Theo lời giới thiệu của Thượng tướng Phạm Thanh Ngân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, sáng 23-9, chúng tôi đến Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 tìm gặp Đại tá, phi công Mai Đức Toại, nguyên Phó tư lệnh Quân chủng Không quân, nay là Quân chủng Phòng không-Không quân (PK-KQ), một trong những cán bộ và là đồng đội của Anh hùng LLVT nhân dân, Đại tá, phi công Nguyễn Văn Bảy.
Trong căn phòng điều trị số 5, tầng 9, Khoa Nội tổng hợp, ông Mai Đức Toại năm nay đã 89 tuổi, nhưng người biên đội trưởng năm xưa vẫn minh mẫn và nhớ từng chi tiết khi kể về phi công Nguyễn Văn Bảy.
Nhắc đến người đồng đội vừa từ trần, giọng ông Toại chùng xuống: “Tôi và Bảy biết nhau từ khi trúng tuyển phi công, rồi đi học lái máy bay MiG-17 tại Trung Quốc cho đến sau này về nước (năm 1965), gắn bó cùng một biên đội ở Sư đoàn Không quân 371. Bảy cao lớn, khỏe mạnh, tính tình hiền hậu nhưng khi chiến đấu là một phi công mưu trí, dũng cảm, linh hoạt nên được anh em trong đơn vị quý mến và nể phục…”.
Những ký ức về một thời oanh liệt qua lời kể của cựu phi công Mai Đức Toại giúp chúng tôi phần nào hình dung ra phẩm chất trân quý ở Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Văn Bảy.
Theo lời kể của ông Toại, trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, phi công Nguyễn Văn Bảy đã cùng đồng đội liên tục xuất kích, đánh đuổi nhiều máy bay của giặc Mỹ trên bầu trời Hà Nội, Hải Phòng, Ninh Bình, Thanh Hóa và các tỉnh vùng Đông Bắc, Tây Bắc của Tổ quốc, khiến cho những phi công của không lực Hoa Kỳ bao phen khiếp đảm.
Trước mỗi trận đánh, các phi công trong biên đội của ông Toại đều phải tính toán kỹ lưỡng các phương án tiến công và tiêu diệt mục tiêu ở địa điểm nào, thời điểm nào, để khi máy bay địch rơi xuống không uy hiếp các mục tiêu quan trọng cần bảo vệ của ta và người dân dưới mặt đất.
“Để bảo vệ các mục tiêu cơ quan Trung ương, Kho Xăng dầu Đức Giang, Nhà máy Diêm Thống Nhất, Nhà máy Điện Yên Phụ… biên đội chúng tôi thường bay trực chiến, theo dõi địch dọc đường chúng hay đột nhập. Khi bay như vậy, tôi-Biên đội trưởng bay số 1. Các đồng chí trong biên đội như: Lê Hải bay số 2, Nguyễn Văn Bảy số 3, Đỗ Huy Hoàng số 4".
"Khi gặp nhiều tốp máy bay địch, chúng tôi sẽ tách ra để bám địch. Lúc đó, tôi và anh Hải sẽ thành một tốp, anh Bảy với anh Hoàng thành một tốp. Có nhiều hôm, biên đội chúng tôi quần thảo với địch gần 3 tiếng đồng hồ, ép máy bay địch phải rút lui mà không ném được bom xuống miền Bắc”, ông Toại thuật lại.
Chính bằng sự sáng tạo, quả cảm ấy, năm 1965, nước Mỹ đã bị chấn động khi những chiếc MiG-17 của Không quân nhân dân Việt Nam đã bắn hạ tại chỗ máy bay F-105 của Mỹ trên miền Bắc Việt Nam.
Từ năm 1965 đến 1968, Nguyễn Văn Bảy là một phi công trẻ tham gia nhiều trận đánh không đối không và đã bắn hạ 7 máy bay của không lực Hoa Kỳ khi chúng xâm phạm không phận miền Bắc.
“Những chiến công của đồng chí Nguyễn Văn Bảy không chỉ là niềm vinh dự, tự hào của cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị, của Quân chủng PK-KQ, quê hương, bạn bè, mà ngay cả sau này, khi gặp lại những cựu phi công của không lực Hoa Kỳ-những người năm xưa ở bên kia chiến tuyến đều đánh giá rất cao bản lĩnh, sự thông minh, can trường của Nguyễn Văn Bảy và các phi công của Quân đội nhân dân Việt Nam nói chung”-ông Toại khẳng định.
Theo lời ông Toại, nếu trong chiến đấu, phi công Nguyễn Văn Bảy là người kiên cường, điềm tĩnh, sáng tạo và quyết đoán thì trong cuộc sống hằng ngày, với đồng chí, đồng đội, người thân... chàng trai quê hương Đồng Tháp này luôn chân thành và nhường nhịn.
Ông Toại kể: “Đồng chí Bảy sinh ra và lớn lên ở vùng quê sông nước, nên rất thích mò cua, bắt cá. Mỗi khi rảnh rang, Bảy lại hì hục đắp bờ, tát nước để bắt cá mang về cùng anh em cải thiện. Có hôm trời nắng chang chang, ai cũng ngại, mỗi mình Bảy vẫn cần mẫn be bờ, tát nước, bắt cá... để cả phi đội cùng ăn. Bảy là vậy đấy!"
"Chính vì thế, mỗi lần sinh hoạt, cấp ủy, chỉ huy đơn vị luôn lấy đồng chí Bảy để nêu gương cho cán bộ, chiến sĩ đơn vị học tập. Sau này, khi đã nghỉ hưu, biết ông Bảy về quê, anh em khuyên nhủ về thành phố ở nhưng ông ấy không nghe".
Ông ấy bảo: "Tôi ở quê quen rồi. Giờ chỉ muốn ngày ngày vui bên ruộng vườn, nuôi gà, thả cá…". Biết tính ông Bảy nên anh em cũng không nói nhiều. Nnhận được tin ông Bảy khuất núi, vẫn biết đó là quy luật của cuộc sống nhưng tôi và các đồng đội đều cảm thấy hụt hẫng và bất ngờ quá…!”. Nói đến đây, mắt ông Toại đỏ hoe.
Tạm biệt ông Toại, đi trên những con phố nườm nượp người và xe, nhưng trong tâm trí chúng tôi vẫn văng vẳng lời kể về những kỷ niệm một thời oanh liệt của thế hệ cha anh và càng thêm khâm phục, tự hào về sự quả cảm, can trường của Đại tá, phi công Nguyễn Văn Bảy cùng các đồng đội của ông.
Thế hệ họ đã góp phần không nhỏ vào sự nghiệp giải phóng đất nước, để mọi người, mọi nhà trên đất nước Việt Nam thân yêu của chúng ta có cuộc sống bình yên như hôm nay.
Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Văn Bảy là phi công lái máy bay chiến đấu MiG-17 thuộc Không quân nhân dân Việt Nam. Ông đã bắn rơi 7 máy bay Mỹ trong những trận chiến đấu không cân sức trên bầu trời miền Bắc. Điển hình là ngày 26-6-1966, ông đã cùng đồng đội bắn rơi 2 chiếc F-105 của không lực Hoa Kỳ trên vùng trời Thái Nguyên. Ngày 24-4-1967, ông lại cùng đồng đội bắn rơi 3 chiếc F-4 của không quân Mỹ trên vùng trời Hải Hưng (nay là Hưng Yên và Hải Dương), Hà Bắc (nay là Bắc Ninh và Bắc Giang)... Ông là một trong 3 phi công đầu tiên của Không quân nhân dân Việt Nam được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân vào năm 1967. Ông cũng được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều huân, huy chương cao quý.