Dân buôn lậu biên giới Trung – Triều lao đao vì cấm vận

Minh Thu |

Hoạt động thanh trừng từ quan chức cấp cao tới cấp thấp và thắt chặt kiểm soát biên giới dưới thời nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã đẩy cuộc sống của những tay buôn lậu nhỏ lẻ ở biên giới Trung - Triều vào cảnh lao đao.

Chia sẻ với AP, một người đàn ông Triều Tiên từng có tới 50 năm đi khắp các ngọn núi ở khu vực biên giới Trung Quốc – Triều Tiên để buôn lậu cho hay, dưới thời lãnh đạo của ông Kim Jong-un, cuộc sống của những người dân nghèo đi buôn lậu như ông đã trở nên vô cùng khó khăn.

Trước đây, ông có thể kiếm hơn 1.500 USD chỉ trong một chuyến hàng vận chuyển trên các con đường mòn bí mật hoặc sông hồ nằm dọc biên giới Trung – Triều.

Ông này từng buôn mọi thứ từ tivi, quần áo, nấm hương, sâm và thậm chí cả vàng vào lãnh thổ Triều Tiên, quốc gia phải hứng chịu hàng thập niên lệnh trừng phạt của cộng đồng quốc tế và cô lập chính trị.

"Tôi có thể vận chuyển tới 10 chiếc tivi hoặc 10 chiếc tủ lạnh chỉ trong một chuyến hàng. Nhưng giờ đây chỉ còn là chuyện trong quá khứ", người đàn ông nói.

Bởi dưới thời lãnh đạo của ông Kim Jong-un, Triều Tiên đã có những thay đổi lớn gây tác động không nhỏ tới những con đường mòn bí mật chuyên vận chuyển hàng hóa lậu. Nói cách khác, sức ép của lệnh cấm vận quốc tế đã tạo ra hàng loạt các doanh nghiệp lớn Trung Quốc kiểm soát hoạt động thương mại hợp pháp giữa Trung – Triều. Đây trở thành tin xấu cho những tay buôn lậu nhỏ lẻ từng một thời "bá chủ" ở vùng biên giới Trung – Triều.

"Những tiểu thương đã cảm nhận được sức nóng. Song đây lại là cơ hội cho các công ty có quy mô lớn làm ăn với khách hàng Triều Tiên", ông John Park, Giám đốc nhóm công tác Triều Tiên tại Trường Kennedy chia sẻ.

Tại Triều Tiên, buôn lậu đồng nghĩa với phạm tội. Trong 20 năm qua, những kẻ buôn lậu đã bí mật kết nối một quốc gia bị cô lập như Triều Tiên với thế giới bên ngoài bằng cách tuồn thực phẩm vào Triều Tiên trong giai đoạn quốc gia này đối mặt với nạn đói nghiêm trọng. Đây cũng là lúc hình thành nên một tầng lớp tiêu dùng nhỏ lẻ. Họ mua đủ mọi thứ từ linh kiện ô tô Trung Quốc cho tới đĩa DVD về các chương trình giải trí của Hàn Quốc. Bên cạnh đó, hoạt động buôn lậu còn được xem là cơ hội đối với hàng ngàn người dân nghèo thoát đói khổ để vươn lên tầng lớp trung lưu.

Tuy nhiên, trong một bài phỏng vấn hiếm hoi, hơn 10 người từng tham gia các mạng lưới buôn lậu ở biên giới Trung – Triều cho hay, thế giới ngầm của họ đã bị đảo lộn kể từ khi ông Kim Jong-un trở thành nhà lãnh đạo Triều Tiên vào cuối năm 2011.

Tuyến đường biên giới chung dài 1.400 km giữa Trung – Triều trở thành trụ cột kinh tế của chính quyền Bình Nhưỡng khi mà có tới 90% hoạt động thương mại hai nước diễn ra ở khu vực này.

Trong suốt 10 năm Triều Tiê bị cộng đồng quốc tế áp đặt lệnh trừng phạt liên quan tới tham vọng phát triển hạt nhân và tên lửa, Trung Quốc vẫn là đồng minh thân thiết cả trong lĩnh vực ngoại giao và kinh tế với Triều Tiên. Song mọi chuyện đã thay đổi kể từ năm ngoái, do Bình Nhưỡng tăng cường thử nghiệm các loại vũ khí.

Theo đó, chính quyền Bắc Kinh đã cho cắt giảm hoạt động trao đổi thương mại với Bình Nhưỡng. Song theo giới phân tích, nhiều mặt hàng vẫn đang âm thầm được tuồn qua biên giới hai nước. Và trong bối cảnh Liên Hợp Quốc siết chặt cấm vận với Triều Tiên, hoạt động thương mại ở biên giới Trung – Triều lại diễn ra một cách tinh vi và phức tạp hơn so với trước đây.

Cụ thể, theo giới chức Mỹ, khi hoạt động xuất khẩu than của Triều Tiên bị cấm, các tàu chở hàng đã tìm cách đi qua Nga để giấu diếm nguồn gốc chuyến hàng. Hay khi các doanh nghiệp Triều Tiên ở nước ngoài lao đao trước lệnh cấm vận hay bị đóng cửa, họ lại mở các công ty bình phong hoặc thuê người Trung Quốc đứng chủ. Khi người mua từ chối các mặt hàng may mặc được sản xuất ở Triều Tiên, các nhà máy lại dính mác "Made in China" để qua mặt. Thậm chí, nhiều mặt hàng được vận chuyển từ tàu này sang tàu khác ngay ở giữa biển để che đậy hoạt động thương mại liên quan tới Triều Tiên.

Một người đàn ông khoảng 40 tuổi từng tham gia mạng lưới buôn lậu sinh sống trong cộng đồng người Triều Tiên thiểu số ở Trung Quốc hay còn gọi là Chosonjok chia sẻ, "tôi từng kiếm được rất nhiều tiền nhưng giờ thì không như vậy".

Trong giờ nghỉ trưa ở Ulsan, thành phố công nghiệp nơi người đàn ông 40 tuổi chuyển tới làm việc sau khi từ bỏ hoạt động buôn lậu hồi năm ngoái, người này cho hay, trong những năm buôn lậu còn làm ăn thuận lợi, lính biên phòng Triều Tiên đã nhận hối lộ để cho dân buôn lậu mang hàng hóa qua các chốt kiểm soát.

Theo người này, khi một chuyến hàng lậu được lên kế hoạch vận chuyển, các xe ô tô sẽ chở hàng tấn kim loại tới sông Áp Lục, khu vực biên giới phía đông bắc Trung – Triều. Họ đã thuê lính Triều Tiên vận chuyển các túi đựng 50 kg km loại vào khu vực biên giới Trung Quốc. Những chiếc ô tô chờ sẵn ở phía Trung Quốc sẽ nhanh chóng tuồn hàng đi nơi khác.

Sau mỗi chuyến hàng, người đàn ông trung niên lại tặng thực phẩm, bia, đồ ăn nhanh và cả chân lợn cho lính biên phòng Triều Tiên.

Vào những ngày cao điểm, người này có thể buôn lậu trót lọt 6 tấn kim loại qua biên giới Trung – Triều và kiếm được khoảng 3.600 USD. Một năm, người này có thể làm vài chuyến hàng như vậy.

Khi nhu cầu mua kim loại giảm, người đàn ông trung niên đã chuyển sang buôn lông thỏ để bán cho các nhà sản xuất quần áo tại Trung Quốc. Tuy nhiên, cách đây 2 năm, hoạt động buôn lậu đã nằm trong tầm ngắm của chính quyền Trung Quốc. Ngay cả lính biên phòng Triều Tiên cũng lo sợ. Bởi có tin đồn "nếu bất cứ ai giúp dân buôn lâu tuồn hàng mà bị bắt sẽ bị tử hình".

Hoạt động buôn lậu đã diễn ra hàng thế kỷ tại biên giới Trung – Triều nhưng thực sự bùng nổ vào giữa thập niên 90 khi nền kinh tế Triều Tiên tuột dốc và nạn đói bủa vây. Đây là lúc người dân Triều Tiên vượt biên sang Trung Quốc để tìm kiếm thức ăn, công việc và cả các mối làm ăn thương mại. Nhưng khi nạn đói và tình hình kinh tế được cải thiện, một nền kinh tế thị trường đã được hình thành ở biên giới Trung – Triều.

Kể từ khi lên nắm quyền, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã tiến hành hàng loạt vụ thanh trừng từ quan chức cấp cao cho tới cấp thấp kể cả các vị trí quản lý vùng biên giới.

"Khi hoạt động kinh doanh phụ thuộc vào các quan chức biên giới chuyên nhận hối lộ và khi họ bị thanh trừng, chắc chắn hoạt động buôn bán sẽ gặp vô vàn khó khăn", ông Justin Hastings, học giả tại Đại học Sydney chia sẻ.

Trong bối cảnh hiện tại khi chính phủ Mỹ cấm các doanh nghiệp nước này làm ăn với Triều Tiên và Trung Quốc cũng hạn chế giao thương với chính quyền Bình Nhưỡng, Triều Tiên vẫn đang cộng tác kinh doanh hợp pháp với nhiều nước trong đó có Pakistan và Thái Lan. Những nước này buôn bán nhiều mặt hàng từ dệt may cho tới hải sản.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại