Chủ nhân của đám cưới mang đậm màu sắc cổ tích này là cô dâu Phương Thảo (1991, trợ lý kiểm toán viên) và chú rể Tuấn Tú (1987, doanh nhân).
Thảo và Tú từng cùng là du học sinh ở Anh một thời gian dài nhưng không hề quen biết nhau dù có rất nhiều bạn chung.
Sau này có dịp gặp nhau qua một người bạn rồi chơi chung một nhóm, Thảo và Tú chưa từng nghĩ hai người sẽ thành đôi. Dần dần, Thảo nhận thấy Tú đối với mình nhiệt tình hơn, hay hỏi thăm và rủ cô đi chơi. Thảo khi ấy nhận lời một cách vô tư.
Sau này nghĩ lại, Thảo mới vỡ lẽ "à chắc hồi đó anh cũng có ý với mình" nhưng đem chuyện này hỏi Tú thì anh chối đây đẩy.
Thậm chí có một lần Tú rủ Thảo đi ăn tối cùng một vài người bạn nữa. Cuối cùng khi cô đến nơi lại chỉ thấy một mình anh ngồi đợi và bảo mọi người bận.
Đến lúc chính thức thành một đôi, Thảo chỉ nghĩ đơn giản cứ thuận theo tình cảm, yêu là yêu thôi chứ không nghĩ nhiều về tương lai về chung một nhà.
Dần dần, cô phát hiện ra rằng anh là một chàng trai vô cùng tình cảm, luôn quan tâm mẹ nhưng ít khi thể hiện ra. Vậy là Thảo ngày càng yêu thương, tin tưởng bạn trai.
Trong hơn 1 năm yêu, Tú và Thảo không gặp quá nhiều trở ngại ngoài việc cả hai thường xuyên bất đồng quan điểm, từ đó dẫn đến "chiến tranh lạnh" liên miên.
Thảo lý giải rằng lúc tức giận hoặc bất đồng, cô chọn cách im lặng để tránh nói ra những lời "gây sát thương" đối với bạn trai. Tú thấy thảo lạnh lùng cũng... thi gan.
Nhưng khi bình tĩnh lại thì Tú thường là người làm lành trước, còn Thảo sẽ chủ động "cầu hòa" nếu nhận ra trong trận chiến đó người sai là cô.
Sau mỗi lần như vậy, Tú thường nói với Thảo: "Anh là người hâm mà. Em bình thường thì chấp người hâm làm gì? Em phải thương anh hơn vì... anh hâm chứ?".
Về đám cưới theo concept "Người đẹp và quái vật", cô dâu chia sẻ rằng ý tưởng đến một cách hết sức tình cờ. "14/2 vừa rồi, anh Tú tặng mình một bông hồng vĩnh cửu như trong hộp kính giống như trong truyện cổ tích "Người đẹp và quái vật".
Anh tặng vì thấy nó đẹp, khác với hoa hồng bình thường và có thể để được mãi chứ không để ý đến nguồn gốc, ý nghĩa của món quà.
Sau đấy 1-2 tuần, mình đến trò chuyện với đơn vị tổ chức tiệc cưới Dựa trên câu chuyện tình yêu và món quà anh Tú tặng, lại cùng lúc bộ phim chuyển thể từ truyện cổ tích 'Người đẹp và quái vật' đang rầm rộ, nhà cung cấp đã gợi ý cho chúng mình ý tưởng tổ chức đám cưới theo concept này", cô dâu chia sẻ.
Còn một kỷ niệm rất đáng yêu nữa đó là khi chú rể Tuấn Tú được vợ sắp cưới thông báo về concept này, anh không hề phản đối bởi mọi chuyện anh đều chiều theo ý Thảo.
Tuy nhiên, chú rể cũng không tránh khỏi ngỡ ngàng khi đặt câu hỏi: "Vậy anh là quái vật hay người đẹp?".
Là một người không quá khó tính hay cầu kỳ, Thảo từ trước tới nay luôn cho rằng cưới xin cũng không cần tổ chức quá linh đình, bởi cái quan trọng là cuộc sống sau hôn nhân. Tuy vậy, vợ chồng cô cũng không thể xuề xòa vì bố mẹ hai bên khá kỹ tính.
Kết quả là cặp đôi đã có một đám cưới lộng lẫy, sang trọng, không quá phô trương với hội trường có sức chứa khoảng 800 người.
Cô dâu chú rể đều hài lòng bởi đám cưới cổ tích này được thực hiện bằng chi phí tương đối phải chăng, xứng đáng với chất lượng thực tế.
Hậu đám cưới, Thảo tiết lộ rằng cô không hề bị bỡ ngỡ với cuộc sống ở nhà chồng. Trước đây bố mẹ thường dặn cô: "Lấy chồng thì phải yêu cả nhà chồng nữa". Thảo cảm thấy may mắn vì bố mẹ chồng đều là người vui tính, yêu thương con cháu.
Sân khấu trong đám cưới theo concept cổ tích với khung cửa sổ và những cổng vòm được lấy cảm hứng từ kiến trúc trong các lâu đài của Anh.
Trụ nến, ly tách dùng để trang trí mang đậm phong cách châu Âu.
Phải chăng đây chính là bàn tiệc nơi nàng Belle và Quái vật thường ngồi lại và cùng nhau thưởng thức bữa tối,.
Những chiếc bánh ngọt cũng được trưng dụng để trang trí tạo cảm giác vô cùng ngọt ngào.
Bên cạnh đó không thể thiếu sự xuất hiện của những mô hình hoa hồng vĩnh cửu.
Wedding Planner: The Planners/ Photo: The Planners, Nupakachi Wedding