Đại sứ VN kể bức tranh trái ngược sau khi Mỹ đánh Iraq, và thảm kịch của lịch sử hiện đại

Đại sứ Nguyễn Quang Khai |

Sự kiện 11/9/2001 đến hôm nay đã làm thay đổi thế giới rất nhiều với những lời hô hào chống khủng bố.

Đã 16 năm trôi qua kể từ khi xảy ra vụ khủng bố 11/9/2001, nhưng những hình ảnh kinh hoàng khi 3 chiếc máy bay hành khách đâm vào toà tháp đôi, trụ sở Trung tâm thương mại thế giới tại New York và Bộ Quốc phòng Mỹ Pentagon tại Washington, cướp đi sinh mạng của gần 3 ngàn người vô tội và hàng ngàn người khác bị thương vẫn còn hiển hiện ra trước mắt mọi người.

Tuy nhiên, sau những tấm ảnh này là ẩn chứa rất nhiều ý đồ chiến lược của Mỹ ở khu vực Trung Đông cũng như trên phạm vi toàn cầu.

Nhiều nhà phân tích chính trị trên thế giới cho rằng, vào những năm 1990 của thế kỷ trước và đầu thế kỷ 21, Nga gặp nhiều khó khăn sau khi Liên Xô tan rã. Là siêu cường duy nhất, chính quyền Mỹ, trước hết là giới quân sự đã lợi dụng sự kiện 11/9 như một bóng ma khủng bố để thực hiện các mục chiến lược của họ trong việc thiết lập một trật tự thế giới đơn cực.

Ngay sau khi xảy ra vụ khủng bố 11/9, Mỹ đã buộc tội tổ chức Al-Qaida của Osama bin Laden có căn cứ tại Afghanistan là chủ mưu gây ra vụ này.

Tổng thống George W. Bush (Bush con) tuyên bố: "Afghanistan sẽ là mục tiêu của Mỹ, bởi vì nước này chứa chấp Al-Qaida. Không có đất trung lập cho cuộc chiến này. Bất cứ chính quyền nào bảo trợ khủng bố và giết người vô tội sẽ đứng vào một hàng với những kẻ tội phạm và giết người. Chúng ta không chỉ bảo vệ nền tự do quý giá của chúng ta mà còn bảo vệ tự do cho tất cả mọi người trên toàn thế giới. Những ai không đi với chúng ta là chống lại chúng ta".

Những lời có cánh của ông Bush đã trở thành lý do cho các chiến dịch quân sự rầm rộ của Mỹ đánh vào Afghanistan và Iraq.

Chính quyền Taliban và Saddam Hussein bị sụp đổ sau cuộc tấn công quân sự của Mỹ tháng 10/2001 và tháng 3/2003, nhưng đến nay cả Afghanistan và Iraq vẫn không có hoà bình. Người dân Mỹ vẫn phải còng lưng đóng thuế để chi phí cho quân đội Mỹ đóng tại hai nước này.

Đại sứ VN kể bức tranh trái ngược sau khi Mỹ đánh Iraq, và thảm kịch của lịch sử hiện đại - Ảnh 1.

Khói lửa bốc lên từ Lầu Năm Góc, trụ sở Bộ quốc phòng Mỹ, sau khi một máy bay bị khủng bố kiểm soát đâm vào bên hông tòa nhà ngày 11/9/2001 (Ảnh: Robert Houlihan)

Thiệt hại khổng lồ của Mỹ

Theo thông tin của Bộ Quốc phòng Mỹ, đến nay số lính Mỹ bị chết trong các chiến dịch "Tự do bền vững" ở Afghanistan và "Tự do cho Iraq" đã lên tới 6.845 người và hàng chục ngàn binh sỹ khác bị thương.

Chi phí cho các chiến dịch này chưa tính hết được, nhưng Quốc hội Mỹ cho biết con số này ít nhất cũng lên tới 1.502 tỷ đô la, trong đó 814.6 tỷ đô la cho cuộc chiến ở Iraq và 685.6 tỷ đô la ở Afghanistan.

Trong khi đó, theo Neta Crawford, điều phối viên của chương trình "Chi phí chiến tranh" (Wars expenses project) thuộc trường đại học Brown thì tổng chi phí của Mỹ cho cuộc chiến tại Iraq và Afghanistan từ 2001 đến nay gộp lại phải lên tới 5.000 tỷ đô la, trong đó 2.000 tỷ đô la cho cuộc chiến tại Afghanistan.

Trái với những hy vọng của Mỹ, Afghanistan đến nay vẫn chưa xây dựng được nền dân chủ. Thay vào đó là một loạt phong trào Hồi giáo cực đoan với những tư tưởng chống Mỹ xuất hiện, nguy hiểm nhất là tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Ảnh hưởng của tổ chức khủng bố này đã vượt ra khỏi ranh giới khu vực và trở thành mối đe dọa toàn cầu.

Các tổ chức khủng bố trước đây ẩn náu trên các vùng núi non hiểm trở Tora Bora ở Afghanistan, sa mạc Anbar ở phía Tây Iraq hoặc Timbuktu ở Mali... nay chuyển về hoạt động ngang nhiên tại các thành phố.

Chúng thành lập cả một Vương triều Hồi giáo với cơ cấu không khác gì một nhà nước trải dài giữa Iraq và Syria và có lúc đã kiểm soát đến 60% lãnh thổ Syria và 40% lãnh thổ Iraq. Thậm chí chúng còn chiếm được cả những thành phố lớn như Mosul, Raqqa và nhiều mỏ dầu đang khai thác.

Tại Libya, IS kiểm soát thành phố Sirte và Bariqa, lấy đây làm đầu cầu để mở rộng hoạt động sang khu vực Bắc Phi.

Tại Nigeria, tổ chức Boko Haram tuyên thệ trung thành với IS đang kiểm soát một vùng lãnh thổ rộng lớn ở Đông Bắc Nigeria và tiến hành nhiều cuộc tấn công sang Cameroon, Chad và một số quốc gia châu Phi khác. Các cuộc oanh kích bằng máy bay của Mỹ gần đây cũng đã không ngăn cản được các chiến binh thuộc phong trào Shabab thực hiện các vụ khủng bố ở Somalia và Kenya.

Nhiều nhà quan sát trên thế giới, kể cả Mỹ ngày càng nghi ngờ vào mục tiêu chống khủng bố của Washington. Ý đồ thực sự của Mỹ là lật đổ các chế độ không nằm trong quỹ đạo của Mỹ.

Cuộc chiến chống Iraq tháng 3/2003 lật chính phủ của Tổng thống Saddam Hussein, chiến dịch quân sự chống Libya lật đổ chế độ của Đại tá Muammar Al-Qaddafi tháng 10/2011, và mục tiêu lật đổ chế độ của Tổng thống Syria Bashar Al-Assad hiện nay là bằng chứng rõ ràng nhất về nhận định này.

Đại sứ VN kể bức tranh trái ngược sau khi Mỹ đánh Iraq, và thảm kịch của lịch sử hiện đại - Ảnh 2.

Đến nay, cuộc chiến ở Afghanistan đã kéo dài qua 3 đời tổng thống Mỹ, nhưng tình hình đất nước này vẫn chưa được ổn định (Ảnh: New York Times)

Thảm kịch của lịch sử

Cuộc chiến của Mỹ chống Iraq đã để lại phía sau một trong những thảm kịch lớn nhất trong lịch sử hiện đại.

Năm 2003, khi bắt đầu cuộc chiến chống Iraq, Tổng thống Bush đã tuyên bố: "Một nước Iraq mới sẽ là một hình mẫu về tự do, dân chủ, hoà bình và thịnh vượng ở khu vực Trung Đông. Ở đó mọi người sẽ được sống trong hạnh phúc và tình bác ái, không có nhà tù, tra tấn và đàn áp ".

Điều đó đã không xảy ra. 14 năm đã qua, Iraq vẫn chìm trong các cuộc khủng hoảng kinh tế, chính trị, xã hội triền miên.

Đến nay, vẫn chưa có con số thống kê chính thức, nhưng theo nghiên cứu của các cơ quan khác nhau của Mỹ thì số người Iraq bị chết trong các cuộc xung đột từ 2003 đến nay nằm trong khoảng từ 700 ngàn đến 1 triệu người. Số người Iraq tị nạn lên tới 4 triệu người.

Iraq từ một trong những nước giàu có nhất thế giới với trữ lượng dầu mỏ lên tới 153 tỷ thùng, đất đai nông nghiệp phì nhiêu trở thành quốc gia có cuộc sống hết sức khó khăn. Nền kinh tế bị tàn phá nặng nề.

Tại Syria, dưới hình thức liên minh chống khủng bố, Mỹ và phương Tây đã và đang ủng hộ các tổ chức đối lập, kể cả các tổ chức khủng bố như Mặt trận al-Nusra và quân đội Syria tự do (FSA) trong cuộc xung đột chống lại chính quyền của Tổng thống Bashar Al-Assad.

Theo số liệu của Liên hợp quốc, đến tháng 3/2017 cuộc nội chiến đã cướp đi sinh mạng của 470 ngàn người, 1.9 triệu người bị thương, hơn 5 triệu người phải bỏ đất nước ra đi sống tị nạn ở nước ngoài, 6.3 triệu người mất nhà cửa phải sống phiêu bạt các nơi. Đất nước bị tàn phá nặng nề.

Tại Libya, các cuộc ném bom của Mỹ và NATO đã làm 600 ngàn người thiệt mạng, khoảng 2 triệu người phải bỏ nhà cửa sang sống tị nạn dọc biên giới với Ai Cập và Tunisia.

Đại sứ VN kể bức tranh trái ngược sau khi Mỹ đánh Iraq, và thảm kịch của lịch sử hiện đại - Ảnh 3.

Hai xe tăng M1 Abrams của Lính thủy đánh bộ Mỹ tuần tra trên đường phố Baghdad, Iraq, ngày 14/4/2003 (Ảnh: U.S. Marine Corps)

Bức tranh trái ngược

Tôi đã làm việc ở Iraq từ 1995 đến 2007, tức là trước và sau khi Mỹ tấn công chiếm đóng Iraq. Tôi đã chứng kiến hai bức tranh hoàn toàn trái ngược nhau.

Trước 2003, mặc dù bị cấm vận, cuộc sống khó khăn, nhưng an ninh được đảm bảo, người dân được hưởng một cuộc sống thanh bình, không có bất cứ tổ chức khủng bố nào ngóc đầu dậy được. Sau khi Mỹ chiếm Iraq, chính quyền Saddam bị lật đổ, các tổ chức khủng bố được cơ hoành hành khắp mọi nơi.

Thậm chí nhiều nhà ngoại giao làm việc tại Baghdad lúc đó cũng bị khủng bố bắt cóc và giết hại. Tháng 7/2005, Đại sứ Ai Cập Ihab Al-Sherif, Đại biện lâm thời Algeria Ali Belaroussi tại Baghdad bị bọn khủng bố bắt cóc và chặt đầu. Đại sứ Nga V. Titorenco thoát chết trong gang tấc trong một vụ phục kích. Nhiều nhà ngoại giao bị khủng bố bắt cóc đòi tiền chuộc. Nhiều cơ quan ngoại giao nước ngoài bị cướp phá...

Việc Mỹ cho rằng chính quyền Saddam Hussein có quan hệ với khủng bố Al-Qaida và sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt để tấn công Iraq bây giờ mọi người đều thấy rõ đây là cái cớ ngụy tạo.

Thậm chí có người còn cho rằng trước đây chính Mỹ đã tạo ra Al-Qaida để chống lại sự chiếm đóng của Liên Xô ở Afghanistan và nay lại tạo ra IS để chống lại các chính quyền không thân Mỹ ở khu vực. Mỹ đã không hợp tác với chính quyền Damascus và Nga trong cuộc chiến chống IS.

Trong chiến dịch giải phóng Mosul, Telafar và Raqqa, các lực lượng Iraq và Syria tham gia là chủ yếu, vai trò của Mỹ rất mờ nhạt. Trong danh sách các nước giúp IS có nêu tên Mỹ.

Ông Rand Paul, nghị sỹ Quốc hội bang Kentucky đã cáo buộc chính phủ Mỹ gián tiếp ủng hộ IS trong cuộc nội chiến Syria. Mỹ đã ủng hộ một số lực lượng đối lập khác chống lại chính quyền của Tổng thống Al-Assad.

Đại sứ VN kể bức tranh trái ngược sau khi Mỹ đánh Iraq, và thảm kịch của lịch sử hiện đại - Ảnh 4.

16 năm đã qua kể từ khi Tổng thống Bush tuyên bố "Cuộc chiến chống khủng bố trên phạm vi toàn cầu" sau sự kiện 11/9. Các tổ chức khủng bố không những không bị tiêu diệt mà ngày càng lan rộng. Mỹ và các nước phương Tây vẫn bị đe doạ tấn công khủng bố bất cứ lúc nào.

Báo Guardian của Anh mới đây cho biết, mặc dù Mỹ phát động cuộc chiến chống khủng bố trên phạm vi toàn cầu với sự tham gia của hơn 60 nước trong Liên minh quốc tế, nhưng các vụ khủng bố ngày càng tăng và mang tính chất dã man hơn, số người bị giết trong các vụ khủng bố tăng gấp 5 lần so với cuộc tấn công 11/9.

Cuộc chiến chống khủng bố đã không đạt được kết quả mong muốn. Cuộc chiến này không thể thành công chừng nào Mỹ và phương Tây chưa thay đổi chính sách đối với khu vực Trung Đông và thái độ của họ đối với đạo Hồi. Cuộc chiến này cũng không thể thành công nếu không có sự hợp tác và cố gắng chung của các nước cộng đồng quốc tế.

*Tiêu đề bài viết đã được tòa soạn đặt lại

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại