quán và các khu vực có đông người dân các nước cư trú.
Hồ Xuân Hương (1772-1822) là nữ thi sĩ sống ở giai đoạn cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19 của Việt Nam. Bà quê gốc ở Nghệ An, lớn lên ở Thăng Long (Hà Nội). Hồ Xuân Hương để lại khoảng 150 bài thơ, bao gồm tập thơ Lưu Hương ký (24 bài thơ chữ Hán, 28 bài thơ chữ Nôm) cùng 100 bài thơ Nôm theo phong cách dân gian, phóng túng.
Thơ của nữ sĩ Hồ Xuân Hương đã được dịch ra 12 thứ tiếng, trong đó có tiếng Anh, Pháp, Ba Lan, Bungari và tiếng Trung Quốc. Năm 2021, Đại Hội đồng UNESCO thông qua Nghị quyết “Vinh danh và tham gia kỷ niệm năm sinh, năm mất của một số danh nhân văn hóa tầm nhìn nhân loại”, trong đó có nhà thơ Hồ Xuân Hương và nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu.