Tuy nhiên, bà cam kết sẽ mang đến cho Ukraine "một số kết quả".
Trong cuộc phỏng vấn với Politico được công bố hôm 9/6, Smith nói: “Tôi nghĩ các đồng minh hiện đồng ý rằng lời mời thích hợp khó có thể được đưa ra khi họ đang tham gia vào một cuộc chiến toàn diện”.
Đại sứ Mỹ tại NATO Julianne Smith.
Tuy nhiên, khối quân sự do Mỹ đứng đầu muốn gửi thông điệp tới Kiev rằng họ quyết tâm tiếp tục ủng hộ lâu dài cho nước này, nhà ngoại giao Mỹ nhấn mạnh.
Bình luận của bà Smith được đưa ra vài ngày sau khi cựu tổng thư ký NATO Anders Rasmussen, người hiện đang là cố vấn cho Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky, tuyên bố một số quốc gia thành viên NATO có thể tình nguyện gửi binh lính đến Ukraine. Quan chức này nói thêm rằng kịch bản có thể xảy ra nếu khối không đảm bảo an ninh đủ mạnh cho Kiev vào tháng 7.
Phát biểu ngày 2/6, ông Zelensky khẳng định rằng Kiev “không tìm kiếm một sự thay thế cho NATO”.
Theo các phương tiện truyền thông, nhà lãnh đạo Ukraine nói với các đối tác phương Tây rằng ông sẽ không tham dự hội nghị thượng đỉnh Vilnius trừ khi được đảm bảo "cụ thể" hoặc có lộ trình trở thành thành viên đầy đủ của khối.
Trong khi một số quốc gia thành viên NATO đã nhiều lần lên tiếng ủng hộ việc Ukraine gia nhập tổ chức này, thì những cái tên nặng ký như Đức lại tỏ ra hoài nghi hơn.
Đầu tháng này, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock nói rõ rằng khối không thể “nói về tư cách thành viên mới giữa chiến tranh”.
NATO lần đầu tiên hứa hẹn một cách mơ hồ về việc cấp tư cách thành viên cho Ukraine vào năm 2008. Kiev chính thức nộp đơn xin gia nhập khối vào tháng 9 năm ngoái.
Nga coi việc NATO tiếp tục mở rộng về phía đông là mối đe dọa đối với an ninh của mình và đây là một trong những lý do khiến nước này tiến hành chiến dịch quân sự chống lại quốc gia láng giềng vào tháng 2/2022.