Đại tướng Phan Văn Giang lý giải về tiêu chí đánh giá mức độ rủi ro của thảm họa, sự cố

Luân Dũng |

“Tiêu chí đánh giá mức độ rủi ro của thảm họa, sự cố bao gồm phạm vi ảnh hưởng, khả năng lan rộng của thảm họa, sự cố, đặc điểm địa lý tự nhiên, kinh tế - xã hội của địa bàn chịu ảnh hưởng...”, Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Quốc phòng nêu.

Đại tướng Phan Văn Giang lý giải về tiêu chí đánh giá mức độ rủi ro của thảm họa, sự cố - Ảnh 1.

Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Quốc phòng. Ảnh Như Ý

Chiều 9/11, Quốc hội thảo luận dự án Luật Phòng thủ dân sự. Theo đại biểu Nguyễn Danh Tú (Kiên Giang), phòng thủ dân sự là một bộ phận quan trọng của phòng thủ đất nước. Phòng thủ dân sự góp phần bảo vệ nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân, ngăn chặn đẩy lùi các nguy cơ từ sớm, từ xa.

Đại biểu cho rằng, các sự cố thảm họa có mối quan hệ với nhau nhưng tính chất, mức độ nghiêm trọng, hậu quả là khác nhau. Do vậy, ngoài quy định các biện pháp chung, cần quy định riêng các biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả của thảm họa và các biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả của sự cố.

Đại biểu Tú cũng cho rằng, quy định cấp độ phòng thủ dân sự dựa trên cơ sở phạm vi địa giới hành chính là chưa phù hợp, cần được cân nhắc kỹ. Qua đó, cần căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm nghiêm trọng, tính chất, mức độ thiệt hại, tính mạng, sức khỏe, tài sản, môi trường do các thảm họa, sự cố gây ra để xác định cấp độ phòng thủ dân sự với các biện pháp ứng phó, khắc phục tương ứng với từng cấp độ phòng thủ dân sự.

Trong khi đó, đại biểu Tráng A Dương (Hà Giang) đề nghị bổ sung các hành vi nghiêm cấm trong dự án luật, hỗ trợ phí bảo hiểm rủi ro ở những nơi xảy ra sự cố thảm họa, thiên tai. Theo đại biểu Tráng A Dương, quy định hỗ trợ phí bảo hiểm như dự án luật chưa cụ thể, không khả thi với nguồn quỹ có hạn, trong khi đây là phí bảo hiểm nên sẽ cần phải có nguồn kinh phí rất lớn. Do đó, cần phải quy định một cách cụ thể trong trường hợp nào thì được hỗ trợ bảo hiểm do thảm họa sự cố...

Quy định cụ thể tiêu chí đánh giá

Tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu, Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Quốc phòng cho biết, để tạo cơ sở cho việc triển khai các biện pháp phòng thủ dân sự phù hợp với mức độ thảm họa, sự cố, bảo đảm không chồng chéo với các luật chuyên ngành khác, dự thảo luật quy định đánh giá mức độ rủi ro về thảm họa, sự cố là cơ sở để xây dựng kế hoạch, xây dựng phương án và triển khai các biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố; làm căn cứ xác định cấp độ phòng thủ dân sự; đồng thời quy định cụ thể tiêu chí đánh giá và các cấp độ phòng thủ dân sự cũng như các biện pháp trong từng cấp độ phòng thủ dân sự.

“Như vậy, dự thảo luật đã có sự phân định về phạm vi điều chỉnh, đồng thời bảo đảm liên hệ chặt chẽ với các luật chuyên ngành, tạo thành cơ chế đồng bộ, thống nhất trong phòng thủ dân sự”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Về đánh giá mức độ rủi ro của thảm họa, sự cố, Bộ trưởng cho rằng, một số văn bản pháp luật hiện hành có quy định phân loại rủi ro, sự cố bằng những cách thức, những tiêu chí phân loại, những đánh giá khác nhau, như rủi ro thiên tai thì theo cường độ, theo phạm vi ảnh hưởng, theo nguy cơ gây thiệt hại; sự cố môi trường biển thì phân thành 3 cấp, như cấp cơ sở, cấp khu vực và cấp quốc gia; sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân thì chia thành 5 nhóm tình huống và quy định 7 mức độ sự cố; bệnh truyền nhiễm phân loại theo 3 nhóm: Nhóm A, nhóm B, nhóm C…

Ngoài ra, một số văn bản quy định về các hiện tượng mang tính thảm họa, sự cố nhưng không quy định cấp độ theo tính chất, mức độ nghiêm trọng, như cháy rừng thì chỉ quy định cháy rừng trên diện rộng hoặc đê điều thì chỉ quy định sự cố đê điều nhưng cũng không quy định cấp độ.

“Từ những vấn đề trên cho thấy cách thức, tiêu chí phân loại, đánh giá mức độ thảm họa, sự cố còn có sự khác nhau giữa các ngành, các lĩnh vực, chưa căn cứ vào năng lực ứng phó thảm họa, sự cố của con người, bao gồm các tổ chức chính quyền và người dân, đặc biệt là trang bị phương tiện phòng thủ dân sự để đánh giá mức độ rủi ro”, Bộ trưởng cho hay.

Đại tướng Phan Văn Giang cũng lý giải, dự thảo luật quy định người hoặc cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm đánh giá mức độ rủi ro của thảm họa, sự cố làm cơ sở để quyết định ban bố hoặc bãi bỏ phòng thủ dân sự ở cấp độ 1, 2, 3.

“Tiêu chí đánh giá mức độ rủi ro của thảm họa, sự cố bao gồm phạm vi ảnh hưởng, khả năng lan rộng của thảm họa, sự cố, đặc điểm địa lý tự nhiên, kinh tế - xã hội của địa bàn chịu ảnh hưởng, diễn biến, khả năng gây thiệt hại, khả năng ứng phó thảm họa sự cố của chính quyền và lực lượng tham gia phòng thủ dân sự”, Bộ trưởng cho hay.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại