Ở vòng loại U20 châu Á 2025, U20 Việt Nam thuộc bảng A. Chúng ta là chủ nhà và cục diện bảng đấu không quá khó. Các đối thủ còn lại của U20 Việt Nam là U20 Syria, U20 Guam, U20 Bhutan và U20 Bangladesh.
Nếu U20 Syria là đội bóng mạnh, ứng viên hàng đầu cho vị trí số một bảng đấu thì U20 Việt Nam hoặc có thể ngấp nghé ngôi đầu, nếu không chí ít cũng đứng vững vị trí số hai.
Nếu U20 Việt Nam có thể đứng đầu bảng, chúng ta nghiễm nhiên có một suất chính thức dự VCK tại Trung Quốc. Còn nếu chỉ đứng hạng nhì, U20 Việt Nam sẽ cần cạnh tranh là 1 trong 5 đội nhì bảng xuất sắc nhất trên tổng 10.
Ở khía cạnh này, cục diện bảng A sẽ mang tới nhiều ưu thế cho U20 Việt Nam. Ngoài Syria, Bhutan, Guam và Bangladesh đều khá yếu, yếu hơn hẳn U20 Việt Nam. Một ví dụ trực quan là ở loạt đấu đầu tiên, Bhutan hòa Guam 1-1, sau đó Bhutan thua Việt Nam 0-5. Bangladesh thì cũng thua Syria 0-4 ở trận đầu.
Sẽ không quá bất ngờ nếu sau khi U20 Việt Nam thắng Bhutan 5-0, đội sẽ tiếp tục thắng đậm Guam và Bangladesh. Đấy là mấu chốt rất quan trọng để U20 Việt Nam cạnh tranh vị trí nhì bảng xuất sắc nhất. Dĩ nhiên, nếu U20 Việt Nam có thể hòa Syria thì càng tốt.
Ở những bảng đấu khác, mọi thứ diễn ra khó khăn hơn không ít.
Bảng B, Uzbekistan mạnh vượt trội. Bốn đội còn lại là Campuchia, Bahrain, Nepal và Đài Bắc Trung Hoa sẽ cạnh tranh vị trí nhì bảng mà khó lòng có cái tên nào vượt trội hoàn toàn để tạo ra hiệu số lớn.
Bảng C cũng là một cuộc chiến khó khăn cho các đội tham dự. UAE, Hàn Quốc có thể là ứng viên sáng giá cho hai vị trí đầu nhưng các cái tên như Kuwait, Lebanon cũng đáng gờm (còn Northern Mariana Islands có lẽ chỉ để “làm nền”).
Câu chuyện tương tự với bảng D, gồm Australia, Saudi Arabia, Afghanistan, Macau và Palestine, vị trí nhì bảng cũng rất khó tạo ra ưu thế lớn về mặt điểm số hay hiệu số.
Tại bảng E, sự xuất sắc của Malaysia, với 4 điểm sau 2 trận càng khiến cục diện khó lường. Triều Tiên, Tajikistan, Oman đều mạnh (Sri Lanka sẽ chỉ để “lót đường”) nên vị trí nhì bảng sẽ cạnh tranh rất quyết liệt và sít sao.
Với bảng F, mọi thứ có thể nhẹ nhàng hơn, khi gồm Indonesia, Yemen, Đông Timor và Maldives. Đây sẽ là bảng đấu có thể xuất hiện một đội nhì bảng đạt chỉ số tốt để cạnh tranh vé vớt.
Bảng G, với Iran độc tôn, còn Ấn Độ, Mông Cổ và Lào sẽ cần tìm ra 1 đội nhì bảng để cạnh tranh vé vớt nhưng cũng không dễ dàng đạt chỉ số tối ưu.
Bảng H, Iraq và Thái Lan sẽ cạnh tranh vị trí đầu, còn Philippines và Brunei khó lòng có vé đi tiếp. Vị trí nhì bảng này khả năng cũng sẽ đạt các chỉ số tốt.
Bảng J cũng sẽ có thể tạo ra một cái tên nhì bảng tốt, khi gồm Nhật Bản, Kyrgyzstan, Myanmar và Turkmenistan.
Cuối cùng, bảng J với Jordan, Qatar, Singapore và Hong Kong cũng có thể tìm ra một đội nhì bảng tốt.
Như vậy, cơ hội của U20 Việt Nam là có, ngay cả khi chúng ta không thể đứng đầu bảng A. Trong trường hợp tệ nhất, U20 Việt Nam cũng cần thắng đậm 3 đối thủ yếu, trong khi thua càng ít bàn càng tốt trước Syria (nếu hòa thì rất sáng cửa có vé vớt, thậm chí cạnh tranh ngôi đầu bảng).
Bước đầu tiên thầy trò HLV Hứa Hiền Vinh đã đạt yêu cầu khi thắng Bhutan 5-0. Giờ là lúc hướng về trận gặp Guam lúc 19h00 ngày 25/9.