Hòa nhạc Quốc gia "Điều còn mãi 2023" do báo VietNamNet tổ chức dưới sự chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ diễn ra vào ngày 2/9.
Kể từ lần đầu ra mắt công chúng năm 2009, Hòa nhạc Điều còn mãi diễn ra vào 14h chiều ngày 2/9 tại Nhà hát Lớn - thời khắc Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu với công chúng yêu nhạc vào dịp Quốc khánh 2/9.
Tôn vinh sự đa dạng trong bức tranh về âm nhạc Việt Nam là sứ mệnh cao cả nhất của Điều còn mãi trong suốt 13 năm tổ chức.
Ban tổ chức chương trình chia sẻ với giới truyền thông về sự đổi mới chương trình trong năm nay.
Trong buổi gặp gỡ báo giới diễn ra vào sáng 24/8, đại diện ban tổ chức cho biết một trong những điểm đổi mới đáng kể của Điều còn mãi 2023 là mời nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng làm Giám đốc âm nhạc. Với Điều còn mãi 2023, nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng không chỉ biên tập mà còn chuyển soạn, hòa âm và phối khí cho toàn bộ các tác phẩm chơi trong chương trình. Điều này tạo nên tính thống nhất về kịch bản âm nhạc cho hòa nhạc năm nay.
Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng chia sẻ: ‘’Âm nhạc của năm nay lấy nhạc giao hưởng làm nền tảng nhưng cũng cần tôn vinh giá trị dân tộc và không bỏ qua yếu tố thời đại. Nghệ sĩ saxophone An Trần chính là một trong những yếu tố mới trong năm nay. Tôi mong Điều còn mãi 2023 sẽ là mang lại những cảm xúc đặc biệt, ấn tượng với các khán giả yêu nhạc cổ điển nói riêng và âm nhạc Việt Nam nói chung''.
Lần đầu tiên Điều còn mãi sẽ được chỉ huy bởi Đồng Quang Vinh - một nhạc trưởng trẻ, tài năng và có nhiều thành công trong việc chỉ huy ở cả hai lĩnh vực thanh nhạc và khí nhạc cũng như lĩnh vực âm nhạc cổ truyền Việt Nam.
Từng có cơ hội chỉ huy nhiều buổi hòa nhạc giao hưởng lớn nhỏ khác nhau nhưng đây là lần đầu tiên nhạc trưởng Đồng Quang Vinh tham gia chương trình đặc biệt vào ngày Quốc khánh. ‘’Năm nay lần đầu tiên được tham gia biểu diễn trực tiếp cho khán giả trong nước với vai trò nhạc trưởng của Điều còn mãi, tôi vô cùng vinh dự. Tôi rất hào hứng và chờ đợi chương trình biểu diễn những tác phẩm kinh điển và cả những tác phẩm mới được phối khí lại bởi nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng - một người anh trong nghề mà tôi kính nể và yêu mến.
Những chương trình trước đây đã được thực hiện rất xuất sắc. Năm nay có thêm nhiều điểm mới điều đòi hỏi sự nỗ lực của nhiều người. Chỉ trong khoảng hai giờ đồng hồ của chương trình, làm thế nào để các tiết mục có thể xâu chuỗi với nhau tạo thành một câu chuyện, với những nội dung phong phú về lịch sử, văn hóa Việt với tinh thần Việt, giấc mơ Việt và truyền tải thông điệp về tình yêu đất nước, tình yêu lao động và sức mạnh đoàn kết của dân tộc một cách chuẩn xác, hướng đến tương lai một cách hợp lý quả là điều không dễ. Nhưng tôi tin vào sự nhiệt huyết của ê-kíp thực hiện sẽ để lại nhiều ấn tượng sâu đậm'' - nhạc trưởng Đồng Quang Vinh nói.
Nhạc trưởng Đồng Quang Vinh và ca sĩ Tố Hoa biểu diễn tại buổi gặp gỡ báo giới.
Bên cạnh những tác phẩm nổi tiếng đi cùng năm tháng như: Bóng cây Kơ Nia (Phan Huỳnh Điểu), Trăng sáng đôi miền (An Chung), Áo mùa đông (Đỗ Nhuận), Đất nước lời ru (Văn Thành Nho), Giai điệu Tổ quốc (Trần Tiến), Tổ quốc yêu thương (Hồ Bắc), Lên ngàn (Hoàng Việt), Đàn chim Việt (Văn Cao) được phối khí mới, Hòa nhạc quốc gia Điều còn mãi năm nay còn giới thiệu ca khúc mới được nhiều người trẻ yêu thích như: My Kool Việt Nam (Thanh Bùi) và Những trái tim Việt Nam (Phương Uyên).
Điều còn mãi năm nay quy tụ các ca sĩ lớn trong lĩnh vực âm nhạc thính phòng cổ điển như: NSƯT Đăng Dương, Phạm Thu Hà, Đỗ Tố Hoa, Phạm Khánh Ngọc, Đào Mác. Bên cạnh đó, ca sĩ Tùng Dương, nhóm nhạc Oplus cũng có khả năng thích ứng với dàn nhạc giao hưởng sẽ tham gia để tạo nên sự đa dạng về màu sắc giọng hát.
Sự góp mặt của Dàn Nhạc giao hưởng Việt Nam, Dàn hợp xướng Kosmos Opera và nghệ sĩ độc tấu nhạc cụ cổ truyền và jazz là NSƯT Lệ Giang chơi đàn bầu, nghệ sĩ saxophone An Trần, nghệ sĩ trống sấm Trương Thị Thu Hà cũng là một cách để giới thiệu với công chúng những nghệ sĩ tài năng của nước nhà, nhằm hướng Điều còn mãi 2023 tới một không gian âm nhạc vừa sang trọng nhưng vẫn hiện đại và truyền thống.