Động thái của ông Rogers đã gây những phản ứng trái chiều trong dư luận Anh.
Chính phủ Anh dự kiến sẽ kích hoạt Điều 50 của Hiệp ước Lisbon vào cuối tháng 3/2017 để chính thức khởi động tiến trình đàm phán Brexit với Liên minh châu Âu. Và ông Rogers được kỳ vọng sẽ đóng vai trò quan trọng trong tiến trình này, bởi ông là một nhà đàm phán nhiều kinh nghiệm và rất am hiểu về Liên minh châu Âu.
Vì vậy, việc ông Rogers từ chức trước thời điểm Chính phủ Anh kích hoạt Điều 50 đã ngay lập tức gây phản ứng mạnh trong dư luận Anh.
Theo cựu Phó Thủ tướng Nick Clegg, quyết định từ chức của ông Rogers là một tổn thất lớn, một “đòn giáng mạnh” vào kế hoạch Brexit của Chính phủ.
Còn nghị sĩ Công đảng Anh Hilary Benn thì cho rằng, quyết định của ông Rogers diễn ra vào thời điểm bước ngoặt, đồng thời kêu gọi Chính phủ Anh nhanh chóng tìm kiếm người thay thế ông Rogers.
Trái với Chính phủ tiền nhiệm, Chính phủ Anh hiện nay lại cho rằng quyết định của ông Rogers sẽ tạo điều kiện thuận lợi để Chính phủ nước này sớm bổ nhiệm người thay thế, sẵn sàng chuẩn bị cho tiến trình đàm phán Brexit với Liên minh châu Âu.
Cựu Chủ tịch đảng Độc lập Anh (UKIP), Nigel Farage đã ngay lập tức bày tỏ hài lòng trước quyết định từ chức của ông Rogers, đồng thời kêu gọi Chính phủ Anh sớm lựa chọn một người trong giới doanh nhân, chứ không phải trong giới ngoại giao để dẫn dắt cuộc đàm phán giữa Anh với Liên minh châu Âu.
Ông Nigel Farage nói:
“Tôi hài lòng với quyết định của ông Rogers. Ông ấy là người yêu châu Âu. Ông ấy dẫn dắt cuộc đàm phán của ông Cameron và mọi thứ đã xấu đi. Rồi một ngày ông ấy lại đưa ra những bình luận tiêu cực về tiến trình Brexit.
Ông ấy là người không phù hợp cho công việc. Lẽ ra ông ấy cần phải tuyên bố ngay sau khi có kết quả cuộc trưng cầu ý dân. Chính phủ Anh cần tìm một người cứng rắn, một người không bị ám ảnh về tiến trình đàm phán. Một người trong giới doanh nhân sẽ phù hợp hơn cả”.
Còn cựu thành viên đảng Bảo thủ John Redwood cũng ca ngợi ông Rogers, gọi quyết định của ông là một quyết định khôn ngoan.
Tờ “Thời báo Tài chính” ngày 3/1 đã ngay lập tức có bài bình luận rằng Đại sứ Anh tại Liên minh châu Âu Ivan Rogers đã “gây sốc” cho giới chức nước này ngay trước thềm đàm phán về việc rời khỏi Liên minh châu Âu, còn gọi là Brexit khi ông đột nhiên đưa ra tuyên bố từ chức.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến quyết định khá bất ngờ này có thể bắt nguồn từ những mâu thuẫn, căng thẳng giữa ông với một số thành viên nội các về tiến trình Brexit.
Theo một số nguồn tin, mối quan hệ giữa ông Rogers và đội ngũ cố vấn của Thủ tướng Theresa May đã lâm vào tình trạng căng thẳng trong một vài tháng trở lại đây.
Ông Rogers vẫn thường hạ thấp khả năng đạt được một “Brexit mềm”, ám chỉ việc Anh và Liên minh châu Âu có thể ký kết thỏa thuận, đặc biệt trên lĩnh vực thương mại, khi Anh ra khỏi liên minh. Theo ông, kịch bản dễ xảy ra nhất là Anh sẽ phải rời khỏi thị trường chung cũng như liên minh thuế quan của Liên minh châu Âu.
Ông Rogers thậm chí đã vấp phải không ít sự chỉ trích của dự luận sau một tuyên bố được cho là khá bi quan của ông về thỏa thuận thương mại giữa Anh và Liên minh châu Âu có thể kéo dài đến 10 năm mới hoàn tất.
Dự kiến, tiến trình đàm phán giữa Chính phủ Anh với các nước thành viên Liên minh châu Âu sẽ kéo dài 2 năm. Một thỏa thuận về Brexit cần phải hoàn tất vào tháng 10/2018 để được thông qua tại Nghị viện châu Âu vào tháng 3/2019./.