Tranh cử vị trí Tổng Giám đốc UNESCO lần này có 9 ứng cử viên trên toàn thế giới. Quá trình phỏng vấn lần lượt từng ứng viên diễn ra trong hai ngày 26-27/4, trong đó ông Phạm Sanh Châu là người thứ 6 bước vào cuộc thi.
Ngày 26/4, các ứng cử viên gồm bà Moushira Khattab (Ai Cập), ông Juan Alfonso Fuentes Soria (Guatemala), ông Qian Tang (Trung Quốc), ông Saleh Al-Hasnawi (Iraq), bà Audrey Azoulay (Pháp) đã hoàn thành phần phỏng vấn của mình.
9 ứng cử viên cho vị trí Tổng Giám đốc UNESCO. (Ảnh: UNESCO)
Theo thông báo của vị Chủ tịch Hội đồng, Đại sứ Phạm Sanh Châu sẽ phải trả lời 6 câu hỏi.
Mở đầu buổi phỏng vấn, Đại sứ Phạm Sanh Châu cảm ơn Chính phủ Việt Nam đã lựa chọn ông làm đại diện ra tranh cử Tổng Giám đốc UNESCO, khẳng định đây là niềm vinh dự lớn đối với bản thân ông.
Sau đó, ông Châu nêu ra 3 tầm nhìn chính trong đề cương phát triển UNESCO của ông, đó là thúc đẩy hòa bình, nhu cầu phải cải cách, và đặc biệt là UNESCO cần phải thay đổi cách tiếp cận, cách truyền thông.
“UNESCO cần phải PR chính tổ chức của mình”, ông Châu nói.
Sau 10 phút thuyết trình của mình, Đại sứ Phạm Sanh Châu đã nhận được câu hỏi đầu tiên từ đại biểu nước Serbia về cách thức giải quyết sự mất cân bằng hiện nay trên thế giới.
Vị Đại sứ Việt Nam đã đưa ra câu trả lời rằng nhiệm vụ trước tiên của UNESCO là phải giải quyết vấn đề nội bộ và tầm nhìn, đó là cùng nhìn UNESCO như một tập thể gắn kết.
Và từ đó, UNESCO sẽ có môt hình ảnh nhất định trong con mắt của cộng đồng quốc tế.
Khi đã có được một sự đồng nhất trong nội bộ, và thống nhất về tầm nhìn, từ đó UNESCO mới có thể giải quyết sự mất cân bằng mà thế giới đang đối mặt.
"Làm sao để tạo đựng mối quan hệ tốt giữa 3 ban quản trị của UNESCO?", đại diện Malaysia đặt câu hỏi cho Đại sứ Phạm Sanh Châu.
Đáp lại, ông Châu khẳng định trước hết, muốn có người đứng đầu tốt thì cần những trợ lý tốt. Điều quan trọng là phải xây dựng được mối quan hệ tốt giữa Tổng Giám đốc và những người trợ lý.
Để tạo được mối quan hệ tốt giữa ba ban quản trị, vai trò của Tổng Giám đốc rất quan trọng vì phải đưa ra được những ý tưởng và truyền đạt ý tưởng đó cho tất cả các thành viên của UNESCO.
Muốn làm được điều này cần phải hiểu được sứ mệnh, tầm nhìn, mục tiêu của Tổ chức.
Bên cạnh đó, ông Châu nhấn mạnh việc thấu hiểu được quy trình làm việc, đồng thời hiểu được các ưu tiên, các mối quan tâm của từng nước thành viên.
Đại diện Nam Phi đặt câu hỏi cho ông Phạm Sanh Châu, rằng làm thế nào để phát huy việc bảo tồn di sản ở châu Phi cũng như tăng cường việc phổ biến kiến thức về châu Phi.
Trước câu hỏi này, Đại sứ Phạm Sanh Châu cho rằng việc bảo tồn những di sản ở châu Phi là công việc rất khó khăn, nhưng UNESCO cần quan tâm hơn đến khu vực này, tăng cường hỗ trợ năng lực cho các nước châu Phi.
Liên quan đến nhận thức của thế giới về châu Phi, ông Châu nhấn mạnh bên cạnh những thông tin về chính trị, kinh tế,… cộng đồng quốc tế cần tăng cường hơn nữa về châu lục này, qua đó làm giàu kiến thức và đa dạng văn hóa của nhân loại.
Trả lời câu hỏi của đại diện Ukraine về việc UNESCO cần làm thế nào để giảm tình trạng bất bình đẳng giới thông qua cải thiện giáo dục cho phụ nữ, Đại sứ Phạm Sanh Châu cho biết việc cải thiện nền giáo dục cho phụ nữ, qua đó giảm thiểu tình trạng bất bình đẳng giới là một trong những ưu tiên hàng đầu của ông, cũng như đã được nêu trong 9 mục tiêu thiên niên kỷ của UNESCO.
Ông tin rằng giáo dục là cốt lõi và cần được nhận được nhiều sự chú ý hơn. Giáo dục, đặt biệt là cho phụ nữ, cần được tạo điều kiện nhiều hơn để phát triển và mang lại những thành quả.
Theo ông Châu, UNESCO cần đưa ra những khuôn khổ phù hợp và cụ thể hơn cho từng nước trong việc nâng cao nền giáo dục cho phụ nữ. Cuối cùng, ông Châu cũng dẫn chứng rằng với kinh nghiệm của cá nhân khi từng là một giáo viên.
Ở một số nơi, nghề giáo vẫn chưa được quan tâm và coi trọng một cách đúng mực, dẫn đến việc nhiều giáo viên không còn tâm huyết với nghề và không thể tập trung vào việc truyền tải kiến thức.
Trả lời câu hỏi về các chương trình cải cách UNESCO của đại diện nước Anh, ông Phạm Sanh Châu nhấn mạnh rằng các chương trình của UNESCO cần phải cô động, tập trung hơn.
Tồn tại một nghịch lý rằng, các tổ chức luôn có nhu cầu cải cách nhưng các chương trình đưa ra nhiều khi không đem lại hiệu quả.
Ông Phạm Sanh Châu khẳng định ông có một chương trình riêng của mình và hứa hẹn sẽ nâng cao chất lượng các chương trình của UNESCO. Ông cho rằng đây là một cuộc thi thực chất, không như những cuộc bầu cử mang tính chất chính trị.
Liên quan đến câu hỏi của đại diện Slovenia, ông Châu nhấn mạnh tầm quan trọng của Natcom trong sự phát triển của UNESCO. UNESCO là tổ chức quan duy nhất có quan hệ với Natcom (đại diện cho các NGO, tổ chức dân sự..).
Natcom không những có vai trò như cầu nối, là người thực hiện các dự án, người phản hồi cho UNESCO mà còn đóng góp sáng kiến để UNESCO phát triển.
Trả lời câu hỏi của đại diện Đức rằng nếu được bầu làm Tổng Giám đốc, ông sẽ đảm đương trách nhiệm đó như thế nào.
Ông Sanh Châu chia sẻ rằng nếu được bầu, ông sẽ nỗ lực trở thành người bạn tin cậy, lắng nghe, quan tâm và kết nối của tất cả các thành viên.
UNESCO bao gồm nhiều lĩnh vực như văn hóa, giáo dục, khoa học xã hội, truyền thông, vì vậy, người đứng đầu phải am hiểu và có kĩ năng giải quyết tất cả các vấn đề có thể gặp phải trên các lĩnh vực.