Sáng 14/12, thông tin từ UBND tỉnh Đắk Nông cho biết, việc tạm dừng cấp phép dự án thủy điện mới đã được thông qua chính thức trong Nghị quyết số 02 của Tỉnh ủy Đắk Nông. Theo đó, dự án nào chưa nằm trong quy hoạch của bộ, ngành trung ương thì tỉnh Đắk Nông tạm dừng cấp phép; dự án nào đã được phê duyệt sẽ giao UBND tỉnh kiểm tra, đánh giá lại thật kỹ việc tuân thủ quy định, tác động môi trường, hiệu quả kinh tế.
Những dự án đã được các cấp có thẩm quyền cấp chủ trương đầu tư nhưng các nhà đầu tư không triển khai, chậm hoặc triển khai không hiệu quả... sẽ kiên quyết thu hồi. Theo Sở Công thương Đắk Nông, toàn tỉnh hiện có 22 nhà máy thủy điện đang hoạt động.
Thời gian qua, một số công trình thủy điện ở tỉnh này xảy ra các sự cố khiến người dân lo lắng. Mới đây nhất, tháng 11/2020, người dân canh tác gần thủy điện Đắk R’tih (Đắk Nông) lo sợ khi xuất hiện nhiều điểm nứt, lún, gây chia cắt.
Sở Công Thương vào cuộc kiểm tra nhận thấy có vết nứt, điểm sạt lở, nên đề nghị Cty Cổ phần Thủy điện Đắk R’tih phải theo dõi xu hướng diễn biến kịp thời báo cáo, đề xuất cơ quan có thẩm quyền xử lý...
Trong trường hợp cần thiết, công ty nên mời các đơn vị có chuyên môn về địa hình, địa chất xem xét đánh giá các vấn đề liên quan, khả năng ảnh hưởng đến an toàn vận hành công trình; có giải pháp, biện pháp ứng phó, xử lý phù hợp, bảo vệ an toàn hồ, đập thủy điện.
Đất canh tác gần thủy điện Đắk R’tih bị sụt lún
Trước đó, mùa mưa năm 2019, Đập thủy điện Đắk Kar (huyện Đắk R’Lấp, Đắk Nông) đứng trước nguy cơ vỡ đập. Lúc ấy, công trình thủy điện này đang hoàn thiện các bước cuối cùng để phát điện thì gặp trời mưa.
Do không chuẩn bị trước phương án xả lũ nên khi nước thượng nguồn đổ về đột ngột, cửa tràn xả nước chưa vận hành thử đã gặp sự cố. Chính quyền các tỉnh Đắk Nông, Lâm Đồng, Bình Phước thuộc vùng hạ du thủy điện phải lên phương án di dời hàng nghìn hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Rất may, sự cố kẹt van xả tràn được khắc phục, không có sự việc đáng tiếc xảy ra.