Đối với Krishma Sood Bhojwani, một cô dâu người Australia, đám cưới Ấn Độ là một sự kiện vui vẻ kéo dài 4 ngày tại khách sạn JW Marriot ở Phuket, Thái Lan.
Tiệc cưới có pho mát nhập khẩu từ Italy, giăm bông Iberico từ Tây Ban Nha và đội ngũ nhiếp ảnh gia đến từ Dubai. Các đầu bếp bay từ Ấn Độ và Nhật Bản đến để phục vụ thực khách với các loại thực phẩm tươi sống.
Đám cưới sẽ bao gồm 8 sự kiện xuyên suốt 4 ngày. Tất cả được tổ chức trong khung cảnh của khu nghỉ dưỡng bên bờ biển, nơi có rừng cây xanh mát giáp biển. 120 khách dự tiệc đến từ mọi nơi trên thế giới. Họ đeo cà vạt đen và mặc trang phục lehenga truyền thống được thêu tinh xảo. Những vị khách được chiêu đãi cocktail bên bãi biển và các bữa tiệc khiêu vũ.
Bhojwani đã sắp xếp một bàn thờ nổi và mặc những bộ trang phục truyền thống do các nhà thiết kế hàng đầu như Sabyasachi thực hiện. Những mẫu thiết kế xa hoa có thể có giá 30.000 USD một chiếc.
Vậy thì chi phí cho một đám cưới như vậy là bao nhiêu? Bhojwani ước tính khoảng 400.000 USD cho đám cưới. Con số đó chưa tính đến đồ trang sức và trang phục của cô dâu chú rể.
Cô dâu Bhojwani cho biết: "Tôi có khoản ngân sách khá khắt khe. Tiền không mọc từ trên cây. Chúng tôi cân đối kỹ lưỡng và không chi một đồng nào ngoài những gì tôi vừa kể trên".
Đám cưới của Krishma Sood Bhojwani.
Ở Ấn Độ, ngành tổ chức đám cưới có trị giá khổng lồ 50 tỷ USD. Không có gì lạ khi các gia đình giàu có chi số tiền khủng cho đám cưới. Vào năm 2018, tỷ phú Mukesh Ambani đã chi 100 triệu USD cho đám cưới của con gái mình. Đám cưới có sự tham dự của các khách mời như ca sĩ Beyonce, diễn viên Shah Rukh Khan và bà Hillary Clinton.
Nhưng ngay cả với những người giàu bình thường, đám cưới có thể bị đội giá lên rất cao. Được biết, các gia đình Ấn Độ chi tới 800.000 USD cho đám cưới tại các khách sạn và khu nghỉ dưỡng 5 sao trên khắp Đông Nam Á.
Theo truyền thống, gia đình cô dâu sẽ chịu chi phí đám cưới. Nhưng nhiều gia đình hiện nay coi đó là một tập tục lỗi thời. Cả Bhojwani và chồng cô chọn cùng nhau chia sẻ chi phí. Như Bhojwani đã nói, các cặp đôi Ấn Độ thường có "sự hỗ trợ tài chính rất lớn từ phía cha mẹ" trong việc tổ chức đám cưới.
Đám cưới của Krishma Sood Bhojwani.
Hiện tại, khi các khu nghỉ dưỡng sang trọng trên khắp Đông Nam Á nổi lên sau đại dịch, họ cạnh tranh nhau để có được những đám cưới Ấn Độ đầy hấp dẫn này.
Nhiều khách sạn và khu nghỉ dưỡng vẫn đang quay cuồng với ảnh hưởng tài chính của đại dịch. Họ không tiếc công thu hút các cặp vợ chồng giàu có ở Ấn Độ để bù đắp khoản thâm hụt. Sau cùng, những đám cưới lớn của người Ấn Độ có thể là yếu tổ thay đổi kết cục của một năm, hoặc đỏ hoặc đen.
Ngành kinh doanh dựa vào các đám cưới Ấn Độ hoành tráng
Một lý do khiến đám cưới Ấn Độ đắt đỏ như vậy là vì đám cưới không chỉ diễn ra trong một ngày. Vin Ramash, một chuyên gia tổ chức đám cưới tại công ty Alangkaar tại Singapore, cho biết đám cưới của tín đồ đạo Sikh được tổ chức trong nhiều ngày.
Đám cưới của Krishma Sood Bhojwani tại Phuket, Thái Lan
Ramash nói: "Cao cấp hơn, đám cưới Punjabi tiêu tốn từ 100.000 USD mỗi ngày, vì vậy việc chi 500.000 USD là hoàn toàn có thể xảy ra". Đây là ví dụ điển hình của những đám cưới được tổ chức tại các khách sạn cao cấp như Capella, St. Regis hoặc Ritz-Carlton.
Những ý tưởng bất chợt của cô dâu chú rể cũng khiến mức giá tăng lên. Ramash cho biết, rạp cưới (mandap) làm bằng tay và đồ trang trí được thiết kế riêng có thể có giá khoảng 40.000 USD. Các yêu cầu bổ sung như pháo hoa có thể khiến chi phí tăng thêm.
Sau đó là yếu tố du lịch.
Khi những điểm tổ chức đám cưới trở nên nổi tiếng, các cặp đôi giàu có người Ấn Độ đang tìm đến Thái Lan. Ramash cho biết đối tác du lịch của Alangkaar tại nước này dự kiến chỉ riêng trong năm 2023 sẽ có 400 đến 500 "đám cưới Ấn Độ quy mô lớn".
Đám cưới của Krishma Sood Bhojwani.
Ramash, người chuyên tổ chức đám cưới tại Singapore, Bali và Phuket, nói thêm: "Các cặp đôi yêu thích các điểm tổ chức đám cưới ở Thái Lan vì giá trị họ nhận được từ mỗi tờ đô họ bỏ ra".
Bhojwani và chồng cô ban đầu dự định tổ chức đám cưới tại khách sạn Intercontinental ở Phú Quốc, Việt Nam. Sau khi phong tỏa, hạn chế đi lại và 4 lần trì hoãn, cuối cùng họ đã quyết định tổ chức đám cưới của mình tại Thái Lan.
Cô cho biết các nhà tổ chức sự kiện ở Thái Lan hiểu được tầm nhìn, quy mô và có kinh nghiệm. Họ đáp ứng được tiêu chí mà hai vợ chồng cô mong muốn.
Đám cưới của Krishma Sood Bhojwani.
Khách sạn hạng sang "tranh" đám cưới
Do nhu cầu bị dồn nén và nỗ lực trở lại mức trước đại dịch. Các khu nghỉ dưỡng và khách sạn sang trọng đang ưu tiên cho các chiến dịch quảng bá nhắm vào phân khúc đám cưới Ấn Độ siêu sang. Các điểm đến ở Thái Lan, Indonesia, Việt Nam và Maldives đang cạnh tranh nhau để tổ chức đám cưới kinh phí khủng.
Các khu nghỉ dưỡng không ngừng nỗ lực để trở thành điểm đến lọt vào tầm mắt khách hàng. Các khách sạn cũng đang đáp ứng mọi yêu cầu từ tiệc cưới, bao gồm cả việc sắp xếp đặc biệt cho các nghi lễ tôn giáo. Trong một số trường hợp, họ thậm chí còn sẵn sàng đặt chỗ lại cho khách tại các địa điểm khác nếu một tiệc cưới lớn hơn muốn đặt trước toàn bộ khách sạn.
Các ủy ban du lịch cũng tham gia vào cuộc cạnh tranh.
Đối với Thái Lan, doanh thu từ đám cưới được tính vào doanh thu du lịch trong năm. Theo Reuters, một quan chức du lịch cấp cao cho biết, Thái Lan dự kiến sẽ thu về 600 tỷ đến 700 tỷ baht, tương đương 16-19 triệu USD trong năm nay từ các đám cưới sang trọng và tuần trăng mật.
Tanes Petsuwan, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Thái Lan, nói với tờ Nikkei Asia rằng du khách Ấn Độ là "ưu tiên" trong năm nay.
Đám cưới của Krishma Sood Bhojwani.
Sanjay Sondhi, CEO của Om Tourism và là người đứng đầu ủy ban du lịch Ấn Độ của Indonesia, nói rằng Indonesia cũng đang săn đón những cặp đôi tiềm năng này.
Những nỗ lực này có thể mang lại trái ngọt. Trong một đám cưới nổi tiếng tổ chức tại hòn đảo nhiệt đới Bali, các cuộc bàn bạc đang xoay quanh việc thuê chuyến bay cho 250 hành khách.
Chắc chắn, không chỉ đám cưới Ấn Độ mới là công việc kinh doanh béo bở. Theo báo cáo của Allied Market Research, ngành dịch vụ cưới toàn cầu đã tạo ra doanh thu 160,5 tỷ USD vào năm 2020 và dự kiến sẽ đạt doanh thu 414,2 tỷ USD vào năm 2030.
Đám cưới của Krishma Sood Bhojwani.
Đối với nhiều người, việc tổ chức theo đám cưới truyền thống Ấn Độ là điều rất đáng để thử, ngay cả khi họ phải thay đổi kế hoạch nhiều lần trước khi tổ chức.
Bhojwani nói về đám cưới hồi tháng 4 của cô: "Tôi luôn mơ ước có một đám cưới đẹp. Điều đó thực sự khó khăn, đám cưới đã bị trì hoãn trong ba năm nhưng cuối cùng chúng tôi đã tổ chức được. Số tiền bỏ ra chắc chắn xứng đáng".
Nguồn: BI