Tăng giá
Ghi nhận của chúng tại một số cửa hàng, điểm bán hàng xách tay có tiếng tại Hà Nội cho thấy, hơn một tuần trước Tết Nguyên đán, không khí mua sắm có phần trầm lắng hơn mọi năm. Nhân viên một cửa hàng bánh kẹo ở Chùa Bộc cho biết, khách thường xuyên mua trực tuyến (online), chốt đơn trên mạng xã hội và yêu cầu giao tận nơi.
Hàng hóa tại đây đều có bao bì in tiếng nước ngoài, không kèm nhãn phụ tiếng Việt, không có đơn vị nhập khẩu và phân phối. Đây cũng là lý do người bán tự hào giới thiệu: “Hàng chuẩn xách tay, mua ăn hay biếu đều yên tâm, sang hơn hàng nội”.
Tương tự, nhiều loại đồ bán tại các cửa hàng xách tay khác và rao trên chợ mạng cũng không có thông tin rõ ràng. Tên sản phẩm, nội dung bao bì do người bán tự dịch ra tiếng Việt để quảng cáo.
Thay vì bán cố tới 30 Tết như thường lệ, thời điểm này, nhiều điểm bán hàng xách tay đã báo hết, hàng không về thêm dù khách tiếp tục đặt. Nhiều dòng rượu ngoại cũng có dấu hiệu khan hàng. Dòng rượu có niêm phong "free duty" (miễn thuế) tại Hà Nội những ngày này được săn lùng gắt gao.
Một số mối còn hàng free duty cho biết, giá đang tăng rất cao, do chi phí vận chuyển, nhân công đắt đỏ hơn. Chưa kể suốt năm qua, ảnh hưởng COVID-19, đội ngũ săn hàng sân bay hoạt động kém năng suất.
Anh Đ.T (mối buôn rượu free duty tại Hà Nội) cho biết: “Năm nay dịch bệnh nên không có hàng rượu châu Âu, chỉ có hàng Hàn Quốc. Hàng nguyên niêm phong, đủ hoá đơn. Lấy trên 10 chai giảm 50.000 đồng/chai”.
Trong danh sách 30 loại rượu Đ.T cam kết chuẩn free duty, loại đắt nhất khoảng 9 triệu đồng/chai. Rượu quanh mức giá 2 triệu đồng nhiều loại “cháy” hàng, tăng giá 50.000 - 100.000 đồng/chai.
Ách tắc
Không chỉ đồ có sẵn, dịch vụ mua hàng từ nước ngoài cũng gặp khó. Nếu như trước đây, hàng mua từ châu Âu, Mỹ, Úc… được quảng cáo về đều đặn, muộn nhất 1 tháng từ ngày nhận cọc, thì nay dân buôn đứng trước nguy cơ chậm hàng, mất cọc, đọng vốn.
Chị N. Thảo (bán hàng xách tay Úc) cho biết, chuyến hàng vận chuyển theo đường hàng không từ tháng 11/2020 đến nay vẫn chưa về. “Bên vận chuyển thông báo thông quan muộn. Hàng về không trả khách trước Tết thì ai mua nữa”, chị Thảo nói.
Lường trước khó khăn, hầu hết các mối nhận đặt hàng đều đóng đơn sớm, chậm nhất là cuối tháng 12/2020 để hàng về kịp trước Tết. Dù các nhãn hiệu, siêu thị, trung tâm thương mại nhiều nước tung giảm giá khủng, song giới buôn ngậm ngùi chốt sổ sớm.
“Tôi không đảm bảo hàng về trước Tết, thông quan rất khó. Cộng tác viên bên kia mỏng, ít người đi nhặt hàng”, chị S. Nguyễn (bán hàng xách tay tại Hà Nội) cho biết.
Các mối đặt mua hàng thừa nhận, việc đi lại khó khăn, nhiều quốc gia phong toả, ban lệnh hạn chế đi lại thời gian qua ảnh hưởng không nhỏ đến việc nhập, vận chuyển hàng xách tay. Đặt cả tấn hàng trang trí hình con trâu bán Tết Tân Sửu 2021, tiểu thương đặt mua hàng Trung Quốc “méo mặt” vì đến giờ hàng chưa về.
“Tròn 1 tháng hàng tắc ở cửa khẩu Đông Hưng. Nay không về kịp, chắc để dành 12 tháng sau mang ra thanh lý”, anh T. Hoàng (kinh doanh đồ trang trí) nói.
Rượu miễn thuế được gom từ nhiều nguồn, hóa đơn không đồng nhất thời gian mua. Hàng khan hiếm trong khi nhu cầu cao, thế nên khách hàng giao dịch dựa trên niềm tin và người mua có nguy cơ mua phải hàng tồn, hàng giả, hàng nhái đội lốt hàng xách tay.