"Đài Loan không thể chống nổi Trung Quốc đổ bộ"

Tuấn Vũ |

Theo Sina, dù sở hữu những khẩu pháo do Mỹ sản xuất, nhưng do số lượng ít nên Đài Loan sẽ không chống nổi cuộc đổ bộ quy mô lớn từ Trung Quốc.

Trung Quốc răn đe

Mạng Sina cho rằng, lực lượng pháo binh Đài Loan hiện đang có trong trang bị khoảng trên 1.650 đơn vị pháo các loại chưa kể tới các hệ thống pháo phản lực phòng loạt.

Trong đó có pháo pháo tự hành M110 203 mm có tầm bắn từ 16,8 km đến 25 km, pháo tự hành M109A2/A5 do Mỹ chế tạo, pháo M110...

Tuy nhiên, hầu hết trang bị của pháo binh Đài Loan đều đã có tuổi đời hơn 70 năm. Với kho vũ khí như vậy sẽ không có cơ hội nào cho Đài Loan khi phải đối đầu với một chiến dịch đổ bộ quy mô lớn từ Trung Quốc vốn sở hữu sức mạnh quân sự áp đảo hơn.

Và mặc dù không coi trọng năng lực chống đổ bộ của Đài Loan nhưng theo Want Daily, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã nhân đôi quy mô của các sư đoàn cơ giới đổ bộ (AMID) nhằm tăng khả chiến đấu trong trường hợp xảy ra xung đột với Đài Loan hay chiến tranh ở biển Hoa Đông.

 Đài Loan không thể chống nổi Trung Quốc đổ bộ - Ảnh 1.

Hải quân Trung Quốc diễn tập đổ bộ

Theo nguồn tin trên, PLA trước đây chỉ có 2 AMID, một đóng tại quân khu Nam Ninh và một đóng tại quân khu Quảng Châu, bao gồm tổng cộng từ 26.000 đến 30.000 binh lính.

Tuy nhiên, trong giai đoạn từ 2007 đến 2012, sư đoàn bộ binh cơ giới 86 của cụm tập đoàn quân số 31 Nam Ninh và sư đoàn bộ binh cơ giới 123 của cụm tập đoàn quân số 41 Quảng Châu đều đã cải tổ để trở thành 2 AMID, nâng số binh lính hiện có lên 52.000 đến 60.000.

Bốn AMID sẽ tăng cường sức mạnh chiến đấu của Trung Quốc và càng nguy hiểm hơn khi kết hợp với 20.000 quân từ lực lượng Thuỷ quân lục chiến PLA để tiến hành các hoạt động tấn công. Mỗi AMID sẽ có 3 nhóm chiến đấu và có thể mang theo hơn 300 phương tiện đổ bộ.

PLA dường như đang muốn đa dạng hoá khả năng đổ bộ của lực lượng bộ binh và củng cố sức mạnh của lực lượng thuỷ quân lục chiến như một biện pháp tăng cường chủ quyền tại eo biển Đài Loan.

Lầu Năm Góc đã nhận ra rằng PLA đang tăng cường khả năng cơ động của quân đội nhằm chuẩn bị cho trường hợp xảy ra xung đột với Đài Loan từ năm 2008.

Trong một tài liệu vào năm 2014, Mỹ cũng cho biết Trung Quốc đang muốn cải thiện khả năng đổ bộ của binh lính do một trong những lựa chọn chiến lược của PLA là đánh chiếm toàn bộ Đài Loan trước khi những nước khác kịp can thiệp.

Đài Loan đón lõng

Trong khi Sina coi thường năng lực của pháo binh Đài Loan thì trang Chinamil lại có nhận định trái ngược hoàn toàn khi cho rằng Trung Quốc đang thực sự e ngại năng lực chống đổ bộ của hòn đảo Đài Loan.

Hồi đầu năm 2016, tờ Chinamil của Trung Quốc đã thừa nhận, khả năng chống tấn công đổ bộ từ bờ biển của Đài Loan là rất tốt, không những thế họ lại còn tích cực cải tiến vũ khí.

Và bằng chứng mới nhất là hệ thống rocket 84 nòng được giới thiệu. Đây được xem là hệ thống phòng thủ bờ biển tầm ngắn rất hiệu quả và sẽ được quân đội Đài Loan trang bị trên diện rộng.

Với 84 ống phóng hệ thống này sẽ tạo ra một cơn mưa tên lửa giáng xuống những lực lượng đổ bộ hùng mạnh nhất, tờ Chinamil phân tích. Hệ thống tên lửa này được trang bị với hệ thống điều khiển từ xa hoạt động hiệu quả dọc bờ biển.

Và đặc biệt theo cựu Đại tá của lực lượng Thuỷ quân lục chiến Đài Loan, Yi-Jia Shiah, AMID rất khác biệt so với lục quân và mối lo ngại này thực sự không nguy hiểm như các lời đồn đoán.

Ngoài ra lực lượng AMID và lục quân Trung Quốc vẫn chưa có hệ thống chỉ huy chung, điều có thể sẽ gây ra sự rối loạn trong trường hợp thực chiến khi AMID sẽ nghe theo lệnh của chỉ huy quân khu còn Hải quân Trung Quốc sẽ điều khiển lực lượng thuỷ quân lục chiến, ông Shiah cho hay.

Nhận định của Đại tá Yi-Jia Shiah là hoàn toàn có cơ sở khi đảo Đài Loan đã triển khai loạt vũ khí chống đổ bộ hạng nặng để "đón lõng" Trung Quốc. Ngay từ giữa năm 2013, Đài Loan đã đưa vào trang bị hệ thống pháo phản lực phóng loạt mới mang tên Ray-Ting 2000 có khả năng chống các cuộc đổ bộ.

Các tổ hợp Ray-Ting 2000 (Thần sấm 2000) đầu tiên được bố trí tại đảo Matsu và hoàn toàn có khả năng vươn hỏa lực qua eo biển Đài Loan tới tỉnh Phúc Kiến của Trung Quốc. Số lượng Ray-Ting 2000 vừa đưa vào trang bị không được tiết lộ, song có thông tin cho biết Đài Loan dự kiến mua tổng cộng 50 tổ hợp này.

Ray-Ting 2000 có khả năng tiêu diệt các mục tiêu từ khoảng cách 45 km. Tốc độ bắn của tổ hợp này đạt 40 quả đạn mỗi phút. Các tổ hợp pháo phản lực phóng loạt Ray-Ting 2000 sử dụng 3 loại rocket với cỡ nòng khác nhau cho từng loại mục tiêu.

Ngoài việc triển khai hệ thống Ray-Ting 2000, Đài Loan còn triển khai nhiều loại pháo hạng nặng và liên tiếp tổ chức nhiều cuộc diễn tập chống đổ bộ nhằm đối phó với Trung Quốc. Hồi giữa năm 2013, Đài Loan đã tỏ chức cuộc tập trận chống đổ bộ lớn nhất kể từ năm 2008.

Cuộc tập trận bắn đạn thật có sự tham gia của hơn 7.000 binh sĩ và 21 loại vũ khí khác nhau. Tham gia cuộc tập trận với nội dung chống đổ bộ có sự xuất hiện của hệ thống phóng đa tên lửa Ray-Ting 2000. Nguồn tin quân sự Đài Loan tiết lộ thêm, có khoảng trên 100 tên lửa được phóng đi từ 9 bệ phóng trong cuộc tập trận lần này.

Ngoài ra, trong kho tên lửa chống hạm của Đài Loan còn có hiện nay còn có số lượng lớn tên lửa chống hạm cực mạnh Hùng Phong do hòn đảo này tự phát triển và những tên lửa có nguồn gốc từ Mỹ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại