Theo Business Insider, sự thật đằng sau những thông tin này còn phụ thuộc vào nhiều ẩn số. Nhưng điều đó cho thấy Bắc Kinh đang rất chú ý đến việc đảo Đài Loan (Trung Quốc) phát triển các loại vũ khí tiên tiến có thể đối đầu với kẻ thù, và thậm chí đánh sập một số trung tâm chỉ huy và bệ phóng tên lửa trên đất liền.
Báo Trung Quốc coi thường tên lửa Đài Loan
Bài báo trên Tạp chí Công nghệ Khoa học Công nghiệp Quân sự số cuối tháng 11/2023 của Trung Quốc đã nhắc đến một phiên bản tầm xa mới của tên lửa hành trình tấn công mặt đất Hsiung Feng IIE của Đài Loan - giống với tên lửa Tomahawk của Mỹ. Biến thể mới có tầm bắn ước tính từ 1.000 đến 1.500 km, giúp nó có thể hoạt động trong phạm vi rộng lớn của vùng ven biển Trung Quốc, cũng như các mục tiêu nội địa ở trung tâm nước này.
Theo South China Morning Post (SCMP) - tờ báo đầu tiên tiết lộ bài báo, tạp chí Trung Quốc cho rằng loại tên lửa này vì "kích thước tương đối lớn, tốc độ cận âm và thiếu công nghệ tàng hình khiến nó dễ bị phát hiện".
Đài Loan luôn giấu kín chương trình tên lửa của mình và thông tin chi tiết có phần khó nắm bắt. Theo chương trình Đe dọa Tên lửa tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Washington, Đài Loan được biết có 6 loại tên lửa hành trình khác nhau, bao gồm cả vũ khí tấn công mặt đất và chống hạm để ngăn chặn kẻ thù tấn công.
Nhưng "Đài Loan đã bắt đầu phát triển và triển khai các hệ thống tên lửa phù hợp hơn cho các nhiệm vụ tấn công, bao gồm cả tên lửa hành trình tấn công mặt đất tầm xa hơn", CSIS cho biết.
Tờ SCMP cũng lưu ý: "Trong báo cáo gửi cơ quan lập pháp Đài Loan vào năm 2022, cơ quan quốc phòng của hòn đảo cho biết, tên lửa có thể mang theo hai đầu đạn - một đầu đạn có sức nổ mạnh nhằm vào các trung tâm chỉ huy và nơi trú ẩn, và một đầu đạn phân tán có thể tấn công các sân bay".
Tuy nhiên, theo Business Insider, phải đến tháng 8/2023, truyền thông Đài Loan mới đăng tải một đoạn video về cảnh có vẻ như là buổi ra mắt thử nghiệm Hsiung Feng IIE. Cũng có thông tin cho rằng Đài Loan đang phát triển tên lửa hành trình siêu thanh Ching Tien (trước đây gọi là Yun Feng) với tầm bắn 2.000 km.
Tên lửa đóng vai trò quan trọng trong tác chiến
Một số chuyên gia Mỹ muốn Đài Loan mua thêm tên lửa, thay vì tiêm kích F-16 đắt tiền và xe tăng M1 Abrams. Theo quan điểm của họ, trước một cuộc đổ bộ của Quân Giải phóng nhân dân (PLA) sẽ là một cuộc oanh tạc quy mô lớn bằng tên lửa nhằm tàn phá các căn cứ không quân và xe bọc thép của hòn đảo. Tốt hơn nên đầu tư vào các vũ khí phòng thủ tương đối rẻ như tên lửa, máy bay không người lái và mìn.
Tên lửa được phóng bởi Đài Loan và Mỹ đã đóng vai trò quan trọng trong một chương trình giả lập cuộc đổ bộ của lực lượng Đại lục lên đảo, được CSIS tiến hành vào năm ngoái.
Mark Cancian - cố vấn cấp cao của CSIS - nói với Business Insider rằng: "Các nhóm tác chiến của Mỹ và liên minh tập trung vào các cảng và sân bay, tấn công bằng tên lửa hành trình tầm xa, thường là JASSM [tên lửa liên hợp không đối đất ngoài tầm phòng không]."
Trong chương trình giả lập, Đài Loan đã sử dụng tên lửa của mình để chống lại hạm đội của PLA ở eo biển Đài Loan, thay vì tấn công các cảng.
Tuy nhiên, "một câu hỏi nhạy cảm là liệu đảo Đài Loan có bao giờ tấn công trước" và tấn công hạm đội khi nó vẫn đang neo đậu hay không, Cancian nói. "Phía Đài Loan nói rằng họ sẽ không làm như vậy."
Đài Loan thiếu năng lực ISR
Nhưng liệu tên lửa hành trình tầm xa của Đài Loan có thể xuyên thủng hệ thống phòng thủ của Trung Quốc Đại lục? - Business Insider đặt câu hỏi.
Theo các chuyên gia, cuộc chiến tại Ukraine đã cho thấy, tên lửa hành trình cận âm có thể bị đánh chặn bởi các tên lửa phòng không như Patriot của Mỹ và S-300 của Nga. Trung Quốc có một loạt hệ thống phòng thủ tên lửa, bao gồm S-400 của Nga, HQ-15 (phiên bản Trung Quốc của S-300) và HQ-16 (dựa trên Buk của Nga).
Tuy nhiên, thông tin chi tiết về hệ thống phòng không của Trung Quốc – bao gồm việc tích hợp tên lửa, radar và hệ thống chỉ huy – rất khan hiếm. Và Trung Quốc có có rất nhiều lãnh thổ cần bảo vệ, bao gồm khoảng 14.500 km bờ biển.
Theo các chuyên gia, dù thế nào đi nữa, năng lực kỹ thuật của tên lửa hành trình Đài Loan có thể không phải là vấn đề lớn nhất. Lực lượng trên đảo thiếu năng lực ISR (tình báo, giám sát và trinh sát) đầy đủ để đảm bảo tên lửa có thể bắn trúng mục tiêu cách xa hàng ngàn km.
Masao Dahlgren - chuyên gia phòng thủ tên lửa tại CSIS - nói với Business Insider rằng: "Đài Loan cần năng lực ISR tốt hơn cho các tên lửa tầm xa của mình, đặc biệt là chống lại các mục tiêu di động." Trong khi đó, lực lượng tên lửa của Đại lục dựa vào các bệ phóng gắn trên xe tải có thể di chuyển xung quanh để tránh bị phát hiện.
Đặc biệt, Đài Loan thiếu chương trình không gian quân sự có thể phát triển vệ tinh do thám, khiến hòn đảo này phải phụ thuộc vào dữ liệu nhắm mục tiêu từ vệ tinh của Mỹ.
"Họ [Đài Loan] đã công bố các hợp đồng với đối tác tư nhân để chế tạo máy bay không người lái trinh sát", Dahlgren cho biết. "Nhưng để phát triển toàn bộ năng lực phát hiện và tấn công mục tiêu toàn diện, vẫn còn một chặng đường dài phía trước."
Đài Loan có thể sử dụng dữ liệu từ các vệ tinh thương mại, nhưng thiết bị không gian thuộc sở hữu tư nhân có thể không có năng lực tương đương với các thiết bị quân sự.
"Khi nói về các cuộc tấn công sâu vào Trung Quốc Đại lục, chắc chắn sẽ có một số mục tiêu chiến lược cố định. Tôi cho rằng Đài Loan sẽ dựa vào vệ tinh thương mại để biết những mục tiêu đó ở đâu", Dahlgren nói.