Đại tá CA: Xã hội đen “núp bóng” doanh nghiệp đòi nợ thuê kiểu truy sát, khủng bố

Hoàng Đan |

Theo Đại tá Phạm Huyền Ngọc, Giám đốc Công an tỉnh Ninh Thuận, gần đây, đối tượng đòi nợ thuê có hành vi nguy hiểm, phức tạp hơn mà nhiều người không ngờ tới.

Đòi nợ thuê bắt giữ người, đe dọa, khủng bố

Thảo luận về vấn đề có nên hay không đưa dịch vụ đòi nợ vào danh mục ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh trong dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) tại Quốc hội vào sáng nay, đại biểu Phạm Huyền Ngọc (Đại tá, Giám đốc CA tỉnh Ninh Thuận) cho rằng, đòi nợ là vấn đề khó trong giao dịch dân sự, hợp đồng kinh tế.

Trong hoạt động thực tế, bên cạnh các doanh nghiệp chấp hành có một số doanh nghiệp không tuân thủ quy định pháp luật, dẫn đến phát sinh nhiều hệ luỵ tiêu cực. Bên đòi nợ tìm mọi cách để huỷ hoại tài sản trái pháp luật, đe doạ, khủng bố tinh thần gây hoang mang cho con nợ.

"Nhiều nơi lợi dụng dịch vụ kinh doanh đòi nợ để biến tướng thành các băng nhóm cho vay nặng lãi, hoạt động tín dụng đen, gây mất an ninh, trật tự an toàn xã hội.

Một số đối tượng đòi nợ thuê đã bắt giữ người trái pháp luật, cố ý gây thương tích, thậm chí có vụ gây chết người. Phổ biến là hành vi đe doạ người thân, cha mẹ con nợ", Đại tá Ngọc cho hay.

Theo Giám đốc Công an tỉnh Ninh Thuận, gần đây, đối tượng đòi nợ thuê có hành vi nguy hiểm, phức tạp hơn mà nhiều người không ngờ tới.

Ví dụ con nợ là giáo viên thì đối tượng đòi nợ gọi điện đe doạ cả ban giám hiệu nhà trường, hàng xóm của con nợ bỗng nhiên bị gọi điện khủng bố vào giữa đêm, ném chất bẩn vào nhà… nhằm gây áp lực với người thân, bạn bè, đồng nghiệp của con nợ để cùng gây áp lực, buộc con nợ phải trả nợ.

"Những hành vi này gây bức xúc cho người dân, ảnh hưởng rất xấu tới an ninh, trật tự địa phương nhưng lực lượng Công an rất khó xác định và xử lý đối tượng", Đại tá Ngọc nói và chỉ ra rằng, quy định là ngành nghề kinh doanh có điều kiện nhưng do thiếu quy định chặt chẽ nên dịch vụ đòi nợ đang là một trong những nguyên nhân phát sinh tín dụng đen.

Dẫn chứng vụ Quân "xa lộ", hay mới nhất là vào ngày 18/11 tại Gia Lai, do chồng vay nợ tín dụng đen liên tục bị đòi nợ, vợ đã dùng búa đánh chết chồng…, Giám đốc Công an tỉnh Ninh Thuận khẳng định, không phải "quản không được thì cấm" mà nên cấm vì dịch vụ này gây nhiều hệ luỵ xã hội.

"Nếu Luật Đầu tư sửa đổi lần này đưa dịch vụ đòi nợ vào ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh sẽ góp phần ngăn chặn, hạn chế được hoạt động tín dụng đen vì việc đòi nợ thuê đã bị cấm, mọi hành vi đòi nợ thuê đều vi phạm pháp luật và bị xử lý", ông Ngọc nhấn mạnh.

Cùng bày tỏ ủng hộ đưa dịch vụ đòi nợ vào ngành nghề cấm đầu tư, kinh doanh, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) chỉ ra thực trạng các giấy tờ cho vay nếu mang ra toà sẽ vô hiệu bởi vi phạm nguyên tắc tự nguyện, vi phạm cho vay nặng lãi nên đã tìm tới dịch vụ đòi nợ, dẫn đến nhiều hệ luỵ sau đó.

Cho rằng tồn tại này là "không thể chấp nhận", ông Nghĩa nêu ý kiến bên cạnh việc cấm dịch vụ đòi nợ thì để giải quyết loại tranh chấp này, cần tăng cường hệ thống hoà giải cơ sở, các hình thức hoà giải khác nhau trong đó có Luật Hoà giải, đối thoại tại Toà án đang trình Quốc hội xem xét.

Đại tá CA: Xã hội đen “núp bóng” doanh nghiệp đòi nợ thuê kiểu truy sát, khủng bố - Ảnh 1.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa.

Còn đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) nhấn mạnh: “Kinh doanh dịch vụ đòi nợ lành ít dữ nhiều, mang tính tiêu cực hơn là tích cực. Đây là vấn đề không còn là bình thường nữa và không nên để tồn tại dịch vụ kinh doanh đòi nợ".

ĐBQH lo ngại thông tin người Thái Lan tham gia ban kiểm soát nhà máy nước sông Đuống

Cũng góp ý thêm vào vào dự luật, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) đề nghị bổ sung kinh doanh nước sạch vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện do liên quan tới an ninh nguồn nước quốc gia.

"Đây là vấn đề an ninh rất hệ trọng", ông nói và nhắc đến vụ chuyển nhượng 34% vốn tại dự án nước sạch sông Đuống do tư nhân đầu tư cho tỷ phú Thái Lan.

Theo vị ĐB đoàn TP Hồ Chí Minh, một nhà máy nước hàng ngày cung cấp nước cho mấy triệu người dân mà không biết ông chủ thực sự là ai hoặc để người nước ngoài quản lý thì rất nguy hiểm.

"Trường hợp xảy ra xung đột tôi thực sự lo ngại vấn đề an ninh nguồn nước", ông Nghĩa bày tỏ.

Ông nhấn mạnh: "Cấm hay hạn chế như thế nào thì do Chính phủ đề xuất, nhưng những ngành liên quan đến an ninh quốc gia, sức khoẻ của người dân thì chúng ta phải có những điều kiện trong xây dựng, chuyển nhượng, kinh doanh".

Chung mối quan tâm, đại biểu Nguyễn Thị Xuân Thu (Khánh Hoà) dẫn lại câu chuyện nước sạch Sông Đà bị nhiễm dầu thải do khi kẻ xấu đổ dầu thải vào nguồn nước do Công ty nước sạch Sông Đà cung cấp, đã ảnh hưởng tới sức khoẻ hàng triệu người dân thủ đô, chưa kể phải tốn chi phí sục rửa đường ống, bể chứa nước...

"Kinh doanh nước sạch phải là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nếu không sẽ gây khó khăn cho quản lý Nhà nước, rủi ro sức khoẻ người tiêu dùng và ràng buộc trách nhiệm chính quyền địa phương trong giải quyết sự cố", bà Thu nói.

ĐB Lưu Bình Nhưỡng, Phó ban Dân nguyện của UBTVQH cho hay, sáng nay, ông nhận được thông tin có một nhà đầu tư người Thái vừa tham gia HĐQT, vừa tham gia ban kiểm soát của nhà máy nước sông Đuống.

"Chúng ta cần xem nhà đầu tư có thực sự làm dự án kinh doanh để phục vụ nhân dân hay họ chỉ thực hiện động tác kiếm lợi nhuận, sau đó dồn lại rủi ro cho người khác, đặc biệt là rủi ro cho nhân dân", ông Nhưỡng nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại