Trước hết khi viết bài này tôi phải nói thẳng quan điểm của mình là tôi không ủng hộ chiến tranh, phản đối sử dụng vũ khí hóa học, nhưng cũng cực lực phản đối những quốc gia viện cớ chưa rõ ràng, phớt lờ quyết định của Liên Hợp Quốc (LHQ) để tấn công một quốc gia khác có chủ quyền.
Đây là một tiền lệ rất xấu trong quan hệ quốc tế, phản ánh sự bất lực của (LHQ) và là bài học cảnh giác cho những nước yếu.
Về quy mô và hậu quả của cuộc tấn công do liên minh 3 nước Mỹ - Anh - Pháp phát động nhằm vào Syria ngày 14/4 vừa qua thì truyền thông cả hai phía đều cho là mình thắng, nhưng thực tế có phải như thế không?
Ta hãy xem qua các con số được công bố. Số tên lửa tấn công hai bên đưa ra: Mỹ nói là 105 quả, Nga nói là 103, khác biệt không đáng kể.
Mỹ cho rằng không có quả tên lửa nào của liên quân bị bắn hạ, còn Syria lúc đầu nói là 20, sau đó Nga và Syria thống nhất công bố là 71. Con số này thật sự ấn tượng vì hiệu suất tiêu diệt mục tiêu cao ngoài sức tưởng tượng.
Truyền thông Mỹ còn nêu là Nga và Syria chỉ bắn được tên lửa cũ là những quả Tomahawk phóng từ tàu còn những tên lửa mới phóng từ máy bay thì không tiêu diệt được. Truyền thông Nga không phản ứng gì.
Bầu trời Damascus sáng rực tên lửa phòng không trong đêm liên quân tấn công Syria. Ảnh: AP
Khí tài phòng không hoạt động như thế nào?
Tôi xin nói qua một chút về khí tài phòng không hiện đại. Mỗi một bộ khí tài khi thiết kế ra là nhằm để đánh chặn một số mục tiêu nhất định. Khí tài đánh tầm xa, đánh tầm cao là chủ yếu dành để đánh mục tiêu tầm xa và tầm cao.
Nếu đưa nó để đánh mục tiêu tầm thấp thì nó không đánh được hay đánh với hiệu quả rất thấp và những nhà quân sự không bao giờ làm điều đó trừ phi bắn vu vơ để trấn an tinh thần.
Vùng tác chiến của khí tài phòng không, như tên lửa chẳng hạn, ta có thể hình dung như một hình bình hành nằm nghiêng. Tại sao lại như vậy? Vì ở cự ly gần, khi tên lửa vừa được phóng lên không thể bẻ quỹ đạo xuống thấp ngay được mà nó chỉ có thể tấn công mục tiêu ở độ cao tương đối.
Còn ở cự ly xa, tên lửa có thể tấn công mục tiêu bay thấp ở một độ cao hạn chế nào đó nhưng lại không thể tấn công mục tiêu quá cao vì bị hạn chế về cự ly.
Ngoài ra, quỹ đạo của tên lửa khi tấn công mục tiêu phải là quỹ đạo cong. Nếu ta nhìn lên bầu trời ban đêm mà thấy đạn tên lửa bay thẳng và thậm chí hơi thẳng thì đó là tên lửa bắn vu vơ mất điều khiển.
Việc tác chiến bằng tên lửa phòng không là phải làm sao điều khiển cho quỹ đạo tên lửa tiệm cận được quỹ đạo mục tiêu và khi khoảng cách đến mục tiêu đủ gần để có thể sát thương thì kích nổ tên lửa để hủy diệt mục tiêu. Hầu như không có chuyện tên lửa bắn xuyên táo mục tiêu.
Ta có thể hình dung tên lửa truy sát mục tiêu như chó đuổi mèo. Khi mèo thấy chó thì nó chạy. Dù mèo có chạy theo đường thẳng thì chó vẫn phải chạy theo đường cong vì chó luôn hướng về mèo nhưng khi chó hướng về mèo thì mèo lại không ở đó nữa nên chó luôn phải chỉnh quỹ đạo. Kết quả là quỹ đạo của chó phải uốn cong để tiệm cận quỹ đạo mèo!
Syria đã sử dụng những tổ hợp tên lửa nào đáp trả?
Bây giờ ta xem xét cụ thể từng tổ hợp mà theo truyền thông đại chúng nói là Syria đã sử dụng để bắn hạ Tomahawk.
1) Hai tổ hợp tên lửa phòng không S-125 và S-200
Đây là những tổ hợp được Liên Xô đưa vào trang bị ở những năm 60. Mặc dù vậy, tính năng chiến đấu của chúng rất cao nên vẫn được nhiều nước sử dụng trong biên chế chiến đấu.
Tổ hợp này dùng để đánh máy bay tầm trung và tầm cao. Nếu như chúng phát hiện được Tomahawk bay ở cự ly gần thì chúng cũng không thể tiêu diệt được vì Tomahawk bay ở độ cao cỡ 200 m hay thấp hơn thì khi tên lửa vừa phóng ra đã vượt xa độ cao đó và không tài nào bẻ ngay quỹ đạo quay xuống để bám mục tiêu được.
Về mặt lý thuyết thì có thể bắn mục tiêu bay thấp ở cự ly xa, nhưng vì mục tiêu bay quá thấp nên radar không trông thấy và cũng không thể điều khiển tên lửa của mình xuống quá thấp.
Như vậy, nếu dùng các tổ hợp trên để bắn Tomahawk thì chỉ phí đạn, xác suất tiêu diệt mục tiêu bằng không. Bởi thế nên xung quanh các trận địa tên lửa người ta phải bố trí các pháo phòng không tầm thấp như 12 ly 7.
Tổ hợp tên lửa phòng không S-125. Ảnh: Sputnik
2) Tổ hợp tên lửa Buk-M2
Đây là tổ hợp khá hiện đại của Liên Xô được đưa vào trang bị ở những năm 1970. Hệ thống này được trang bị trên xe nên độ cơ động rất cao. Nó được thiết kế để đánh máy bay tầm thấp và tầm trung, trang bị cho phòng không của bộ binh.
Nhưng cũng như đã phân tích, nếu nó phát hiện được Tomahawk ở cự ly gần thì nó cũng không tác chiến được. Còn nếu Tomahawk còn ở xa thì nó không tài nào phát hiện được vì radar của nó được đặt trên xe nên rất thấp và tầm phát hiện bị hạn chế. Tóm lại, xác suất để Buk tiêu diệt Tomahawk gần bằng không!
3) Tổ hợp tên lửa Osa
Đây là hệ thống tên lửa rất hiện đại được Liên Xô đưa vào trang bị đầu những năm 1980. Tổ hợp này lần đầu tiên đã tích hợp radar và bệ phóng tên lửa trên cùng một xe. Nó có độ cơ động rất cao, dùng để tấn công máy bay tầm thấp và tầm trung.
Nhưng vì radar lắp trên xe nên việc phát hiện thiết bị bay bay thấp rất hạn chế. Khả năng bám bắt và tiêu diệt Tomahawk gần như bằng không.
4) Tổ hợp tên lửa Kvadrat
Tổ hợp này được Liên Xô đưa vào trang bị ở những năm 1960. Nó còn có tên gọi là Kub. Tính năng kỹ chiến thuật của nó khá tốt. Tổ hợp là cha đẻ của Buk-M2 nên nó cũng không thể vượt trội hơn Buk và khả năng tiêu diệt Tomahawk gần bằng zero.
5) Tổ hợp tên lửa phòng không tầm thấp Strela-10
Đây là tổ hợp tên lửa tầm thấp được Liên Xô đưa vào trang bị ở những năm 1970. Nó có đầu tự dẫn hồng ngoại nhưng không được nhạy như các đàn em của nó. Tên lửa được dùng để bắn máy bay bay thấp.
Nhưng nếu bay quá thấp như Tomahawk, về mặt lý thuyết thì nó có thể bắn được, nhưng trên thực tế cũng rất khó khăn vì tốc độ góc của mục tiêu quá lớn nên đầu tự dẫn không thể bám được. (Tốc độ góc là tốc độ mục tiêu chia cho cự ly từ trắc thủ đến mục tiêu).
Nếu muốn có tốc độ góc nhỏ thì cự ly phải xa, mà cự ly xa thì xạ thủ không thấy mục tiêu để hướng đầu tự dẫn vào. Tóm lại, xác suất tiêu diệt mục tiêu cũng gần bằng không.
Hệ thống tên lửa phòng không Buk-M1. Ảnh: Sputnik
6) Tổ hợp pháo - tên lửa phòng không Pantsir-S1
Đây là tổ hợp cực kỳ hiện đại. Nó được Nga trang bị vào năm 2003, được tích hợp cả radar tên lửa và pháo phòng không tầm thấp trên cùng một xe. Tên lửa chính là sát thủ của những mục tiêu bay thấp.
Nhưng nếu bay cực thấp như Tomahawk thì tên lửa của nó hầu như mất tác dụng, chỉ có pháo phòng không tầm thấp của nó là có thể hủy diệt Tomahawk.
Nhưng lạ thay, trong công bố chính thức thì pháo của Pantsir không khai hoả. Như vậy không hiểu nó tiêu diệt Tomahawk kiểu gì?
Tóm lại, nếu như những lượng phòng không của Syria như liệt kê đã tham gia đánh trả Tomahawk thì xác suất tiêu diệt mục tiêu gần bằng không.
Nhưng nếu đúng là Syria đã tiêu diệt được 71 tên lửa hay ít hơn một chút thì có mấy khả năng xảy xa:
- Tên lửa hành trình Tomahawk bay không đúng như khả năng của nó và bay quá cao nên dễ làm mục tiêu cho tên lửa;
- Hệ thống súng - pháo phòng không tầm thấp có tham gia vào đánh chặn Tomahawk nhưng không được liệt kê vào bảng thành tích;
- Tomahawk bị tiêu diệt bằng phương tiện khác mà người ta còn chưa muốn nêu ra;
Với hệ thống phòng không như trên của Syria thì không quân của đối phương hãy coi chừng. Nhưng để đánh mục tiêu bay cực thấp thì nên tham khảo kinh nghiệm của Việt nam.
Tổ hợp Pantsir-S1 trổ tài diệt mục tiêu