Đại tướng Lương Tam Quang: Trung tâm dữ liệu quốc gia dự kiến là đơn vị mới thuộc Bộ Công an

Văn Duẩn - Minh Chiến |

Việc xây dựng Luật Dữ liệu nhằm tạo sự thống nhất, đồng bộ, sử dụng hiệu quả dữ liệu phục vụ công tác quản lý nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội.

Chiều 22-10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Đại tướng Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ Công an, đã trình bày tờ trình dự án Luật Dữ liệu. Theo Bộ trưởng Bộ Công an, việc hoàn thiện pháp luật, quy định những chính sách trong phát triển, ứng dụng dữ liệu vào công tác quản lý nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội là yêu cầu rất cấp thiết; tạo điều kiện cho mọi người dân được thụ hưởng lợi ích từ hoạt động chuyển đổi số.

Đại tướng Lương Tam Quang: Trung tâm dữ liệu quốc gia dự kiến là đơn vị mới thuộc Bộ Công an- Ảnh 1.

Đại tướng Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ Công an, trình bày tờ trình trước Quốc hội. Ảnh: Hồ Long

Về cơ sở thực tiễn, Đại tướng Lương Tam Quang cho biết nhiều nước trên thế giới đã có quy định về dữ liệu, vận hành, khai thác, sử dụng dữ liệu (dữ liệu của cơ quan nhà nước, của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân) như: Luật Dữ liệu mở (Hàn Quốc); Luật Quản trị dữ liệu của Châu Âu áp dụng cho 27 nước thành viên Liên minh Châu Âu; Đạo luật dữ liệu Châu Âu áp dụng cho 27 nước thành viên Liên minh Châu Âu…

Việc xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung là xu thế chung của các nước trên thế giới hiện nay, ví dụ như: Đan Mạch, Nhật Bản, Trung Quốc... Do vậy, việc định hướng xây dựng, phát triển Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia với vai trò là trụ cột dữ liệu chính để tạo nền tảng cho phát triển Chính phủ số, thúc đẩy kinh tế số và hình thành xã hội số ở nước ta là rất cần thiết.

Theo Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang, việc xây dựng dự án Luật Dữ liệu nhằm mục đích tạo sự thống nhất, đồng bộ, sử dụng hiệu quả dữ liệu phục vụ công tác quản lý nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, phục vụ phát triển Chính phủ số và cải cách, cắt giảm thủ tục hành chính; phát triển kinh tế - xã hội; phát triển Trung tâm dữ liệu quốc gia.

Với việc phát triển Trung tâm dữ liệu quốc gia, Bộ trưởng Lương Tam Quang cho biết đây sẽ là tiền đề để thúc đẩy quá trình phát triển và đẩy mạnh khai thác các cơ sở dữ liệu quốc gia phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; góp phần thực hiện mục tiêu nâng tầm chiến lược phát triển kinh tế số của Việt Nam theo kịp các quốc gia trên thế giới, bảo đảm điều kiện cho Việt Nam phát triển và hòa nhập với nền kinh tế số của thế giới.

Theo Bộ trưởng Lương Tam Quang, dự thảo luật được xây dựng có 7 chương, trong đó Chương II quy định các nội dung về xây dựng, phát triển, xử lý, quản trị, quản lý dữ liệu; ứng dụng khoa học công nghệ trong xử lý dữ liệu; Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia...

Chương III quy định về nguyên tắc xây dựng, phát triển Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia; thu thập, cập nhật, đồng bộ dữ liệu vào Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia; khai thác và sử dụng Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia; kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia; trách nhiệm cung cấp dữ liệu của cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, cá nhân, tổ chức khác...

Chương IV quy định về xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia; trách nhiệm của Trung tâm dữ liệu quốc gia; đăng ký, cấp tài nguyên hạ tầng Trung tâm dữ liệu quốc gia; nâng cấp, bảo trì, sửa chữa hạ tầng, thiết bị đặt tại Trung tâm dữ liệu quốc gia... Các chương còn lại quy định về sản phẩm, dịch vụ về dữ liệu; tổ chức thực hiện và điều khoản thi thành.

Về phân quyền quản lý nhà nước về dữ liệu, theo dự thảo Luật, Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về dữ liệu, Bộ Công an là cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND tỉnh, thành phố thực hiện quản lý nhà nước về dữ liệu.

Về nguồn lực đảm bảo cho việc thi hành Luật, Đại tướng Lương Tam Quang cho biết việc thành lập Trung tâm dữ liệu quốc gia sẽ do Chính phủ quyết định theo thẩm quyền và dự kiến Trung tâm dữ liệu quốc gia là một đơn vị mới thuộc Bộ Công an.

Trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, dự kiến Trung tâm dữ liệu quốc gia sẽ thu hút, đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ nhân lực thực hiện vận hành, quản trị hệ thống đáp ứng tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế trong quản trị dữ liệu.

Về phía cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết Uỷ ban cơ bản tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Dữ liệu. Về Trung tâm dữ liệu quốc gia, Uỷ ban cơ bản nhất trí với quy định về Trung tâm dữ liệu quốc gia. Có ý kiến đề nghị rà soát, làm rõ hơn về mô hình tổ chức, chức năng, quyền, nghĩa vụ của Trung tâm dữ liệu quốc gia; làm rõ tiến độ, hiệu quả của việc triển khai xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia. Đồng thời, có thêm báo cáo làm rõ các phương án ứng phó, giải quyết những vấn đề có thể phát sinh để tránh nguy cơ trong việc lộ lọt, mất an ninh, an toàn thông tin.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại