Đài Loan dằn mặt đanh thép: Bắc Kinh "sẽ trả giá đắt" nếu dám tấn công quân sự

Hồng Anh |

Trước những cảnh cáo gần đây từ Bắc Kinh, đại diện cơ quan phụ trách vấn đề Đại lục của chính quyền Đài Loan khẳng định Đài Loan sẵn sàng tự vệ nếu cần thiết.

Đài Loan "đủ tiềm lực quốc phòng để tự vệ" trước Trung Quốc

Asia Times ngày 25/12 đưa tin, cơ quan phụ trách vấn đề Đại lục của chính quyền Đài Loan đã tổ chức cuộc họp báo về những vấn đề liên quan tới quan hệ giữa hai bờ eo biển Đài Loan.

Trả lời các phóng viên, bà Chang Hsiao-Yueh, người đứng đầu cơ quan, tuyên bố đanh thép rằng Trung Quốc sẽ phải "trả giá đắt" nếu có ý định tấn công Đài Loan. Bà Chang cũng "nhắc nhở" Mỹ không sử dụng đảo Đài Loan làm "miếng mồi" để thương lượng trong các cuộc đàm phán với Bắc Kinh.

Gần đây, căng thẳng giữa Trung Quốc Đại lục và Đài Loan ngày càng gia tăng sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thông qua Đạo luật ủy quyền quốc phòng (NDAA) của năm tài chính 2018, mở đường cho các tàu Hải quân Đài Loan và Mỹ viếng thăm qua lại cảng của nhau. 

Đáp trả quyết định này, công sứ Trung Quốc tại Mỹ Lý Khắc Tân cảnh cáo Đài Loan: "Ngày chiến hạm Mỹ tới Cao Hùng chính là ngày Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) thống nhất Đài Loan."

Tuy nhiên, cũng giống lãnh đạo Thái Anh Văn, bà Chang kiên quyết kêu gọi Trung Quốc Đại lục giữ vững hòa bình và ổn định khu vực.

"Tôi nghĩ Đài Loan có đủ tiềm lực quốc phòng để tự vệ. Nếu Trung Quốc tấn công vũ trang Đài Loan, thì chắc chắn họ sẽ phải trả giá rất đắt. Xét về những động thái từ trước đến nay của Trung Quốc, tôi tin rằng sử dụng vũ lực là phương án cuối cùng của họ nếu những cách khác thất bại. Tuy nhiên, hiện nay có lẽ họ vẫn đang cân nhắc những cảnh báo của chính quyền Đài Loan nên tạm thời chưa động binh," bà Chang cho biết.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc liên tục phát triển quy mô và hiện đại hóa lực lượng vũ trang, do đó các chuyên gia đã nhận định lực lượng Đài Loan có thể không còn lợi thế về công nghệ khi đối mặt với PLA. 

Trong báo cáo chính trị trước Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 19 của đảng Cộng sản Trung Quốc hồi tháng 10, chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố "sẵn sàng ngăn chặn Đài Loan độc lập bằng bất cứ giá nào".

Ông Tập tuyên bố tương tự tại lễ kỷ niệm 90 năm thành lâp PLA hồi giữa năm nay, "Không một cá nhân, tập thể hay đảng phái chính trị nào, vào bất cứ thời điểm hay bằng bất cứ cách thức nào, được phép chia tách dù chỉ một phần lãnh thổ thuộc Trung Quốc."

Đài Loan dằn mặt đanh thép: Bắc Kinh sẽ trả giá đắt nếu dám tấn công quân sự - Ảnh 1.

Bà Chang Hsiao-Yueh, người đứng đầu cơ quan phụ trách vấn đề Đại lục của chính quyền Đài Loan. Ảnh: Asia Times.

Bình luận về triển vọng quan hệ hai bờ eo biển sau Đại hội 19 của ĐCSTQ, bà Chang dự đoán Bắc Kinh sẽ tiếp tục tiến hành diễn tập quân sự để phô trương sức mạnh và theo đuổi mục tiêu cô lập Đài Loan trên trường ngoại giao quốc tế. 

Theo bà, bản báo cáo của ông Tập Cận Bình đề cập những vấn đề trao đổi kinh tế và văn hóa giữa Đài Loan và Đại Lục, tuy nhiên không hề đề cập việc tấn công vũ trang hay ấn định thời gian cụ thể Trung Quốc muốn thống nhất Đài Loan.

"Trung Quốc áp dụng chính sách 'cây gậy và củ cà rốt' với Đài Loan trong chiến lược 5 năm tới," bà Chang nhận định.

"Đừng lấy Đài Loan làm 'miếng mồi' thương lượng"

Kể từ năm 1979, Mỹ đã công nhận Đài Loan là một phần lãnh thổ thuộc Trung Quốc và thiết lập quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh. 

Tổng thống Donald Trump là trường hợp đầu tiên phá vỡ thông lệ khi nhận cuộc điện đàm chúc mừng đắc cử từ bà Thái Anh Văn ngày 2/12/2016. Tuy nhiên, sau lễ nhậm chức, ông Trump đã trở lại cam kết tuân thủ chính sách "Một Trung Quốc" để bảo đảm những nhượng bộ khác từ Bắc Kinh.

Bà Chang xác nhận Đài Loan đã vận động Mỹ trước chuyến thăm chính thức của ông Trump tới Bắc Kinh vào tháng trước để ông không đề cập vấn đề Đài Loan trong cuộc gặp với ông Tập Cận Bình.

Bà cho hay, "Theo tính toán và phân tích của chúng tôi, Mỹ sẽ không sử dụng Đài Loan làm ‘miếng mồi’ thương lượng khi đàm phán với Trung Quốc về các vấn đề kinh tế, thương mại và khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên."

Vừa qua, chính quyền ông Trump tái khẳng định sẽ nỗ lực cân bằng cán cân mong manh giữa duy trì quan hệ với Trung quốc và cung cấp vũ khí cho Đài Loan trong Chiến lược An ninh Quốc gia mới:

"Mỹ sẽ duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Đài Loan, đồng thời vẫn ủng hộ chính sách 'Một Trung Quốc' và đảm bảo tuân thủ các cam kết trong Đạo luật Quan hệ Đài Loan – trong đó yêu cầu Mỹ hỗ trợ vũ khí và phòng thủ cho Đài Loan."

Chiến đấu cơ Trung Quốc "bao vây" các đảo gần Đài Loan. Nguồn: SCMP.

Đài Loan có thực sự cạnh tranh được với Trung Quốc Đại lục?

Trung Quốc phản ứng gay gắt trước đạo luật NDAA 2018 của Mỹ.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lu Kang cho biết, các điều khoản không bắt buộc liên quan đến Đài loan trong NDAA có thể "gây tổn thất lợi ích chung của Trung Quốc và Mỹ, và làm tổn hại tình hình an ninh và ổn định của Đài Loan-Đại Lục."

Bà Bonnie Glaser, giám đốc Dự án Năng lượng Trung Quốc thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington DC, cho biết từ lâu Bắc Kinh đã phản đối mạnh mẽ các chuyến viếng thăm của tàu hải quân Mỹ đối với Đài Loan, và dự đoán khả năng cao là Mỹ sẽ không thực hiện động thái này.

"Những rủi ro tại Đài Loan quá lớn so với những lợi ích Mỹ thu được từ mối quan hệ Mỹ - Trung. Mỹ có nhiều cách khác để thực hiện cam kết với Đài Loan nếu họ muốn," bà nói.

Euan Graham, giám đốc Chương trình An ninh Quốc tế tại Viện Lowy ở Australia, cho biết ông nhận định bình luận của ông Lý Khắc Tân chỉ mang tính chất "khơi mào" nhằm thu hút sự phản đối của những người ủng hộ mối quan hệ Trung – Mỹ.

Trong những năm qua, Trung Quốc đã tập trung phát triển quân sự và đầu tư vào những vũ khí tân tiến, bao gồm hệ thống tên lửa đất-đối-không S-400 do Nga sản xuất.

"Đối mặt với Trung Quốc, Đài Loan không còn lợi thế cạnh tranh về mặt quân sự, và rõ ràng số đông đang ủng hộ Trung Quốc," ông Graham cho biết.

"Trước đây Đài Loan từng có lợi thế về kĩ thuật so với Trung Quốc, một phần là do nguồn vũ khí nhập khẩu từ Mỹ. Nhưng hiện nay tình thế đã hoàn toàn đảo ngược."

Ông Graham nói, "Tôi đã tới Đài Loan 6 tuần trước, và theo những điều tôi được chứng kiến và trải nghiệm, sức mạnh quân sự Đài Loan hoàn toàn không thể cạnh tranh với Trung Quốc." 

Theo ông, Đài Loan nên cân nhắc lại hệ thống phòng thủ, đồng thời đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và "quyền lực mềm" nếu muốn đối đầu với Bắc Kinh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại