Đái tháo đường: Kẻ giết người thầm lặng

BS. Lê Xuân Bách |

Đái tháo đường hay bệnh tiểu đường hiện không còn giới hạn ở các nước giàu có, mà đã trở thành căn bệnh phổ biến trên toàn thế giới, trong đó có nước ta, gây nhiều biến chứng nặng nề, ảnh hưởng đến cuộc sống của người bệnh và xã hội…

Bệnh có tốc độ phát triển rất nhanh

Đái tháo đường là một trong những bệnh không lây nhiễm phổ biến trên toàn cầu, là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ tư hoặc thứ năm ở các nước phát triển và được xem là “đại dịch” ở các nước đang phát triển.

Bệnh có tốc độ phát triển rất nhanh. Theo một thông báo của Hiệp hội Đái tháo đường quốc tế (IDF): Năm 1994 cả thế giới có 110 triệu người mắc bệnh đái tháo đường; năm 1995: 135 triệu người, chiếm tỷ lệ 4,0% dân số toàn cầu; năm 2000 có 151 triệu người và năm 2017 có 425 triệu người (từ 20-79 tuổi) đang sống với bệnh đái tháo đường.

Dự đoán con số này sẽ gia tăng tới khoảng 629 triệu người, hay nói cách khác 1 người trong 10 người lớn sẽ mắc bệnh đái tháo đường vào năm 2045.

Đặc biệt vài thập niên trở lại đây, số người mắc bệnh đái tháo đường ở các quốc gia có thu nhập trung bình tăng lên rõ rệt, trong đó Việt Nam thuộc nhóm có tỷ lệ tăng nhanh nhất.

Năm 2017, Việt Nam có 3,53 triệu người mắc bệnh đái tháo đường tương đương 6% dân số trưởng thành. Cứ 8 người, sẽ có một người trưởng thành ở Việt Nam bị tiền đái tháo đường hoặc đái tháo đường.

Ngành y tế mới quản lý được 28,9%, còn 68,9% số người chưa được phát hiện và có tới hơn 71% số người chưa được điều trị. Dự kiến đến năm 2045 sẽ tăng lên 6,13 triệu người trưởng thành có thể mắc đái tháo đường.

Bệnh có tốc độ phát triển khác nhau phụ thuộc vào trình độ phát triển kinh tế: Tỷ lệ bệnh đái tháo đường tăng nhanh ở các quốc gia có nền kinh tế đang phát triển là do có sự thay đổi nhanh chóng về lối sống, về thói quen ăn uống, nhất là lối sống ít hoạt động thể lực.

Tỷ lệ đái tháo đường typ 2 ở khu vực thành phố cao hơn nông thôn, miền núi. Trình độ văn hoá, kiến thức về vệ sinh ăn uống, tính hợp lý, khoa học trong lựa chọn chế độ ăn, ý thức về khả năng phòng bệnh… ảnh hưởng tới tỷ lệ mắc bệnh.

Đái tháo đường: Kẻ giết người thầm lặng - Ảnh 1.

Kiểm soát đường huyết để phòng và ngừa biến chứng của bệnh đái tháo đường.

Dấu hiệu cảnh báo

Người bệnh nên đến bác sĩ để được khám và chẩn đoán khi thấy xuất hiện các triệu chứng sau: Thường xuyên đi tiểu; cảm thấy khát và đói bụng cho dù vừa ăn xong; sụt cân nhanh bất thường; kiệt sức; choáng váng, hoa mắt; vết thương lâu lành; cảm giác đau nhức, tê tay chân…

Đái tháo đường có thể xảy đến với bất kỳ ai, tuy nhiên những người có yếu tố nguy cơ sau cần lưu ý: Người lười vận động và bị béo phì; người trưởng thành từ 40 tuổi trở lên; người bị tăng huyết áp; có tiền sử bị đái tháo đường trong thai kỳ, có thành viên trong gia đình bị đái tháo đường; phụ nữ bị đa nang buồng trứng; người bị rối loạn mỡ máu…

Xác định yếu tố nguy cơ giúp người bệnh sớm phòng tránh, chẩn đoán và điều trị bệnh đái tháo đường, phòng biến chứng và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Các biến chứng thường rất nặng nề

Nếu không được điều trị tốt, đái tháo đường gây ra nhiều biến chứng có thể làm bệnh nhân tàn phế, thậm chí tử vong.

Biến chứng cấp tính

Do đường huyết tăng cao, có thể gây hôn mê nhiễm cetone hay hôn mê do tăng áp lực thẩm thấu; hoặc do quá liều thuốc, insulin, nhịn đói, kiêng khem quá mức hay do uống nhiều rượu… gây hạ đường huyết. Nếu không được điều trị kịp thời có thể hôn mê và thậm chí tử vong.

Biến chứng mạn tính

Biến chứng tim mạch: Đái tháo đường làm tăng nguy cơ bị nhồi máu cơ tim, đột quỵ, tai biến mạch máu não và mạch máu ngoại biên đưa đến đoạn chi.

Biến chứng mắt: Bệnh lý võng mạc do đái tháo đường là nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa, giảm thị lực.

Biến chứng thận: Là biến chứng mạn tính thường gặp của đái tháo đường, gây bệnh thận giai đoạn cuối, suy thận. Điều trị cần chạy thận nhân tạo hay thẩm phân phúc mạc để duy trì cuộc sống.

Biến chứng thần kinh: Biến chứng thần kinh ngoại biên do đái tháo đường gây mất cảm giác ở chân, tay hay dị cảm, tê, gây đau nhức… là nguy cơ của nhiễm trùng chân đưa đến đoạn chi.

Cách phòng tránh và sống chung với bệnh

Theo khuyến cáo từ Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA), rèn luyện thói quen sống lành mạnh là chiếc chìa khóa vàng, giúp phòng tránh bệnh đái tháo đường nói riêng và các bệnh tim mạch nói chung.

Các phương pháp này rất đơn giản, không tốn kém, không gây đau đớn và ai cũng có thể thực hiện được để đầy lùi căn bệnh mạn tính này.

Đó là: Kiểm soát huyết áp, chế độ dinh dưỡng lành mạnh, cai thuốc lá, giữ cơ thể cân đối, tăng cường rèn luyện thể dục thể thao, nghỉ ngơi thư giãn tinh thần… Cụ thể:

Chế độ ăn uống lành mạnh: Giúp ổn định đường huyết, giảm cân. Chế độ ăn uống là một phần không thể thiếu trong việc điều trị đái tháo đường.

Người bệnh hạn chế thức ăn nhiều tinh bột, dầu mỡ, bỏ hút thuốc lá…, nên ăn nhiều rau tươi, trái cây, tránh kiêng khem quá mức dễ dẫn tới suy dinh dưỡng.

Đái tháo đường: Kẻ giết người thầm lặng - Ảnh 2.

Tập luyện thể lực: Giúp giảm cân, hạ đường huyết, giảm đề kháng insulin, hạ huyết áp, tăng sức cơ… Mỗi ngày nên đi bộ ít nhất 30 phút, 5 ngày trong một tuần.

Đái tháo đường là căn bệnh mạn tính xảy ra khi: Tuyến tụy không sản sinh đủ insulin cần thiết cho cơ thể; tế bào mất khả năng sử dụng insulin có sẵn trong cơ thể.

Trong cả hai trường hợp, lượng glucose máu không được hấp thụ sẽ dần tích tụ trong máu, dẫn đến các biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe. Tế bào thần kinh và hệ động mạch là hai bộ phận bị tổn thương nhiều nhất do đái tháo đường.

Uống thuốc đều đặn: Khi tập thể dục, chế độ ăn không hạ được đường huyết, người bệnh cần uống thuốc hay tiêm insulin theo chỉ định của bác sĩ.

Cần uống thuốc đều đặn, đúng giờ. Tuyệt đối không được bỏ thuốc và tái khám định kỳ.

Theo dõi điều trị: Người bệnh cần kiểm tra thường xuyên lượng đường trong máu.

Mỗi 3 tháng kiểm tra HbA1c (xét nghiệm giúp kiểm tra đường huyết trung bình) 1 lần; xét nghiệm mỡ máu, chức năng gan, thận mỗi 6 tháng/lần; kiểm tra huyết áp mỗi lần khám bệnh; khám mắt định kỳ hàng năm; tự khám chân hàng ngày và tham gia các câu lạc bộ đái tháo đường…

Hiện nay ở nước ta, để quản lý và điều trị đái tháo đường hiệu quả, thì việc tăng cường năng lực cho y tế cơ sở là một trong những mục tiêu quan trọng của ngành y tế.

Mục tiêu của Việt Nam là đến năm 2019, 100% trạm y tế được đào tạo điều trị, quản lý tăng huyết áp và đái tháo đường; đến năm 2020, ít nhất 40% trạm y tế điều trị, quản lý đái tháo đường. Cả nước đang có hơn 11.000 trạm y tế xã, phường, thị trấn, thôn, bản…

Đây là mạng lưới y tế cơ sở trực tiếp gần người dân nhất và được kỳ vọng với vai trò là tuyến đầu trong phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe cũng như sàng lọc, phát hiện sớm và kiểm soát bệnh tật; giảm chi phí đi lại và chi phí của người bệnh, giảm tải bệnh viện tuyến trên.

Nếu phát huy hiệu quả vai trò quản lý đái tháo đường tại hơn 11 nghìn trạm y tế xã này, Việt Nam sẽ sớm đạt được mục tiêu quản lý điều trị bệnh đái tháo đường.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại