Thời xưa, lăng trì, hay còn gọi là xử ba đao hay bá đao trảm quyết, được coi là một trong những hình phạt đáng sợ nhất được áp dụng rộng rãi ở Trung Quốc từ năm 900 cho đến khi bãi bỏ vào năm 1905. Theo đó, phương thức của hình phạt này là dùng dao xẻo từng miếng thịt ở trên người tử tù trong một thời gian kéo dài. Phạm nhân sẽ phải chịu đau đớn cực hạn trước khi dẫn tới cái chết.
Trên thực tế, lăng trì đôi khi còn được sử dụng như một nhục hình để hành quyết người còn sống. Những kẻ phảm tội như nổi loạn chống hoàng đế, sát nhân, phản quốc… đều bị pháp luật thời xưa xử lăng trì.
Hình phạt này tàn ác đến mức nhiều tội phạm run sợ khi nghe thấy. Trong quá trình hành quyết, đao phủ sẽ lấy dao và rạch rất nhiều vết cắt trên cơ thể họ. Điều đáng sợ nhất của lăng trì là người bị tra tấn sẽ không chết ngay lập tức. Thay vào đó, người này sẽ phải chứng kiến quá trình thi hành án trước khi chết từ từ.
Mặt khác, không thể xác định được thời gian thực hiện hình phạt lăng trì cũng như số lượng nhát dao cần cắt trên cơ thể phạm nhân. Bởi điều này còn phụ thuộc vào những tội ác mà họ đã làm.
Điều quan trọng nhất của hình phạt lăng trì là để cảnh báo những người khác không mắc phải sai lầm tương tự giống như phạm nhân.
Nhiều người cho rằng lăng trì chính là hình phạt đáng sợ và tàn khốc nhất thời phong kiến. Tuy nhiên, có một hình phạt còn đau đớn gấp 10 lần so với lăng trì. Đây cũng là hình phạt mà Nhạc Phi (1103 – 1142), danh tướng thời Nam Tống, nhà quân sự nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc, từng phải chịu đựng.
Nhạc Phi phải chịu hành hình tàn khốc ra sao?
Nhạc Phi được đánh giá là võ tướng tài năng và tận trung nhất qua các triều đại ở Trung Quốc. Thân trải trăm trận bách thắng chống quân Kim, nhưng cuối cùng Nhạc Phi lại bị gian thần Tần Cối (tể tướng thời hoàng đế Tống Cao Tông) bức hại và chết oan ở đình Phong Ba vào năm 1142.
Theo ghi chép trong lịch sử, ngày 29/12 âm lịch năm 1141 (tức 28/1 dương lịch năm 1142), khi khắp nơi ở Nam Tống đều chuẩn bị đón Tết, Nhạc Phi bất ngờ bị Tần Cối (mượn lệnh của hoàng đế Tống Cao Tông) vờ mời đi tắm rồi bị đưa tới phòng hành hình ở Đại lý tự Lâm An. Trên người Nhạc Phi khi đó vẫn đeo một miếng ngọc bội là kỷ vật do người vợ Lý thị tặng cho ông.
Người của Tần Cối đã dùng búa lớn giáng mạnh vào 2 bên sườn khiến Nhạc Phi bị gãy hết xương sườn và nội tạng đều vỡ nát. Sau khi chịu hành hình tàn khốc này, Nhạc Phi bị thổ huyết nhưng chưa chết. Tần Cối sau đó đã bỏ thuốc độc vào chén rượu, sai người giữ chặt Nhạc Phi lại và sai tên đao phủ đổ rượu độc vào miệng của danh tướng nổi tiếng. Sau khi bị ép uống rượu độc, Nhạc Phi vẫn còn chưa chết hẳn. Cuối cùng, Tần Cối lệnh cho đao phủ đem Nhạc Phi đi treo cổ ở đình Phong Ba, thuộc Đại lý tự Lâm An. Khi đó, Nhạc Phi mới thực sự chết hẳn. Ông bị hành hình đến chết, hưởng dương 39 tuổi.
Nhạc Phi bị Tần Cối hại chết bằng cách hành hình đập gãy hết hai bên xương sườn, quả thật còn đáng sợ hơn cả lăng trì. Hành trình giải oan cho Nhạc Phi cũng vô cùng gian nan. Dù rằng sau này ông được khôi phục danh dự, nhưng đó lại là câu chuyện của 20 năm sau khi ông qua đời. Hoàng đế Tống Hiếu Tông đã hạ chỉ minh oan cho Nhạc Phi, đồng thời khôi phục chức quan của ông lúc còn sống.
Hoàng đế Tống Hiếu Tông còn treo thưởng 500 quan bạc trắng cho ai tìm được di hài của Nhạc Phi để chuẩn bị an táng theo lễ. Sau 8 ngày quan phủ dán cáo thị, con trai của Ngỗi Thuận, từng là một viên cai ngục, kể rằng cha người này đã lén chôn cất thi thể của Nhạc Phi để chờ ngày ông được minh oan.
Khi quan phủ tìm được nơi Ngỗi Thuận lén chôn cất Nhạc Phi năm xưa, chân tướng án oan của danh tướng mới được minh bạch.
Hoàng đế Tống Hiếu Tông đã sai người đem hài cốt của Nhạc Phi đi tổ chức an táng ở Tây Hồ thuộc Lâm An (nay là thành phố Hàng Châu, Trung Quốc) bằng nghi lễ dành cho quan nhất phẩm và xây miếu thờ cho ông tại Ngạc Châu, ban hiệu là Trung Liệt.
Ở trước mộ của Nhạc Phi còn hai bức tượng vợ chồng Tần Cối quỳ gối. Hóa ra, vào năm Thành Hóa thứ 11 thời Hoàng đế Minh Hiến Tông (năm 1475), Bố chánh sứ Chiết Giang là Chu Mục muốn thể hiện lòng kính trọng và ngưỡng mộ với Nhạc Phi nên đã trùng tu mộ của ông. Vị quan này cũng cho người dùng sắt đúc nên bức tượng quỳ của vợ chồng Tần Cối. Sau đó, dù hai bức tượng quỳ này bị hư hại những nhiều lần được hậu thế đúc lại, chịu sự phán xét và phỉ nhổ của người đời.
Bài viết tham khảo nguồn: Sohu, Baidu