Nhiều tháng qua, với sự trung gian hòa giải của Qatar, Ai Cập và Mỹ đã diễn ra nhiều phiên đàm phán về một thỏa thuận ngừng bắn và trao đổi con tin giữa Israel và Hamas, nhưng đến nay vẫn chưa đạt được kết quả.
Việc quân đội Israel phát hiện 6 thi thể con tin trong một đường hầm tại miền nam Dải Gaza vừa qua tiếp tục phủ bóng đen lên tiến trình đàm phán. Trong khi đó, sức ép trong nước và quốc tế ngày càng gia tăng đối với Thủ tướng Isael Benjamin Netanyahu đòi ông phải sớm đạt được thỏa thuận với Hamas để đưa các con tin trở về nhà.
Sức ép trong nước
Từ tối 1/9, tại Tel Aviv, Jerusalem, Haifa và nhiều thành phố khác đã nổ ra các cuộc biểu tình rầm rộ với sự tham gia của khoảng 500 -700 nghìn người.
Ngày 2/9, công đoàn lớn nhất Histadrut cũng tuyên bố tổng đình công trên toàn quốc làm tê liệt mọi hoạt động ở Israel. Sân bay Quốc tế Ben Gurion, các lĩnh vực giáo dục, giao thông công cộng và y tế, cũng như các cơ quan chính phủ đều ngừng hoạt động.
Đây là phong trào phản đối chính phủ lớn nhất từ trước tới nay nhằm gây áp lực buộc Thủ tướng Benjamin Netanyahu phải ký kết thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza và trao đổi con tin và tù nhân với Hamas. Người đứng đầu Histadrut Arnon Bar-David tuyên bố sẽ không tha thứ cho việc bỏ rơi các con tin Israel bị giam giữ ở Gaza.
Những người biểu tình đã giương cao các biểu ngữ phản đối chính phủ và Thủ tướng Netanyahu cố tình trì hoãn thỏa thuận trao trả con tin, đồng thời đổ lỗi cho ông Netanyahu về cái chết của 6 con tin.
Họ cho rằng, ông Netanyahu không quan tâm đến số phận của các con tin mà chỉ tìm cách duy trì quyền lực của mình, bởi vì việc chấm dứt cuộc chiến ở Dải Gaza có thể sẽ kéo theo một cuộc điều tra về các tình huống dẫn đến cuộc tấn công của Hamas ngày 7/10/2023 và chính phủ sẽ sụp đổ, các đảng đối lập sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử mới, và bản thân ông Netanyahu, người đang bị tố cáo về các tội nhận hối lộ, tham nhũng có thể sẽ phải đối mặt với án tù.
Nội bộ mâu thuẫn
Ngoài các cuộc biểu tình rầm rộ và cuộc đình công trên toàn quốc đòi Thủ tướng Netanyahu chấp nhận thỏa thuận với Hamas để lấy lại con tin, nội bộ chính quyền Israel cũng đang xuất hiện nhiều bất đồng, đặc biệt giữa một bên là Thủ tướng Netanyahu, Bộ trưởng An ninh quốc gia Ben Gavir và Bộ trưởng Tài chính Smotrich, một bên là Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Galant, Tham mưu trưởng quân đội, Tướng Herzi Halevi và các thành viên của đoàn đàm phán gồm Giám đốc Cơ quan tình báo Mossad Barnea, Giám đốc Cơ quan An ninh nội địa Ronen Bar.
Cái chết của 6 con tin vừa qua đã làm trầm trọng thêm mâu thuẫn trong chính phủ Israel. Theo báo Times of Israel, tại cuộc họp chính phủ tối 1/9, ông Netanyahu và Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Galant đã xung đột gay gắt với nhau xung quanh việc Thủ tướng đòi duy trì quyền kiểm soát của quân đội (IDF) đối với hành lang Philadelphia.
Ông Netanyahu nói: "Hành lang Phiadelphia dài 14 km là "ống thở oxy" cho Hamas. chúng ta phải kiểm soát vì nó quyết định toàn bộ tương lai của chúng ta. Nếu rút khỏi hành lang này trong 6 tuần như các nhà hòa giải đề xuất, IDF sẽ không thể quay trở lại và sẽ cho phép Hamas tái vũ trang và tiến hành các cuộc tấn công mới. Đồng thời, các nhóm Palestine cũng có thể sử dụng hành lang Philadelphia để đưa các con tin Israel đến Sinai và từ đó đến Iran hoặc Yemen".
Ông Netanyahu thề sẽ khiến Hamas "phải trả giá đắt" cho cái chết của các con tin.
Trong khi đó, ông Galant mô tả yêu cầu duy trì quyền kiểm soát hành lang Philadelphia ở biên giới giữa Ai Cập và Gaza là "không cần thiết". Ông nói: "Việc chúng ta ưu tiên hành lang Philadelphia mà phải trả giá bằng mạng sống của các con tin là một điều đáng xấu hổ".
Mặ khác, phe đối lập do cựu Thủ tướng Yair Lapid đứng đầu đã yêu cầu ông Netanyahu từ chức và tiến hành bầu cử thành lập chính phủ mới.
Áp lực quốc tế gia tăng
Cùng với áp lực bên trong Israel, áp lực từ bên ngoài lên chính quyền của Thủ tướng Netanyahu ngày càng lớn. Ngày 2/9, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói, ông Netanyahu đã không cố gắng đầy đủ để đạt được thỏa thuận ngừng bắn và thả con tin. Ông Biden đã phản ứng rất gay gắt sau khi con tin người Mỹ Goldberg-Paulin 23 tuổi bị sát hại.
Theo The Washington Post, Tổng thống Biden có kế hoạch đưa ra tối hậu thư cho Israel và Hamas trong tương lai rất gần. Một nguồn tin của Washington Post cho biết việc các bên cố tình không đạt được thỏa thuận có thể đánh dấu sự kết thúc của các cuộc đàm phán quốc tế do Mỹ dẫn đầu. Ông Biden dọa sẽ rút khỏi nhóm trung gian hòa giải nếu các cuộc đàm phán không đạt được tiến bộ.
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cũng hối thúc Israel có ý chí chính trị để sớm đạt được thỏa thuận với Hamas.
Đồng minh khác của Israel là Anh cũng đang gây áp lực lên ông Netanyahu. Ngày 2/9, Bộ Ngoại giao Anh cho biết, chính phủ Công đảng của Thủ tướng Keir Starmer đã quyết định đình chỉ 30 trong số 350 giấy phép bán vũ khí cho Israel, bao gồm cả các bộ phận của máy bay chiến đấu F-35. Lý do là Israel đã sử dụng vũ khí của Anh tại Gaza vi phạm luật nhân đạo quốc tế.
Theo báo Haaretz của Israel, trong vài ngày hoặc vài tuần tới Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) sẽ công bố lệnh bắt giữ Thủ tướng Netanyahu và Bộ trưởng Quốc phòng Galant, cũng như lãnh đạo Hamas Yahya Sinwar.
Người phát ngôn Abu Obaida của Lữ đoàn Al-Qassam (cánh vũ trang của Hamas) đe dọa: "Việc ông Netanyahu nhất quyết lấy lại con tin thông qua hành động quân sự thay vì thỏa thuận có nghĩa là các con tin sẽ được trả về cho gia đình trong quan tài".
Ai Cập đã phản đối mạnh mẽ việc Thủ tướng Israel đòi duy trì một lực lượng của IDF trên hành lang Philadelphia giữa Gaza và Sinai. Điều này vi phạm Hiệp định hòa bình giữa Israel và Ai Cập năm 1979. Bộ Ngoại giao Ai Cập nói, ông Netanyahu "đang tìm cách sử dụng tên tuổi của Ai Cập để đánh lạc hướng dư luận Israel, cản trở việc đạt được thỏa thuận ngừng bắn, trao đổi con tin và người bị giam giữ cũng như cản trở các nỗ lực hòa giải".
Ả Rập Saudi bày tỏ tình đoàn kết với Ai Cập, đồng thời lên án mạnh mẽ các tuyên bố của Israel liên quan đến hành lang Philadelphia và những nỗ lực vô lý nhằm biện minh cho việc tiếp tục vi phạm luật pháp và chuẩn mực quốc tế. Bộ Ngoại giao Ả Rập Saudi đã cảnh báo hậu quả của các tuyên bố khiêu khích của Tel Aviv, làm suy yếu các nỗ lực hòa giải của Ai Cập, Qatar và Mỹ nhằm đạt được thỏa thuận ngừng bắn vĩnh viễn và ngăn chặn sự leo thang nguy hiểm ở khu vực.
10% gai góc
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết các bên đã đạt được thỏa thuận 90% trong kế hoạch 18 điểm. Washington cho biết tuần tới sẽ đưa ra một số ý tưởng mới và tỏ ra lạc quan về khả năng sớm đạt được thỏa thuận. Tuy nhiên, những vấn đề còn lại là hết sức gai góc, không dễ gì giải quyết.
Hamas cho rằng, cơ sở cho thỏa thuận là kế hoạch của Tổng thống Mỹ Joe Biden đưa ra ngày 31/5 đã được Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ủng hộ trong nghị quyết 2735 ngày 10/6 và các bên, trong đó có Israel chấp thuận ngày 2/7.
Ngày 5/9 vừa qua, Hamas tuyên bố không cần có đề xuất mới và việc cần làm bây giờ là gây áp lực buộc Thủ tướng Israel Netanyahu và chính phủ của ông phải tuân theo những gì đã thỏa thuận.
Quan điểm của Israel và Hamas còn rất xa nhau. Israel không muốn chấm dứt chiến tranh khi chưa tiêu diệt được Hamas. Trong khi đó, Hamas đòi Israel rút toàn bộ quân đội và ngừng bắn vĩnh viễn tại Gaza. Đặc biệt, thái độ của Thủ tướng Netanyahu hết sức cứng rắn, không thỏa hiệp trong vấn đề Philadelphia.
Hãng CNN cho hay, những đòi hỏi mới của ông Netanyahu về hành lang Philadelphia đang làm suy yếu cơ hội đạt được thỏa thuận.
Việc kéo dài các cuộc thương lượng và trì hoãn việc đạt được thỏa thuận ngừng bắn và trao đổi những người bị giam giữ sẽ làm giảm cơ hội sống sót của các con tin bị Hamas giam giữ ở Gaza. Việc lấy lại các con tin Israel và người nước ngoài còn lại bằng biện pháp quân sự là không thể và không có giải pháp nào thay thế cho các cuộc đàm phán.
Các nhà phân tích chính trị cho rằng, chính quyền của Thủ tướng Netanyahu chủ trương kéo dài các cuộc đàm phán và xung đột ở Dải Gaza là để chuyển hướng sự chú ý khỏi các vấn đề nội bộ của Israel, đặc biệt trong bối cảnh ông Netanyahu đang vướng vào vòng lao lý do các cáo buộc tham nhũng, nhận hối lộ và những sai lầm nghiêm trọng về phòng vệ để xảy ra vụ Hamas tấn công vào Israel ngày 7/10/2023. Quyết định đạt được thỏa thuận hay không hiện đang nằm trong tay Thủ tướng Netanyahu.