Nguyễn Văn Thịnh (Hà Nam)
Thống kê cho thấy, có tới 60% người bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) bị mắc chứng táo bón. Đây là hệ quả của biến chứng thần kinh tự chủ do bệnh ĐTĐ.
Khi đường huyết tăng cao làm giảm hàm lượng nước trong ruột, đồng thời gây tổn thương hệ thần kinh tự chủ làm chậm trống rỗng dạ dày, giảm nhu động ruột và dẫn đến tình trạng táo bón ở người bệnh.
Táo bón kéo dài sẽ khiến người bệnh mệt mỏi, khó chịu, ăn ngủ không ngon, luôn có cảm giác đầy tức bụng, suy nhược cơ thể... do khí và phân tích đọng tại ruột không bài tiết ra ngoài được.
Mặt khác, các chất độc trong phân như phenol, idol, ammonia...được tạo ra trong trong quá trình tiêu hóa thức ăn bởi các vi khuẩn yếm khí, khi tích tụ lâu trong ruột sẽ được hấp thu vào máu và phân bố đến các cơ quan, nội tạng trong cơ thể gây ngộ độc mạn tính.
Người bệnh luôn cảm thấy bực bội, khó chịu, hay cáu gắt, mất tập trung và có thể suy giảm sức khỏe do nhiễm độc như da tái xanh, môi nhợt nhạt, móng tay lợt. Bên cạnh đó, nó còn làm ruột già bị suy yếu, giãn ra, có nguy cơ thủng, rách ruột, gây chảy máu và nhiễm trùng đường tiêu hóa.
Đặc biệt đối với người bệnh ĐTĐ, táo bón khiến người bệnh không muốn ăn, giảm hấp thu nên có thể gây tình trạng hạ đường huyết, đồng thời cũng có thể gây biến chứng nhiễm toan ceton do tích tụ ammonia hay nhiễm khuẩn tiêu hóa.
Bác nên đi khám để có lời khuyên về cách khắc phục tình trạng táo bón, không nên để kéo dài.