Từ vòng bán kết trở đi, diều kiện thi đấu đã có nhiều thay đổi so với vòng loại theo hướng phức tạp hơn. Về thể thức cũng có thay đổi nhằm phát huy tính tập thể của cả đội. Nhìn tổng thể, sẽ phức tạp và quyết liệt hơn.
Những thay đổi về thể thức thi đấu
Trong vòng đấu bán kết và chung kết tại Tank Biathlon 2018, các đội sẽ thia đấu theo thể thức "tiếp sức".
Nếu như ở vòng loại, mỗi đội có 3 kíp xe tham gia thì 3 kíp này thi đấu riêng rẽ trên 3 chiếc xe tăng T-72B3 khác nhau (ngoài ra còn 1 kíp dự bị nữa). Còn từ vòng bán kết, mỗi đội cử ra 3 kíp thi đấu nhưng cả 3 kíp này cùng thi đấu chung 01 chiếc xe tăng.
Mỗi kíp lái sẽ thi đấu 4 vòng, chiều dài mỗi vòng khoảng 4 km, trên đó có bố trí vị trí xuất phát, các chướng ngại vật, vị trí tiếp đạn, vị trí bắn, tuyến bắn hành tiến, đích... Ngoài ra còn có vị trí phạt và vòng phạt 500 mét khi bắn không trúng 1 mục tiêu.
Bốn vòng đấu cụ thể như sau:
- Vòng 1: Đua tốc độ có chướng ngại vật nhưng không phải bắn.
- Vòng 2: Trong vòng đua có hành tiến bắn đạn pháo trong khi xe chạy ngang vào 3 bia số 12 – Xe tăng.
- Vòng 3: Trong vòng đua có bắn súng máy 12,7 mm vào các bia số 25 - Máy bay trực thăng và bia số 11- Pháo chống tăng.
- Vòng 4: Trong vòng đua có bắn súng máy song song vào 3 bia số 9 – Súng chống tăng cá nhân.
Đường chạy vòng tiếp sức
Sau khi hoàn thành 4 vòng đua, kíp xe sẽ dừng xe tại đích, chạy về tuyến "tiếp sức" để kíp tiếp theo lên thi đấu. Thành tích của cả đội sẽ tính chung bằng tổng thời gian thi đấu của 3 kíp xe. Đội nào thời gian ít hơn sẽ xếp trên.
Tương tự như vòng loại, nếu kíp lái phạm vào bất kỳ lỗi nào như đâm cột, bỏ qua chướng ngại vật hoặc đi sai đường thì đều sẽ phải cho xe tăng vào 1 trong 13 khu vực phạt để thực hiện bài "Kiểm Tra Khí Tài". Còn nếu bắn trượt 1 mục tiêu thì phải chạy 1 lần vòng phạt 500 mét.
Điều kiện thi đấu phức tạp hơn, sự cạnh tranh cũng quyết liệt hơn
Nhìn tổng thể, từ vòng bán kết trở đi điều kiện thi đấu của các kíp xe phức tạp hơn nhiều, khó khăn hơn và độ cạnh tranh cũng quyết liệt hơn.
Về kỹ thuật lái xe, nếu như ở vòng loại, mỗi kíp chỉ thi đấu chỉ có 3 vòng thì nay sẽ phải thi đấu 4 vòng - nghĩa là quãng đường, thời gian thi đấu dài hơn, đòi hỏi cao hơn về sức bền và mức độ tập trung.
Đội Iran vượt đường zích zắc tại Tank Biathlon 2018.
Đặc biệt, về xạ kích thì điều kiện thi đấu khó hơn hẳn.
- Đối với mục tiêu bắn pháo: sẽ phải bắn trong điều kiện hành tiến bắn khi xe chạy ngang (pháo gần như vuông góc với hướng xe chạy). Mặc dù có sự hỗ trợ của hệ thống ổn định song đây vẫn là một bài bắn khó đối với bất kỳ pháo thủ xe tăng nào.
- Đối với mục tiêu bắn bằng súng 12,7 mm: Thay vì diệt 1 mục tiêu, bây giờ xạ thủ sẽ phải diệt 2 mục tiêu: 1 máy bay trực thăng bay treo và 1 pháo chống tăng bố trí dưới mặt đất. Điều kiện này gây khó khăn cho xạ thủ ngay từ khâu quan sát phát hiện mục tiêu, xác định khoảng cách cũng như phân phối đạn...
- Đối với mục tiêu bắn bằng súng máy đồng trục: Thay vì diệt 1 mục tiêu xạ thủ sẽ phải diệt 3 mục tiêu. Tương tự như trên, việc quan sát phát hiện mục tiêu và đo khoảng cách đến mục tiêu sẽ rất khó khăn, ngoài ra cũng phải phân phối đạn cho hợp lý (điểm xạ ngắn).
Đội Serbia thực hành bắn bia giả định là xạ thủ B-41 địch.
Bên cạnh đó, trong các vòng thi này cũng đòi hỏi cao hơn sự phối hợp, hiệp đồng trong nội bộ từng kíp xe cũng như giữa các kíp xe trong đội.
Đặc biệt là trong quá trình hành tiến bắn, lái xe phải điều khiển xe tăng T-72B3 sao cho thật êm thì pháo thủ mới bắn đạt kết quả tốt được. Việc duy trì mạng lưới thông tin liên lạc thông suốt giữa kíp xe với đài chỉ huy cũng có ý nghĩa rất quan trọng.
Thể thức thi đấu thay đổi, điều kiện thi đấu phức tạp hơn, đòi hỏi cao hơn ở các đội tuyển tại Tank Biathlon 2018 chắc chắn sẽ tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt hơn và cũng hấp dẫn hơn đối với người hâm mộ.