"Nền văn minh của người Việt khiến tôi kính trọng"
"Tên tôi là Jacques Allaire. Tôi là đại tá lính dù đã nghỉ hưu. Tôi đã nhảy dù 2 lần xuống Điện Biên Phủ. Ngày 20/11/1953 để chiếm lấy cứ điểm này và ngày 16/3/1954 để chứng kiến trận địa này bị đánh mất khỏi tay người Pháp chúng tôi."
Được nhiều người Việt Nam biết đến là một trong những cựu chiến binh Pháp "nặng lòng với Việt Nam", Đại tá Jacques Allaire đã trở lại Việt Nam 7 lần sau khi chiến tranh kết thúc, trong đó 1 lần với vai trò cố vấn cho bộ phim “Ðiện Biên Phủ” của đạo diễn Pierre Schoendoerffer.
Tháng 11 năm 2018, ông cùng đoàn của Thủ tướng Pháp thời điểm đó là ông Edouard Philippe tới thăm Việt Nam, thăm lại chiến trường Điện Biên Phủ. Trở về sau chuyến thăm, ông có bài chia sẻ với tờ tạp chí Valeurs Actuelles (Pháp) về những cảm xúc của mình đối với Việt Nam trong suốt chuyến đi.
"Vào cuối tháng 10 năm 2017, Tướng Benoit Durieux - người đứng đầu văn phòng quân sự của Thủ tướng Pháp Edouard Philippe - đã liên lạc với tôi. Ông ấy nói với tôi rằng Thủ tướng muốn đến trận địa Điện Biên Phủ trong chuyến thăm Việt Nam, và ông ấy muốn có các cựu chiến binh đi cùng.
Ngày khởi hành chuyến bay, Thủ tướng Edouard Philippe đã tới chào chúng tôi, ông ấy cảm ơn tôi vì đã có mặt ở đây, làm nhân chứng cho trận chiến này.
Chúng tôi đáp xuống Hà Nội. Khi tôi bước xuống máy bay, trái tim tôi chùng xuống. Chúng tôi ở khách sạn Metropole. Hà Nội thật tuyệt vời. Việt Nam đã tốt đẹp hơn, phát triển hơn nhiều.
Người Việt Nam dũng cảm và thông minh. Nền văn minh của họ khiến cho tôi kính trọng. Tôi được chào đón bằng nụ cười thường trực trên môi. Tôi đã chiến đấu với ông bà của họ mà họ vẫn chào đón chúng tôi tuyệt vời như vậy," Đại tá Jacques Allaire chia sẻ với tờ Valeurs Actuelles.
Hai lần nhảy dù xuống Điện Biên Phủ
Đại tá Jacques Allaire là nhân chứng quý giá trong trận chiến định đoạt số phận Đông Dương năm 1954.
Một nửa khu vực do ông chỉ huy đã thất thủ. Ông gần như biết tất cả về Điện Biên Phủ, từ "bình minh" huy hoàng của người Pháp ở đây đến "hoàng hôn" thảm khốc, báo Liberation (Pháp) nhận định.
Đại tá Jacques Allaire đã ở Đông Dương được 6 năm trước lần đầu tiên nhảy dù tới Điện Biên Phủ. Lần đầu tiên ông có mặt ở chiến trường Việt Nam là qua chiến dịch Castor được quân Pháp phát động ngày 20/11/1953 nhằm chặn đường đi của lực lượng Việt Minh sang Lào.
Ông nhớ lại: "Chúng tôi nhảy dù xuống Việt Nam. Khi đáp xuống tới nơi, trời còn tối. Chúng tôi thấy mình như 'ông chủ' của khu vực này." Cuộc không vận của Pháp bắt đầu.
Thế nhưng, "ngày 16/3/1954, tôi lại nhảy dù xuống Việt Nam một lần nữa". Allaire nhớ lại đêm trước chuyến bay. Ông đã nói chuyện với đơn vị của mình: "Tôi nhìn thấy cách chúng ta rời Pháp nhưng không nhìn thấy đường chúng ta trở lại."
Nỗi sợ hãi của viên Đại tá là hoàn toàn có cơ sở, tờ Liberation đánh giá. Trước đó 3 ngày - tức ngày 13/3/1954, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam, Chỉ huy trưởng Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra lệnh động viên toàn thể cán bộ và chiến sĩ trên chiến trường toàn quốc chiến đấu phối hợp với Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Hỏa lực và pháo binh của Việt Minh dày đặc. Sáng ngày 16/3/1954, đơn vị của ông Allaire nhảy dù xuống phía Nam Trung tâm đề kháng đồi A (Pháp gọi là Eliane).
"Đó là một cái lò nung. Là địa ngục. Việt Minh tấn công ở khắp nơi. Vừa mới đáp xuống mặt đất, chúng tôi đã phải đối mặt với một cuộc tấn công. Quân Việt Minh rất đông. Chúng tôi bắt đầu trận chiến ở đồi A1," ông Allaire kể lại.
Việt Minh được "lý tưởng dẫn dắt"
Trên đồi A1, Allaire - thuộc tiểu đoàn của tướng Marcel Bigeard - chịu trách nhiệm chỉ huy và điều tiết hỏa lực, đặc biệt là các khẩu pháo không giật 75mm, 4 súng cối 81mm và một số súng cối 60mm nhằm hạ gục pháo binh Việt Nam đang chiếm ưu thế ở khu vực. Nguồn cung của Pháp lúc này lại khan hiếm.
"Người Việt có lợi thế hơn chúng tôi. Trên hết, bộ đội Việt Minh được 'lý tưởng dẫn dắt'. Các ủy viên chính trị của họ không hề e ngại. Họ tích cực chiến đấu. Còn chúng tôi lại chuẩn bị để lên thiên đàng," Đại tá Allaire nhớ lại. Ngay từ tháng 11/1953, Jacques Allaire đã hiểu rằng trận chiến đấu của Pháp có khởi đầu tồi tệ.
"Tôi thấy rằng vị trí của chúng tôi bị thu hẹp: chúng tôi chỉ mang tính phòng thủ trên danh nghĩa còn thực tế Pháp không có lớp phòng thủ."
Quân Pháp lần lượt thua ở các cứ điểm. Vào ngày 7/5/1954, Jacques Allaire thấy mình "đơn độc" trên cứ điểm với 15 người đồng đội khác. Ông không thể liên lạc qua vô tuyến với cấp trên hoặc đồng đội của mình. Cuối cùng, ông ấy cũng gặp được người chỉ huy Marcel Bigeard chiều hôm đó.
"Bigeard, tôi nên bắn hay thôi?" - ông Allaire hỏi.
"Allaire, mọi chuyện xong rồi. Có lệnh ngừng bắn lúc 5h chiều."
17h ngày 7/5/1954, lệnh ngừng bắn được thực hiện ở trận địa Điện Biên Phủ với thắng lợi thuộc về lực lượng Việt Minh, quân Pháp đầu hàng.
Sau 56 ngày đêm chiến đấu liên tục, 17h30 ngày 7/5/1954, lá cờ "Quyết chiến quyết thắng" của bộ đội Việt Nam tự hào bay trên nóc hầm De Castries, đặt dấu chấm hết cho Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Cũng trong chiều ngày hôm ấy, lực lượng Việt Minh đã bắt sống tướng chỉ huy quân đội Pháp tại Điện Biên Phủ De Castries.
Chiến dịch Điện Biên Phủ đã loại khỏi vòng chiến đấu lượng lớn sinh lực và phương tiện chiến tranh của Pháp, giải phóng địa bàn có ý nghĩa chiến lược, giáng một đòn quyết định vào ý chí xâm lược của thực dân Pháp, xoay chuyển cục diện chiến tranh, tạo điều kiện thuận lợi cho đấu tranh ngoại giao của ta đi tới kết thúc chiến tranh. Chiến thắng Điện Biên Phủ trở thành “cột mốc vàng” của lịch sử dân tộc Việt Nam, niềm tự hào của dân tộc và phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới.
"Trí thông minh của họ vượt trội chúng tôi"
Sau ngày 7/5/1954, ngay sau khi quân Pháp thất thủ ở Điện Biên Phủ, hàng ngàn tù binh được di chuyển từ Điện Biên về xuôi để chờ ngày bàn giao cho người Pháp.
Đại tá Jacques Allaire kể lại hành trình làm tù binh của mình: "Những lính Pháp còn sống như chúng tôi bị bắt làm tù binh, phải di chuyển về các trại tù. Việc di chuyển khéo dài hơn 1 tháng. Tôi nghĩ đến vợ và hai đứa con của mình. Tôi nhìn thấy họ ở phía cuối đường tôi đi, nên tôi cứ thế tiến về phía trước," ông Allaire nhớ lại.
Đại tá Pháp thừa nhận: "Càng hùng mạnh, người ta càng coi thường đối thủ. Nhưng chúng tôi, trên thực địa đã biết rằng, người Việt Nam can đảm và tài giỏi. Trí thông minh của họ vượt trội chúng tôi."
"Bị bắt làm tù binh sau trận Điện Biên Phủ, tôi đi bộ từ 500-700km xuyên đất nước và tới Trại số 1, ở đó 3 tháng rưỡi. Tôi không hề có ác cảm với những người Việt Minh. Tôi đã nghĩ mình sẽ cư xử thế nào ở vị trí của họ? Tôi chưa bị ai hạ nhục, chưa bao giờ bị lấy đi bát cơm. Họ (Việt Minh) bước đi giống như chúng tôi."
Trả lời trên tờ Dân Trí năm 2014, ông Allaire nhớ lại quãng thời gian làm tù binh sau thất bại ở trận Điện Biên Phủ: "Đúng là bị bắt làm tù binh là điều không vẻ vang gì đối với một người lính gắn cả đời binh nghiệp như tôi và đã có nhiều lúc tôi nghĩ đến việc kết liễu cuộc đời. Nhưng kể từ khi bị bắt làm tù binh, tôi có cái nhìn thông hiểu hơn về đối thủ của mình. Tôi hiểu và tôn trọng họ, những người đã chiến đấu hết mình vì độc lập dân tộc."
Khi trả lời báo chí trên Ðồi A1 về cảm xúc trong chuyến trở lại Việt Nam năm 2018, ông Allaire nói: “Ký ức về thất bại của quân đội Pháp ở đây không phải điều đáng tự hào để nhắc lại, nhưng có thể nói, sau cuộc chiến, chúng tôi luôn tôn trọng những người lính Việt Nam, đặc biệt là ngưỡng mộ tài cầm quân của ngài Ðại tướng Võ Nguyên Giáp”.
"Lãnh sự quán thật tráng lệ"
"Thứ Bảy ngày 3/11/2018, lúc 11 giờ 10, chúng tôi khởi hành từ Hà Nội đi Điện Biên Phủ. Chúng tôi đi ngang qua nghĩa trang Việt Nam, chúng tôi cúi chào người đã khuất. Sau đó chúng tôi đến tấm bia được dựng lên để tưởng nhớ những người lính Pháp đã ngã xuống ở đây...
Thời gian lưu trú kết thúc, chúng tôi có mặt tại Thành phố Hồ Chí Minh. Tiệc chiêu đãi chúng tôi diễn ra tại Lãnh sự quán Pháp ở Việt Nam. Lãnh sự quán thật tráng lệ. Đó là nơi tuyệt vời," Đại tá Jacques Allaire kể lại với tờ Valeurs Actuelles những cảm xúc ở Việt Nam trong chuyến thăm năm 2018.
Kết thúc chuyến trở lại Chiến trường Điện Biên Phủ năm 2018 khi ấy, ông Jacques Allaire nói rằng mình không chắc chắn là sẽ có cơ hội trở lại Ðiện Biên Phủ thêm lần nữa. Tháng 4 năm 2022, ông qua đời ở tuổi 98, tại Thành phố Tours, cách thủ đô Paris khoảng 250km.
Chuyến thăm Điện Biên Phủ năm 2018 là chuyến thăm chiến trường cũ cuối cùng của một cựu binh Pháp "nặng lòng" với Việt Nam.