Ngày 4/11, Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen thông báo quyết định tiêu hủy khoảng 17 triệu con chồn ở nước này, sau khi phát hiện chủng đột biến của virus SARS-CoV-2 tại các trang trại nuôi chồn đã lây sang người.
Tuy nhiên kế hoạch chôn chồn tại nước này vấp phải nhiều tranh cãi sau những hình ảnh chôn sống gây phẫn nộ trong cộng đồng mạng cũng như việc xác các con chồn trồi lên khỏi mặt đất do các chất khí hình thành trong quá trình phân hủy.
Ngay lập tức, chính phủ Đan Mạch buộc phải đào xác những con chồn này lên để tránh lây lan dịch bệnh sau khi những hố chôn tập thể cho thấy sự mất an toàn với sức khỏe cộng đồng.
Động thái quyết liệt trên của chính phủ Đan Mạch được đưa ra sau khi 12 người dân nước này đã bị nhiễm chủng virus biến thể mới của dịch Covid-19 lây lan từ chồn sang người. Tuy nhiên quyết định tiêu hủy của chính phủ đã khiến 17 triệu con chồn bị chôn sống trong tuần trước và vấp phải vô vàn tranh cãi.
Chính phủ Đan Mạch đã chôn những con chồn tại khu vực quân sự nằm ở phía tây đất nước sâu dưới mặt đất khoảng 2m. Tuy nhiên khí gas phân hủy sau đó đã đẩy xác những con chồn lên và đe dọa lâu lan dịch bệnh ra cộng đồng.
Động thái chôn sống chồn đã khiến Bộ trưởng Nông nghiệp Morgens Jensen của nước này phải từ chức do sự phẫn nộ từ dân chúng. Người thay thế ông là tân Bộ trưởng Rasmus Prehn đã tuyên bố vẫn ủng hộ chiến dịch tiêu hủy chồn nhưng với các biện pháp nhân văn hơn.
Sau khi tham khảo với các nhà bảo vệ môi trường, Bộ trưởng Prehn đã quyết định thiêu hủy loài chồn thay vì chôn sống chúng.
Trước đó, khu mộ tập thể chôn sống chồn đã có lính canh gác 24/7 nhằm ngăn chặn những nhà bảo vệ động vật và người dân tránh xa, đồng thời cũng tránh được việc các động vật ăn thịt đến tha xác chồn. Dẫu vậy, một số chuyên gia lại lo lắng việc chôn những chú chồn sâu dưới đất có thể ảnh hưởng đến mạch nước ngầm, qua đó tạo nên những hệ lụy khôn lường.