Nghệ sĩ ưu tú Thanh Nga được mệnh danh là Nữ hoàng sân khấu, với một tên tuổi nổi danh lừng lẫy. Bởi vậy, khi Thanh Nga bị ám sát, biết bao người từ khắp mọi miền cả nước đã đổ tới đưa tiễn, khóc thương cô.
Vừa qua, tại phần tiếp theo của chương trình Hồi ký Thanh Minh – Thanh Nga, nghệ sĩ cải lương Hồng Loan (cháu của Thanh Nga) đã kể lại những điều không thể quên trong đám tang Thanh Nga.
Chúng tôi bị người ta đạp hết xuống đường mương
Lúc đám tang má Ba Thanh Nga, bố Bảo Quốc không cho tôi đi vì sợ đông quá, mình còn nhỏ sẽ bị đạp chết hoặc lạc đường nhưng tôi và các anh chị em trong nhà vẫn chạy ra tang lễ để đưa tiễn má Ba.
Vô được tới nơi, tôi nhìn toàn người là người. Ba tôi la tôi quá trời. Sau đó, chúng tôi chạy lên xe quảng cáo để đi theo mọi người đưa tiễn má Ba.
Lúc xe quành vào con đường nhỏ dẫn tới chùa Nghệ sĩ (nơi an nghỉ của Thanh Nga), người ta dồn tới đông tới mức xe không đi được, phải dừng lại. Chúng tôi phải xuống xe để đi bộ vào trong.
Tôi và các anh chị em đi cùng nhau nhưng vì còn nhỏ nên bị người ta đạp hết xuống đường mương. Họ giẫm đạp lên chúng tôi.
May quá, có mấy người lớn nhìn chúng tôi đeo khăn tang mới nhận ra và hô lên: "Trời ơi, con cháu của Thanh Nga này, dạt ra cho chúng nó đi". Nói rồi họ kéo chúng tôi từ dưới mương lôi lên rồi tự dạt đường chúng tôi vào chùa ngồi.
Bà nội và ba mẹ la chúng tôi quá trời, không cho ra chỗ hạ huyệt, chỉ được ngồi gần đó.
Tôi còn nhớ, lúc chuẩn bị hạ huyệt cho má Ba Thanh Nga, người ta quá đông, chen lấn nhau một cách kinh khủng. Có những người suýt bị lọt xuống huyệt mộ luôn vì người phía sau cứ dồn lên phía trước.
Ba Bảo Quốc không chịu nổi nữa, liền chạy ngay tới bàn thờ má Ba rồi gục xuống
Tới đêm đầu tiên đoàn diễn lại vở Thái hậu Dương Vân Nga, ba Bảo Quốc cũng có một vai. Ba vừa nói: "Muôn tâu thái hậu" rồi ngẩng lên thì chỉ toàn thấy hình ảnh của má Ba Thanh Nga.
Ba bị điếng người trong một giây phút, cổ họng nghẹn lại, không thể nói ra một lời nào nữa.
Mãi một lúc sau, ba mới sực tỉnh và nhận ra chị mình không còn nữa. Ba phải cố gắng hết sức, nuốt hết mọi thứ vào trong lòng để hoàn thành vai diễn của mình.
Tới khi bước vào sân khấu, ba không chịu nổi nữa, liền chạy ngay tới bàn thờ má Ba rồi gục xuống. Rất nhiều cô chú, anh chị trong đêm hôm đó cũng bị tình trạng giống như vậy.
Đó là cả một giai đoạn đau thương của gia đình tôi
Ai cũng biết, bác Thanh Sang ngày xưa diễn cặp với má Ba, gây ấn tượng sâu sắc cho khán giả. Sau khi má Ba mất, bác Thanh Sang phải chuyển sang diễn với những người khác.
Bác diễn biết bao nhiêu đêm, tới một ngày không thể chịu nổi sự dồn nén nữa, liền chạy vào ban thờ má Ba khóc: "Bà Nga ơi bà Nga, sao bà bỏ tôi mà đi như vậy. Tôi không thể nào diễn được với những nghệ sĩ khác nữa".
Những người xung quanh nghe bác Thanh Sang nói vậy không ai có thể cầm lòng được. Rất nhiều cô chú, anh chị nghệ sĩ đều yêu thương má Ba nên bị cú sốc lớn.
Thời gian đó kéo rất dài, chứ không hề ngắn. Cứ mỗi đêm diễn, cả đoàn lại diễn trong không khí chẳng khác nào đưa đám ma. Chẳng ai còn vui vẻ, đùa giỡn nhau trong sân khấu.
Cả đoàn yên lặng, mọi người lúc nào cũng nhớ về má Ba. Đó là cả một giai đoạn đau thương của gia đình tôi.
Rất nhiều nghệ sĩ dù ở nước ngoài như Pháp, Đức, Mỹ đều tỏ lòng thương tiếc má Ba. Ông Hữu Phước thời điểm đó còn viết cả một bài vọng cổ khóc má Ba Thanh Nga.
Bài vọng cổ đó đến giờ tôi nghe lại vẫn thấy từng câu, từng từ đều sâu sắc, giống như cả trái tim, linh hồn ông gửi đến má Ba Thanh Nga.