Bên lề Hội nghị ngoại giao lần thứ 30 tại Hà Nội, phóng viên Trí Thức Trẻ đã có cuộc trao đổi ngắn với ông Nguyễn Quốc Cường, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản về khả năng Mỹ quay lại Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP.
Xin ông cho biết, việc phê chuẩn của các nước về Hiệp định CPTPP đến nay như thế nào?
Hiện nay đã có 3 nước hoàn thành thủ tục phê chuẩn CPTPP, đó là: Mexico, Nhật Bản và Singapore. Dự kiến từ nay đến cuối năm sẽ có thêm một số nước thực hiện phê chuẩn CPTPP.
Theo quy định của Hiệp định, chỉ cần 6/11 nước thành viên phê chuẩn thì Hiệp định sẽ có hiệu lực. Hy vọng từ nay đến cuối năm sẽ có thêm các nước số thành viên khác hoàn tất thủ tục phê chuẩn, trong đó có Việt Nam để hiệp định có thể đi vào hiệu lực vào đầu tháng 5 năm sau.
Đối với Việt Nam, Bộ Công thương đang hoàn tất các thủ tục để trình Quốc hội thông qua, hiện có khó khăn hay vấn đề gì phức tạp không?
Theo tôi biết thì Chính phủ Việt Nam, các bộ ngành chức năng của Việt Nam vẫn đang tích cực chuẩn bị để trình Quốc hội trong kỳ họp cuối năm nay, mọi việc vẫn đang diễn ra theo đúng tiến độ. Tôi hy vọng CPTPP sẽ được thông qua trong kỳ họp Quốc hội cuối năm nay.
Khi Hiệp định có hiệu lực thì Việt Nam sẽ có cơ hội được tham gia vào chuỗi cung ứng của khu vực. Nhiều mặt hàng của Việt Nam vào Nhật Bản sẽ được giảm thuế cao hơn, ưu đãi lớn hơn, đặc biệt nông thủy hải sản thế mạnh của Việt Nam sẽ được miễn thuế suất ngay khi hiệp định đi vào hiệu lực, điều này rất có lợi cho hàng nông sản Việt Nam.
Có thông tin cho rằng Mỹ muốn quay lại CPTPP. Nếu thực sự Mỹ quay lại thì Hiệp định có phải thay đổi điều khoản gì không, thưa ông?
Hiện nay tôi chưa thấy Mỹ có động thái nào thể hiện việc sẽ quay trở lại CPTPP. Đây là một hiệp định mở nên không chỉ Mỹ mà các nước nếu chấp nhận các tiêu chuẩn của CPTPP thì đều có thể tham gia. Các nước thành viên CPTPP sẽ xem xét việc tham gia của các thành viên mới.
Nhưng hiện nay chúng ta không bàn đến chuyện thay đổi CPTPP để theo yêu cầu của bất cứ nước nào. Mỹ nếu muốn quay trở lại cũng phải chờ CPTPP đi vào hoạt động.