Đại tá Tư Cang nói về công lao của huyền thoại tình báo Mười Hương

Huy Thịnh |

Theo đại tá Nguyễn Văn Tàu (bí danh Tư Cang), công lao lớn nhất của huyền thoại tình báo Trần Quốc Hương (bí danh Mười Hương) là việc phát hiện và đào tạo nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn, người được thế giới đánh giá có năng lực hoạt động tình báo ngang tầm quốc tế.

Đại tá Nguyễn Văn Tàu nhớ lại: “Có ông Phạm Xuân Ẩn làm nòng cốt trong cụm tình báo H.63 nên cuối năm 1971, cụm H.63 được tuyên dương Anh hùng.

Thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn, nữ điệp viên Tám Thảo, nữ giao liên Nguyễn Thị Ba (bí danh Long An) và tôi là Cụm trưởng được phong Anh hùng. Công lớn thuộc về ông Phạm Xuân Ẩn. Ông Ẩn do ông Mười Hương phát hiện, bồi dưỡng và đưa đi Mỹ học, sau này làm nên sự nghiệp lẫy lừng.

Phải nói là ông Mười Hương rất giỏi. Không có ông Mười Hương sẽ không có Phạm Xuân Ẩn và nếu không có ông Ẩn thì cụm H.63 nhỏ bé không thể có đến 4 người được phong Anh hùng”, ông Tư Cang trao đổi với PV Tiền Phong.

Đại tá Tư Cang nói về công lao của huyền thoại tình báo Mười Hương - Ảnh 1.

Bà Tám Thảo tại lễ viếng ông Mười Hương


Ông Trần Quốc Hương (tên thật là Trần Ngọc Ban, có bí danh là Mười Hương), sinh năm 1924, quê xã Vụ Bản, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam.

Khi mới 14, 15 tuổi, ông đã tích cực tham gia phong trào Thanh niên dân chủ. Học hết lớp nhất tại trường Tiểu học Phủ Lý, ông chuyển lên Hà Nội nhập học ở trường dòng phố Nhà Chung. Thời gian này ông đổi tên là Hương (sau này, khi vào Nam công tác mới được gọi là Mười Hương), nhiệt tình tham gia phong trào Hướng đạo và Hội truyền bá quốc ngữ.

Ông gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1943. Ông từng làm việc bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và các nhà lãnh đạo cách mạng nước ta: Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng, Lê Văn Lương, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Chí Thanh... từng bị tù đày trong nhà tù thực dân Pháp và chính quyền Việt Nam cộng hòa.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông Trần Quốc Hương là nhà tình báo chiến lược xuất sắc, chỉ huy mạng lưới tình báo miền Nam, là cấp trên trực tiếp của những nhà tình báo huyền thoại như: Vũ Ngọc Nhạ, Lê Hữu Thúy, Phạm Ngọc Thảo, Phạm Xuân Ẩn.

Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ông lần lượt đảm nhiệm các chức vụ: Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Phó Bí thư Thành ủy TPHCM; Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội; Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch; Trưởng Ban Nội chính Trung ương.

Ông là Ủy viên Trung ương Đảng các khóa: IV, V, VI; Bí thư Trung ương Đảng khóa VI.

Trên 80 năm hoạt động cách mạng, ông Trần Quốc Hương đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc. Ông đã được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Sao vàng, Huân chương Quân công hạng nhất; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất; Huy hiệu 75 năm tuổi đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác.

Đại tá Tư Cang nói về công lao của huyền thoại tình báo Mười Hương - Ảnh 3.

Ông Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương đến thăm ông Trần Quốc Hương. Ảnh Ban Nội chính Trung ương.


Sau một thời gian lâm bệnh nặng, mặc dù đã được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sĩ và gia đình tận tình chăm sóc, cứu chữa, song do tuổi cao, sức yếu, ông Trần Quốc Hương đã từ trần vào sáng ngày 11/6/2020 tại Bệnh viện Thống Nhất (TPHCM), hưởng thọ 97 tuổi.

Để tỏ lòng thương tiếc và ghi nhận những thành tích, cống hiến của ông Trần Quốc Hương, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quyết định tổ chức lễ tang ông Trần Quốc Hương với nghi thức Lễ tang cấp Nhà nước.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại