Đó là một trong hàng ngàn bình luận chế giễu giọt nước mắt của Đàm Vĩnh Hưng sau cuộc livestream nói về việc mẹ nợ nần 20 tỷ khiến ca sĩ không thể chịu đựng thêm. Chuyện livestream tố mẹ nợ nần còn ồn ào không dứt bởi Đàm Vĩnh Hưng quá nổi tiếng.
Nhưng đáng chú ý ở chỗ, luận điệu "chuyện trong nhà" dùng để tấn công nam ca sĩ cho thấy những phần khuất rất tối trong cách ứng xử của xã hội với cái gọi là tố cáo cha mẹ, "vạch áo, xem lưng" trong một xã hội mà việc nhà luôn "đóng cửa bảo nhau" cho đến khi rất nhiều sự vụ đầy tai ác xảy ra cho chính nạn nhân trong ngôi nhà đó.
"Chuyện trong nhà" trở thành đề tài cấm kỵ và dư luận dễ dàng nổi giận ném đá vào tất cả những ai muốn một lần mở bung cửa nhà ra vì không thể chịu đựng được điều đang xảy ra với họ.
Rất bất ngờ, Đàm Vĩnh Hưng giờ đây đang bị tấn công theo cùng cách mà một cặp đôi bạn trẻ gặp phải khi họ tường thuật lại cảnh bị cha mẹ cấm cản đến với nhau vài tuần trước.
Sự "vạch tội" không chỉ còn dừng ở riêng trong nhà Hưng hay mẹ anh nữa. Nó là vấn đề của những người đã cho mẹ anh vay tiền, những chủ nợ, những con nợ, những người liên quan sẽ gián tiếp chịu đựng sai lầm "trong nhà" mà mẹ Hưng gây ra.
Nếu không công khai, anh sẽ tiếp tục trả nợ, sẽ có những người tiếp tục cho bà vay nợ, sẽ có những cuộc đe doạ, thanh toán tiếp tục xoay quanh món nợ mà khán giả khó tính gọi là "trong nhà", sao vạch áo cho người xem lưng.
Chuyện trong nhà tưởng đơn giản lại giống như khi một người phụ nữ bị chồng đánh đập, hành hạ, chạy sang nhà hàng xóm xin cứu giúp thì nhận được cái lắc đầu bởi "chuyện trong nhà thôi bà tự giải quyết đi".
Nó cũng giống hệt bài báo mô tả lại cảnh một bà mẹ và đứa con bị đánh đập dã man đến mức phải đi cấp cứu, khi phóng viên hỏi hàng xóm thì bảo: "có nghe tiếng khóc, ồn ào trong nhà, nhưng vì chuyện nhà người ta nên thôi không can thiệp".
Nó "hồn nhiên" như khi người em trai bị các anh mình xông vào đánh đập, cậu kêu cứu nhưng anh dân phòng đi ngang qua cũng tặc lưỡi "chắc anh em trong nhà xích mích chút" rồi để cậu thanh niên bị mang thương tật suốt đời.
Gần đây nhất, khi hai bạn trẻ bị cha mẹ cấm cản kết hôn, họ đã khóc trên Facebook livestream, và bị coi là những kẻ "bất hiếu" vì bêu xấu kể tội cha mẹ đến đòi bắt cậu trai về.
Đàm Vĩnh Hưng giờ đã trở thành kẻ bất hiếu kế tiếp được đem ra mổ xẻ, vì dám cho cả thế giới biết mẹ mình đã gây nợ ra sao và anh phải chịu đựng việc đó thế nào.
Xã hội quen thuộc với những "chuyện trong nhà" mà người bị đau không quyền được ra ngoài hiên ngồi khóc.
Người ta chấp nhận những người cha đánh đập mẹ và lờ đi tiếng khóc, chấp nhận đứa con bị xích lại hành hạ thương tật, chấp nhận chia lìa tình yêu, chấp nhận đứa con có hiếu còng lưng trả nợ.
Không ai hiểu rằng nạn nhân cần phải thoát ra khỏi sự đau khổ, bất hạnh. Lằn ranh cấm kỵ đầy màu sắc đạo đức xiềng xích và bịt miệng bất cứ kẻ nào nhu cầu thốt lên tiếng kêu cứu chỉ vì chuyện trong nhà.
Khi Đàm Vĩnh Hưng nói thẳng về vấn đề trong nhà của anh, có lẽ anh mong chờ rằng sẽ không còn ai cho mẹ anh vay tiền đến mức ấy nữa. Anh cảnh tỉnh người liên quan, chờ đợi một sự thấu hiểu từ bất cứ ai có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ nợ nần đầy rắc rối này.
Cũng như khi hai bạn trẻ khóc lóc livestream việc bị cha mẹ cấm cản hôn nhân, người đem chuyện trong nhà ra nói mong chờ một sự ủng hộ nào đó để họ có thể dũng cảm hơn sống tiếp với nhau.
Rào cản thấp xuống khi nạn nhân đứng lên. Nỗi đau nhẹ nhàng hơn khi được chia sẻ. Khi cộng đồng chịu thông cảm, gông cùm của danh dự, đạo làm con hay lễ vợ chồng... sẽ không còn ghì những "kẻ yếu" sau cánh cửa gia đình xuống đáy của sự ấm ức, sợ hãi nữa.
Như một nhân vật quen thuộc từng là quản lý truyền thông cho Đàm Vĩnh Hưng đã viết trên báo sau đó: "Anh ấy bắt buộc phải tung hê vì quá đau đó các bạn.
Vì rất là đau. Các bạn hãy hiểu rõ giữa "Đau" và "tiếc tiền của" nhé. Đau là vì anh phải nhìn thấy cảnh mẹ của anh cho người đến phá két sắt trong nhà để lấy tiền nhân lúc anh đi lưu diễn."
Đó không còn là một chuyện tố mẹ đơn giản như người ta cười Hưng nữa. Chuyện "trong nhà" đã xây nên những hàng rào không lối thoát từ mâu thuẫn được ém nhẹm sau cánh cửa gia đình, buộc nạn nhân im lặng, cho phép kẻ gây tội thản nhiên tiếp tục lộng hành.
Và khán giả, dù nghe tiếng khóc, tiếng kêu cứu vẫn có thể thờ ơ đi qua chỉ vì chuyện nhà người ta, chẳng liên quan gì mình.
Cũng đám khán giả đó, trong lúc bông phèng rảnh rỗi, chuyện đau gia đình của người khác lại được đem ra làm mồi nhậu để cùng phán xét, vui vẻ như chưa từng tồn tại những nạn nhân bật khóc... mà không ai thèm lắng nghe.