Những hiểu lầm về nạn buôn bán người
Ngày thế giới phòng, chống mua bán người (WDATIP) năm nay có chủ đề: "Hướng tới tất cả nạn nhân bị mua bán, không để ai bị bỏ lại phía sau".
Tổ chức Di cư quốc tế (IOM), Liên hợp quốc đã phối hợp với Đại sứ quán Australia, Canada, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ thực hiện một đoạn phim ngắn để làm rõ những quan niệm sai về mua bán người và nâng cao nhận thức của cộng đồng về vấn đề này, cũng như kêu gọi các hành động bảo vệ nạn nhân bị mua bán.
Tham gia vào sự kiện này còn có tiếng nói của cựu Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam, Top 5 Hoa hậu Hoàn vũ Thế giới 2018 - H’hen Niê.
Cụ thể, các hiểu lầm về vấn nạn mua bán người gồm có: Chỉ có phụ nữ và trẻ em gái là nạn nhân bị mua bán; Mua bán người không xảy ra trên môi trường trực tuyến; Biến đổi khí hậu không liên quan đến mua bán người...
Nhân ngày Toàn quốc phòng, chống mua bán người diễn ra cùng ngày với WDATIP, IOM cùng Đại sứ các nước và Hoa hậu H’hen Niê muốn nêu cao thông điệp “Con người không phải là hàng hóa. Mỗi người là một món quà” nhằm kêu gọi cộng đồng cùng chung tay và cất cao tiếng nói chống lại nạn mua bán người, cùng bảo vệ và trao quyền cho tất cả các nạn nhân để họ có thể xây dựng cuộc sống và phát huy hết năng lực của mình.
Theo Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, trong 5 năm từ 2018 – 2022, Việt Nam đã phát hiện 440 vụ mua bán người với 876 đối tượng vi phạm và 1.240 nạn nhân.
Trong số 90 vụ được điều tra thì có 49 vụ liên quan đến mua bán người xuyên quốc gia sang Trung Quốc và Campuchia.
Theo báo cáo của Bộ Công an, trong số nạn nhân trình báo có 744 nạn nhân nữ, 275 nạn nhân nam, 841 nạn nhân trên 16 tuổi và 178 nạn nhân dưới 16 tuổi. Các hình thức mua bán người đã phát hiện bao gồm bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể và các mục đích vô nhân đạo khác. Các thống kê cũng cho thấy số nạn nhân bị mua bán là nam giới ngày càng tăng một cách đáng báo động.
Trong những năm gần đây, Việt Nam đã có những nỗ lực đáng kể nhằm tạo môi trường di cư an toàn, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người di cư và các hoạt động phòng, chống mua bán người. Trong quá trình triển khai Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030, Chính phủ Việt Nam đưa ra nhiều giải pháp, nhiệm vụ mới trong phòng, chống mua bán người trên tất cả các lĩnh vực, như nâng cao năng lực điều tra, truy tố và đưa ra xét xử nhiều đối tượng mua bán người hơn, tăng cường hợp tác quốc tế trong thực thi pháp luật và khởi tố hình sự đối với các cán bộ bị cáo buộc đồng lõa.
Biến đổi khí hậu là một nguyên nhân thúc đẩy quá trình di cư
Là một trong những quốc gia ở khu vực sông Mê kông, Việt Nam phải đối mặt với tác động nặng nề của nước biển dâng, xâm nhập mặn, hạn hán nghiêm trọng, sụt lún đất và các tác động khí hậu khác.
Theo Báo cáo Kinh tế thường niên Đồng bằng sông Cửu Long năm 2020, có 1,3 triệu người đã rời khu vực đồng bằng sông Cửu Long trong 10 năm qua do thiếu đất canh tác, thiếu việc làm và cơ hội tạo thu nhập, cũng như để phòng, tránh thiên tai.
Chỉ riêng trong năm 2022, đã có khoảng 353.000 lượt di cư nội địa do thiên tai và con số này dự đoán sẽ tăng lên rất nhanh. Biến đổi khí hậu ngày càng ảnh hưởng đến cuộc sống và khả năng dịch chuyển của người dân, đặc biệt là nhóm người dễ bị tổn thương do phụ thuộc chủ yếu vào các nguồn sinh kế chính.
Tổng Điều tra dân số và nhà ở năm 2019 cho thấy tỉ lệ di cư ra nước ngoài ở đồng bằng sông Cửu Long là 45%. Đây là tỉ lệ cao nhất trong cả nước, cao gấp đôi tỉ lệ di cư ra nước ngoài trung bình của cả nước là 20%.
Việc di cư và những tác động khác như biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế của quốc gia, đe dọa đến sự an toàn, sinh kế và cuộc sống của các nhóm người dễ bị tổn thương như người nghèo, phụ nữ, trẻ em, người già, người dân tộc thiểu số và người khuyết tật.