Theo thống kê của Hiệp hội Quốc gia Phòng Chống Bạo hành trẻ em (NSPCC), độ tuổi trung bình của trẻ em bị xâm hại tình dục là 9 tuổi và trung bình trong 4 bé gái thì có 1 bé bị xâm hại tình dục, 6 bé trai thì có 1 bé bị xâm hại tình dục.
Đồng thời, có tới 93% trường hợp nạn nhân và gia đình có quen biết kẻ xâm hại mình, hơn 47% kẻ xâm hại là những người thân, họ hàng, hàng xóm xung quanh gia đình nạn nhân.
Trẻ em luôn được bảo vệ tối đa
Là đối tượng chưa hình thành và nhận thức đầy đủ về nhiều mặt, trẻ em luôn có những đặc quyền riêng biệt. Tại nhiều quốc gia, trẻ được người lớn cũng như pháp luật từng nước bảo vệ rất kĩ về hình ảnh, học tập, thân thể...
Ở Mỹ, nếu không phải là bố mẹ của trẻ mà người lớn có những cử chỉ tác động vào cơ thể như nựng má, sờ, vuốt ve, ôm hôn… và không được sự đồng ý của phụ huynh thì đó là hành động phạm pháp. Các trường hợp có lời lẽ khiếm nhã, không tốt với trẻ cũng được xem là trái pháp luật.
Với các đối tượng "yêu râu xanh" ở Mỹ, pháp luật chia ra 4 cấp độ vi phạm. Tội "dâm ô đối với trẻ em" nằm trong mức độ II. Dâm ô trẻ em dưới 13 tuổi, hoặc từ đủ 13 tới dưới 16 tuổi. Khung hình phạt cao nhất cho tội này là 15 năm tù.
Bên cạnh đó, kẻ phạm tội cũng phải đeo thiết bị giám sát GPS. Pháp luật Mỹ còn nhận dạng biểu hiện "dâm ô đối với trẻ em" là "sự động chạm có chủ ý vào bộ phận nhạy cảm hoặc vùng vải vóc che phủ bộ phận nhạy cảm của người khác".
Trường hợp thủ phạm là người thân của trẻ bị xâm hại, thì có thể bị tước quyền giám hộ hoặc quyền làm cha mẹ.
Tại tiểu bang California, nếu một người từng có hành vi lạm dụng tình dục, dù nặng hay nhẹ thì thông tin của họ đều sẽ được ghi lại và công khai lên hệ thống mà mọi người dân đều có thể truy cập vào.
Tại một quốc gia cũng xảy ra tình trạng xâm hại trẻ em nghiêm trọng, pháp luật Nhật Bản mới đây đã sửa đổi khung hình phạt dành cho tội phạm xâm hại tình dục theo hướng tăng nặng hình phạt.
Với hành vi dâm ô trẻ em, điều 176 Bộ luật hình sự quy định người phạm tội này sẽ bị phạt tù từ 6 tháng tới 10 năm. Ngoài ra, kể cả khi nạn nhân không tố cáo, công tố viên còn được phép truy tố người phạm tội.
Pháp luật nhiều quốc gia quy định chế tài đối với tội danh "dâm ô đối với trẻ em" mang tính chất răn đe. (Ảnh minh họa)
Nhiều quốc gia áp dụng biện pháp "thiến hoá học"
Trên thế giới, một số quốc gia như Indonesia, Hàn Quốc, Ba Lan, Đức, Thụy Điển, Đan Mạch, Nga… và một số bang của Mỹ từ rất lâu và đã áp dụng hình phạt "thiến hóa học" với tội phạm ấu dâm (theo BBC).
"Thiến hóa học" được hiểu là tội phạm sẽ bị hoạn bằng hóa chất để "tiêu diệt dục tính".
Hình thức này được cho rằng khá hiệu quả khi vào năm 1991 theo nghiên cứu của Đại học Johns Hopkins, Mỹ, kết quả ghi nhận sau khi bị tiêm hóa chất, chưa đến 10% người phạm tội ấu dâm tái phạm trong khoảng thời gian 5 năm sau đó.
Tại các bang như Illinois, Ohio, California và Arkansas của Mỹ, kẻ tái phạm có thể chọn một trong các hình phạt gồm thiến, phẫu thuật hay tiêm hóa chất trước khi được ra tù.
Là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên áp dụng hình thức "thiến hóa học", những kẻ phạm tội tại Indonesia tiếp tục bị buộc phải đeo thiết bị điện tử để cảnh sát có thể theo dõi mọi hoạt động suốt 24/24.
(Tổng hợp)