Kiev từng có cơ hội thừa kế 1.240 đầu đạn hạt nhân từ Liên Xô. (Ảnh: AP)
Trong một cuộc phỏng vấn với đài phát thanh Deutschlandfunk của Đức, Đại sứ Ukraine tại Berlin Andrij Melnyk đã kêu gọi các nước phương Tây suy nghĩ về việc hỗ trợ nước này khôi phục tình trạng hạt nhân.
Ông Melnyk cho rằng Ukraine không chỉ cần sự hỗ trợ về mặt tinh thần mà còn cần các hệ thống vũ khí hiện đại.
“Có lẽ điều đáng để suy nghĩ về tình trạng vũ khí hạt nhân”, Đại sứ Ukraine tại Đức nói.
Đồng thời, trên trang Twitter cá nhân, ông Melnyk cũng nói thêm về việc Kiev đang yêu cầu sự hỗ trợ quân sự mạnh mẽ từ Đức, cũng như chấp nhận cho Ukraine gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) càng sớm càng tốt.
Mới đây, hôm 14/4, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Andrii Taran cho biết Nga đang chuẩn bị dự trữ vũ khí hạt nhân ở Crimea, cảnh báo rằng Moscow có thể tấn công Ukraine để đảm bảo nguồn cung cấp nước cho bán đảo này.
Phát biểu trước cuộc họp của Tiểu ban Quốc phòng của Nghị viện châu Âu tại Brussels (Bỉ), ông Taran lưu ý ông không thể loại trừ khả năng các lực lượng Nga ở Crimea có thể “thực hiện các hành động khiêu khích quân sự” vào năm 2021.
“Cơ sở hạ tầng của Crimea đang được chuẩn bị để có khả năng tích trữ vũ khí hạt nhân”, ông Taran cho hay, tuy nhiên không đưa ra bất cứ bằng chứng nào.
Trước đó, theo Hiệp hội kiểm soát vũ khí Mỹ, quy mô kho vũ khí hạt nhân của Liên Xô vào cuối năm 1990, lên tới hơn 10.200 đầu đạn hạt nhân. Sau sự tan rã của Liên Xô, số lượng các cường quốc hạt nhân trong Cộng đồng các Quốc gia Độc lập (SNG) chính thức có 4 nước ngoài Nga, còn có Ukraine, Belarus và Kazakhstan.
Trên lãnh thổ các nước cộng hòa mới độc lập này vũ khí chiến lược vẫn được bố trí. Trong tay Kiev có 1.240 đầu đạn dẫn đường riêng lẻ đứng thứ 3 thế giới, bao gồm 176 tên lửa đạn đạo liên lục địa và máy bay ném bom chiến lược có khả năng mang vũ khí hạt nhân.
Alma-Ata (Kazakhstan) có kho vũ khí nhỏ hơn nhưng cũng rất ấn tượng với 1.040 đầu đạn hạt nhân nhiều hơn cả số lượng vũ khí hạt nhân của Pháp, Trung Quốc và Anh cộng lại.
Sau nhiều nỗ lực của các bên đặc biệt sự hòa giải của Washington, Kiev đã được thuyết phục về sự cần thiết phải chuyển kho vũ khí chiến lược sang Moscow. Tháng 1/1994, trong một tuyên bố 3 bên của các nhà lãnh đạo Mỹ, Nga và Ukraine, Kiev đã xác nhận tình trạng phi hạt nhân của mình.
Việc từ chối vũ khí hạt nhân của Kiev được ghi nhận trong Bản ghi nhớ Budapest ngày 5/12/1994, theo đó, Ukraine, cùng với Belarus, đã tham gia Hiệp ước về không phổ biến vũ khí hạt nhân và cam kết có nghĩa vụ tạo điều kiện cho việc đưa tất cả vũ khí chiến lược đó ra khỏi lãnh thổ của mình.
Đổi lại, Mỹ, Anh và Nga hứa sẽ không gây áp lực kinh tế đối với Ukraine, cũng như tìm kiếm hành động của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngay lập tức trong trường hợp Kiev trở thành nạn nhân của cuộc xâm lược vũ trang. Như vậy, Nga không mất mát gì, mặc dù có những khó khăn nhất định, trở thành chủ sở hữu duy nhất kho vũ khí hạt nhân chiến lược do Liên Xô để lại.