Các bên đối địch đều tuyên bố là mình đã chiến thắng
Ngay sau khi cuộc chiến kết thúc, trên mạng xã hội Twitter, Tổng thống Mỹ Donald Trump viết rằng, đây là "một cuộc tấn công được tiến hành hoàn hảo", "không thể có một kết quả tốt hơn" và "nhiệm vụ đã hoàn thành!".
Theo Thư ký báo chí của Lầu Năm Góc Dana White và Giám đốc trung tâm lập kế hoạch chiến lược và chính sách của Mỹ, Trung tướng Kenneth Mackenzie, tổng cộng có 105 tên lửa đã được phóng đi và trúng mục tiêu. Còn Syria đã phóng 40 tên lửa phòng không nhưng không một quả náo bắn trúng mục tiêu.
Tướng Kenneth Mackenzie còn cho biết, tham gia cuộc tấn công này có tàu USS Laboon phóng 7 tên lửa và tàu USS Montrey phóng 30 tên lửa từ Biển Đỏ; tàu khu trục USS Higgins phóng 23 tên lửa từ Vùng Vịnh; tàu ngầm USS John Warner phóng 6 tên lửa từ Đông Địa Trung Hải.
Tàu chiến Mỹ bắn tên lửa hành trình Tomahawk tấn công Syria.
Mackenzie cũng cho biết thêm, tàu chiến của Pháp Languedoc tham chiến và phóng tên lửa tên lửa hành trình từ Địa Trung Hải.
Trong khi đó, Tổng Cục trưởng Tổng cục tác chiến Các lực lượng vũ trang Nga, tướng Sergey Rudskoi, cho biết tham gia chiến dịch này từ phía Mỹ có máy bay ném bom chiến lược В-1B, máy bay tiêm kích F-15 và F-16, các tàu chiến USS Laboon và USS Montrey; từ phía Anh có máy bay cường kích Tornado.
Liên quân Mỹ-Anh-Pháp phóng 103 tên lửa hành trình và bom có điều khiển, trong đó có tên lửa Tomahawk, bom GBU-38 và tên lửa không đối đất Scalp EG. Cũng theo phía Nga, mục tiêu tấn công chủ yếu của Mỹ và liên quân không phải là các cơ sở chế tạo và tàng trữ vũ khí hóa học mà là các sân bay của Syria Duvali, Dumeir, Blay, Shayrat, Mezzet và Homs.
Cũng theo Nga, ngoài 2 tên lửa bay được tới sân bay Mezzet và 3 tên lửa bay tới Homs, tất cả các tên lửa khác đã bị Syria bắn rơi hoặc làm chệnh hướng bay bằng các tổ hợp tên lửa được sản xuất từ thời Liên Xô như S-125, S-200, "Buk", "Kvadrad", "Osa" và Strela-10.
Tổng cộng, Syria bắn rơi 71 tên lửa. Tuy nhiên, Syria được sự hỗ trợ của các hệ thống tác chiến điện tử "Krasuha-4", "Borisoglebsk-2" và "Rychar-AB" có khả năng "làm mù" hệ thống định vị toàn cầu GPS và hệ thống điều khiến tên lửa của Mỹ (1,2).
Như vậy là số lượng tên lửa do Mỹ và liên quân phóng đi cũng như tên lửa bị Syria bắn rơi do hai bên đối địch công bố đều khác nhau. Hai bên đối địch đều tuyên bố là mình đã chiến thắng.
Vậy, đâu là sự thật?
Trong khi các bên không đưa ra các chứng cứ xác thực để khẳng định chiến thắng của họ thì điều đó không có nghĩa là hoàn toán bế tắc khi chúng ta đi tìm sự thật của cuộc chiến. Có một cách để tìm ra sự thật này là xem mục đích của bên phát động chiến tranh là gì, họ đã đạt được mục đích đó chưa, và đạt được như thế nào?
Để trả lời được những câu hỏi này, trước hết phải xuất phát từ một nguyên lý rất cơ bản của mọi cuộc chiến tranh từ cổ chí kim đã từng được Carl von Clausewitz - một viên tướng người Đức, chuyên gia nghiên cứu lịch sử và lý luận quân sự kiệt xuất, đề ra trong một luận thuyết nổi tiếng có tựa đề "Bàn về chiến tranh" (Vom Kriege).
Tổ hợp tên lửa phòng không Pechora-2M của Syria được cho là đã lập công trong cuộc đối đầu với liên quân hôm 14/04/2018.
Nguyên lý đó là: chiến tranh bao giờ cũng là sự kế tục chính trị bằng phương tiện bạo lực. Nguyên lý này về sau được các chuyên gia lịch sử quân sự từ Đông sang Tây sử dụng như một con dao sắc bén để giải phẫu các cuộc chiến tranh trên thế giới.
Ta thử nhìn lại nguyên lý của Carl von Clausewitz được thể hiện như thế nào trong một số cuộc chiến tranh do Mỹ và đồng minh tiến hành trong những năm gần đây có nhiều nét tương đồng với cuộc chiến ngày 14/4/2018 ở Syria.
Trong chiến tranh Iraq năm 2003, mục đích chính trị của Mỹ là tiêu diệt Tổng thống Saddam Husein. Để đạt được mục đích này, Mỹ đã dàn dựng lên chuyện Tổng thống Saddam Husein "sở hữu vũ khí hóa học" và "có liên hệ với tổ chức khủng bố Al-Qaeda" và mượn cớ đó để phát động chiến tranh nhằm "trừng phạt Iraq".
Thế nhưng sau khi tiến vào Iraq, Mỹ không hoài công đi tìm vũ khí hóa học để hủy diệt chúng vì trên thực tế là không hề có thứ vũ khí đó ở quốc gia này vào thời điểm ấy, mà là truy tìm Tổng thống Saddam Hussein để tiêu diệt ông. Chỉ sau khi đã diệt được ông ta, Tổng thống Mỹ G.W.Bush mới tuyên bố "đã chiến thắng".
Trên thực tế, "chiến thắng" đó của Mỹ cũng chẳng lấy gì làm oanh liệt bởi sau hơn 10 năm bị cấm vận toàn diện sau cuộc chiến tranh Vùng Vịnh năm 1991, tiềm lực quân sự và kinh tế của Iraq chẳng còn gì đáng kể, trong khi đó Mỹ và liên quân NATO huy động cả một bộ máy quân sự lớn nhất thế giới để tấn công mang tính hủy diệt.
Trong chiến tranh Libya năm 2011, mục đích chính trị của Mỹ là tiêu diệt nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi.
Để thực hiện mục đích này, Mỹ đã dàn dựng lên chuyện "nhà lãnh đạo Libya sử dụng máy bay ném bom sát hại dân thường" để lấy đó làm cơ sở cho Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc thông qua Nghị quyết số 1973 về "thiết lập vùng cấm bay" ở Libya, nghĩa là chỉ để ngăn chặn máy bay của Libya cất cánh "ném bom vào dân thường".
Mượn cớ thực hiện Nghị quyết 1973, Mỹ và NATO đã tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược trên quy mô lớn để tiêu diệt ông Muammar Gaddafi. Sau khi sát hại ông Muammar Gaddafi, Mỹ và NATO cũng tuyên bố "kết thúc thắng lợi chiến tranh".
Ở Syria, mục đích xuyên suốt của Mỹ kể từ khi bùng phát cuộc khủng hoảng ở quốc gia này năm 2011 là loại bỏ bằng được Tổng thống Syria Bashar al-Assad, dựng lên ở Damascus một nhà lãnh đạo mới cho phép Mỹ và các đồng minh trong khu vực như Saudi Arabia và Qatar kiểm soát nguồn dầu mỏ và khí đốt của quốc gia này.
Để đạt được mục đích này, Mỹ đã núp dưới chiêu bài "chống khủng bố" để một mặt tấn công hạ tầng cơ sở của Syria, mặt khác chống lưng cho "các lực lượng đối lập" đánh bại Quân đội Syria và tiến tới loại bỏ Tổng thống Bashar al-Assad.
Toan tính này đã bị phá sản sau khi Nga giúp đỡ Quân đội Syria đánh bại tổ chức khủng bố mang tên "Nhà nước Hồi giáo" tự xưng (IS) vào cuối năm 2017 đầu năm 2018.
Không còn có thể mượn cớ "chống khủng bố", từ đầu năm 2018, Mỹ ráo riết chuẩn bị kịch bản can thiệp quân sự trực tiếp nhằm tiêu diệt Tổng thống Syria Bashar al-Assad và kịch bản Iraq năm 2003 đã được tính đến xuất phát từ toan tính Syria đã từng sở hữu vũ khí hóa học.
Tuy nhiên, do Syria đã tiến hành hủy bỏ hoàn toàn vũ khí hóa học dưới sự kiểm chứng của Liên Hợp Quốc, nên để tái hiện kịch bản Iraq, Mỹ cần phải tạo ra sự đồng thuận trong dư luận quốc tế.
Sự kiện mà phương Tây cho là "Nga sử dụng vũ khí hóa học sát hại cựu điệp viên hai mang Sergei Skripal" vào ngày 4/3/2018 được nhấn mạnh là "lần đầu tiên vũ khí hóa học được sử dụng ở Châu Âu". Câu chuyện này chính là "khúc dạo đầu" của kịch bản "Syria được Nga bảo lãnh và ủng hộ đã sử dụng vũ khí hóa học sát hại dân thường".
Một số nguồn tin cho rằng, tương tự như ở Iraq năm 2003 và Libya năm 2011, Mỹ có thể đã tạo ra chứng cử giả, núp dưới bỏ bọc của mục đích giả để đạt được mục đích thật là tấn công trên quy mô lớn nhằm tàn phá hạ tầng cơ sở quân sự và kinh tế của Syria, thậm chí tiêu diệt Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Tuy nhiên, thực tế cuộc tấn công đã không được như tính toán của Mỹ.
Trong mấy ngày qua, báo chí Mỹ và một số nước phương Tây đã nói tới sự "thất bại" hay là "cuộc chiến tranh vấy bẩn của Mỹ ở Syria". Nếu Mỹ tiếp tục cuộc chiến, phóng tới hàng ngàn tên lửa Tomahawk thì cái kết còn đau đớn hơn nữa. Nhiều ý kiến nhận định trong chiến dịch này, chính Nga là bên chiến thắng mà không cần bắn một viên đạn!
Nhân đây, thiết nghĩ cũng nên nhớ lại một chi tiết lịch sử rất đáng nhớ: trong cuộc chiến tranh Kosovo năm 1999, Quân đội Nam Tư đã sử dụng các dàn tên lửa y hệt như của Syria vừa qua và không chỉ bắn rơi nhiều tên lửa hành trình Tomahawk mà cả máy bay tàng hình F-117A tối tân bậc nhất của Mỹ lúc bấy giờ.
Xác máy bay ném bom tàng hình F-117A của Mỹ bị phòng không Nam Tư bắn rơi tại chỗ năm 1999.
Vì thế mà Mỹ đã phải vội vàng ngừng cuộc chiến và tuyên bố "đã giành chiến thắng". Trên thực tế, Mỹ thất bại trong giải pháp quân sự để tiêu diệt Tổng thống Nam Tư, ông Milosevich, và phải chuyển sang áp dụng chiến thuật "cách mạng nhung" thì mới lật đổ được ông.
Diễn biến tương tự đang diễn qua xung quanh Syria: Mỹ đang chuyển sang giải pháp gây sức ép chính trị và ngoại giao để loại bỏ Tổng thống Bashar al-Assad ra khỏi tiến trình chính trị sắp tới. Biểu hiện rõ nhất về sự chuyển hướng đó là Mỹ vừa ban bố gói cấm vận mới nhằm vào Nga với cáo buộc "Mosvow bao che cho Damascus sử dụng vũ khí hóa học".
Dĩ nhiên, không loại trừ khả năng Mỹ và liên quân sẽ rút kinh nghiệm từ thất bại trong chiến dịch không kích vừa qua để tổ chức một chiến dịch mới. Để tránh bất ngờ, Nga tuyên bố đang cân nhắc khả năng chuyển giao cho Syria hệ thống tên lửa phòng không S-300 - một hệ thống phòng thủ có khả năng bắn hạ tất cả các khí tài bay xâm nhập không phận quốc gia này.
Những hình ảnh đầu tiên ghi nhận vụ tấn công vào Syria
*** Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả