Mấy ngày qua, người dân đang quan tâm đến vụ tai nạn xe tải đâm tử vong tài xế Lexus biển tứ quý 8 và một CSGT bị thương nặng trên cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên vào chiều 15/9.
Liên quan đến vụ việc trên, ngày 21/9, PV đã có cuộc trao đổi với Đại tá Trần Sơn (nguyên Phó phòng Hướng dẫn luật, điều tra, xử lý tai nạn giao thông - Cục CSGT).
Ông Trần Sơn đánh giá vụ tai nạn trên gây hậu quả rất nghiêm trọng, qua xem xét vụ việc, nếu thấy có dấu hiệu của tội phạm, cơ quan công an cần phải khởi tố vụ án để điều tra, làm rõ trách nhiệm của những người liên quan.
Đồng thời cũng làm sáng tỏ nhiều vấn đề trong chính các văn bản quy phạm pháp luật mà từ trước đến nay vẫn còn có lúc có nơi gây ra sự tranh cãi về cách hiểu và cách vận dụng.
Đại tá Trần Sơn cho hay, trên cao tốc, các phương tiện được phép chạy với tốc độ tối đa, có thể 100 - 120 km/giờ hoặc hơn nữa.
Hiện trường vụ tai nạn.
Để đảm bảo an toàn giữa các phương tiện, đơn vị quản lý cao tốc đã đặt các biển báo cự ly về khoảng cách an toàn, chẳng hạn như biển báo 50 m, 100 m hay 150 m.
Do phương tiện lưu thông tốc độ cao, để dừng xe là rất khó nên mới có các biện pháp đảm bảo xử lý qua hình ảnh, qua phạt nguội hoặc các hình thức khác.
Tại các tuyến cao tốc hiện nay đều có gắn các camera để giám sát việc chấp hành quy định pháp luật của lái xe.
Trong đó tập trung vào 3 lỗi chính: giám sát phương tiện chạy quá tốc độ cho phép; giám sát việc chấp hành hiệu lệnh biển báo hiệu tín hiệu và giám sát việc chấp hành quy định về làn, lề đường.
Theo Thông tư 03/2016 Bộ Công an quy định về công tác tuần tra, kiểm soát đường bộ (trong đó gồm cả cao tốc) của Cảnh sát giao thông đã nêu rõ vị trí, thời gian dừng phương tiện kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính.
"Điều quan trọng nhất, muốn làm gì thì làm nhưng nguyên tắc trong luật xử lý vi phạm hành chính cũng như luật giao thông đường bộ đều quy định mọi hành vi vi phạm đều phải được phát hiện và ngăn chặn kịp thời, xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Mọi xử lý đều nhằm răn đe, giáo dục và đảm bảo an toàn giao thông cho những người tiếp theo.
Trong việc dừng và xử lý vi phạm giao thông cũng vậy. Nguyên tắc đầu tiên đặt ra là phải đảm bảo an toàn cho chính lực lượng thực thi công vụ, an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông...", ông Sơn nói..
Ông Sơn cho rằng, điều quan trọng nhất trong vụ tai nạn này là tìm ra nguyên nhân, điều kiện dẫn đến vụ việc.
Từ đó, đề xuất các cơ quan chức năng có các biện pháp phòng ngừa những vụ khác xảy ra.
"Tôi cảm thấy rất buồn và chia sẻ với gia đình nạn nhân cũng như đồng nghiệp của tôi cũ bị thương trong khi làm nhiệm vụ...", nguyên Phó phòng của Cục C08 nói.
Trước câu hỏi được nhiều người quan tâm về việc Cảnh sát giao thông có được phép dừng xe của người điều khiển phương tiện giao thông để kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính không?, PV đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Anh Thơm - Trưởng văn phòng Luật sư Nguyễn Anh (đoàn luật sư TP. Hà Nội).
Luật sư Thơm cho biết: Căn cứ Khoản 1 Điều 5 Thông tư 01/2016/TT-BCA thì Cảnh sát giao thông có quyền yêu cầu người tham gia giao thông đang di chuyển trên đường cao tốc dừng lại, kiểm tra giấy tờ và xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm.
Tuy nhiên, khi dừng phương tiện phải đảm bảo an toàn, đúng quy định và không làm cản trở đến hoạt động giao thông.
Căn cứ quy định của Pháp luật và Bộ Công An ban hành, Cảnh sát Giao thông được quyền dừng xe của người tham gia giao thông trên cao tốc để thực hiệc việc tuần tra, kiểm soát theo quy định của pháp luật.
Điều 5 Thông tư 03/2016 của Bộ Công an quy định về quy trình TTKS, xử lý vi phạm hành chính trên đường cao tốc của Cảnh sát giao thông đã nêu rõ vị trí, thời gian dừng phương tiện kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính như sau:
Khi kiểm soát tại một điểm trên đường cao tốc, chỉ được dừng phương tiện để kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính tại các vị trí sau: Điểm đầu, cuối đường cao tốc;
Khu vực Trạm thu phí trên đường cao tốc; Trạm dừng nghỉ trên đường cao tốc; Đoạn đường nhánh vào, ra đường cao tốc;
Khi tuần tra, kiểm soát cơ động trên đường cao tốc, chỉ được dừng phương tiện vào làn dừng phương tiện khẩn cấp để kiểm soát, xử lý vi phạm trong các trường hợp sau:
Phát hiện hành vi vi phạm trật tự, ATGT có nguy cơ tức thời gây mất ATGT nghiêm trọng; Tin báo, tố giác về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện đang lưu thông trên đường cao tốc;
Có yêu cầu của thủ trưởng, phó thủ trưởng Cơ quan điều tra phục vụ công tác đấu tranh chống tội phạm; Phát hiện phương tiện dừng, đỗ trái quy định trên đường cao tốc.
Như vậy, CSGT được quyền dừng xe trên cao tốc theo quy định của pháp luật.