Đại kết cục của chiến tranh Syria, chiến dịch Idlib sẽ nổ súng khi nào?
Ngày 16/12, tờ Asharq al-Awsat có trụ sở tại London dẫn tuyên bố của Dmitry Peskov, phát ngôn viên của Điện Kremlin nhấn mạnh rằng Thổ Nhĩ Kỳ phải có trách nhiệm trong việc loại trừ các nhóm khủng bố ở tỉnh Idlib của Syria.
"Nga thấy việc hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ trong vấn đề nghiêm trọng này là không thể thay thế.
Chúng tôi quan ngại về các mối đe dọa khủng bố còn lại ở Idlib. Cho đến nay chúng tôi đã không thể tách biệt các nhóm khủng bố (ra khỏi các nhóm phiến quân "ôn hòa"). Chúng vẫn tiếp tục hoạt động ở đó, trở thành mối đe dọa với quân đội Syria và lực lượng Nga.
Sự hợp tác vẫn đang tiếp tục và gần đây, hai tổng thống (Nga và Thổ Nhĩ Kỳ) đã xác nhận ý định tiếp tục hợp tác về vấn đề Idlib trong khuôn khổ các thỏa thuận đã ký kết ở Sochi".
Trong bối cảnh Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran càng ngày càng quan hệ mật thiết, phiến quân Syria liệu có bị bỏ rơi?
Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recept Erdogan đã có một cuộc điện đàm vào ngày 10/12 về tình hình tại Syria và Libya cũng như các mối quan hệ song phương và các vấn đề khu vực.
Quan trọng hơn cả, hai lãnh đạo đã lên kế hoạch gặp nhau tại Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 1/2020.
Theo Reuters, ngoài chủ đề chính là đàm phán về tuyên bố sẽ đưa quân tới Libya của Thổ Nhĩ Kỳ, ông Putin sẽ thống nhất về phương thức triển khai một chiến dịch quân sự ở tỉnh Idlib với ông Erdogan.
Rõ ràng, chiến dịch quân sự quy mô lớn cuối cùng trong hơn 8 năm chiến tranh ở Syria sẽ bước vào giai đoạn quyết định sau cuộc gặp nói trên.
Trang tin OGN (ủng hộ phiến quân) phỏng vấn một tay súng ẩn nấp trong giao thông hào tại đông nam Idlib.
Thổ Nhĩ Kỳ có "lằn ranh đỏ" hay không?
Ngày 10/12, tại thủ đô mới Nur-Sultan của Kazakhstan, các đại diện Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đã tham dự vòng đàm phán thứ 14 (cuộc đàm phán đầu tiên diễn ra tháng 1/2017) về tương lai của Syria hay còn có tên khác là "quá trình Astana".
Theo ông Sanat Kushkumbaev, phó giám đốc Viện nghiên cứu chiến lược Kazakhstan: "Đàm phán tập trung vào các "vấn đề kỹ thuật" ở miền bắc của Syria, bao gồm Idlib và tả ngạn sông Euphrates. Chủ yếu là về việc mở rộng các thỏa thuận trước đây liên quan đến khu vực".
Tuy thực tế trên chiến trường có sự thay đổi từng ngày, nhưng các quốc gia có liên quan tới chiến sự Syria (Nga,Thổ và Iran) đều cho thấy họ đang sử dụng kết quả của "quá trình Astana" để định hình Syria tương lai.
Bản đồ "Thỏa thuận Astana" năm 2017 và khu vực quân đội Syria kiểm soát tại phía nam tỉnh Idlib vào tháng 8/2019.
Sau các chiến dịch Abu Duhour (2017-2018), quá trình phi quân sự hóa Idlib (2018), chiến dịch "Bình minh Idlib"(từ tháng 4 đến tháng 8/2019), có thể thấy rõ khu vực phiến quân kiểm soát ở Idlib đã dần được "phân chia" cho 3 thế lực là Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Iran.
Thực tế trên chiến trường cho thấy "thỏa thuận Astana" được ký năm 2017 không được thực hiện chính xác "từng li từng tí", Quân đội Arab Syria (SAA) vẫn tiếp tục kiểm soát một số điểm có giá trị quân sự nằm trong vùng ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ.
Vậy "lằn ranh đỏ" của Thổ Nhĩ Kỳ nằm ở khu vực nào, và nếu có thì nó sẽ ảnh hưởng như thế nào tới diễn biến cuộc chiến?
Để xác định "lằn ranh đỏ", chúng ta cần xem xét tới khái niệm "vùng an toàn" của Thổ Nhĩ Kỳ và các đường phân giới hành chính giữa các tỉnh Latakia, Idlib và Aleppo cũng như các tuyến giao thông huyết mạch M4 và M5 trong khu vực.
Những gì đã diễn ra trước, trong và sau chiến dịch "Mùa xuân Hòa bình" ở đông bắc Syria vào tháng 10-11/2019 cho chúng ta thấy quan điểm của Thổ Nhĩ Kỳ về việc thiết lập một khu vực "đệm" ở biên giới với đường phân giới là cao tốc M4.
Điều này đồng nghĩa với việc các khu dân cư quan trọng ở tây bắc Syria nằm phía bắc của cao tốc M4 và một phần cao tốc M5 như Jisr al-Shughour, Furayka, Ariha, thủ phủ tỉnh Idlib và Saraqeb sẽ là giới hạn của các hoạt động quân sự từ phía Nga - Syria.
"Lằn ranh đỏ" ở tây bắc Syria.
3 giai đoạn của chiến dịch Idlib
Dự kiến chiến dịch Idlib sẽ diễn ra với 3 giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên hiện vẫn tiếp diễn ở đông nam Idlib khi khu vực này là trọng điểm không kích của Không quân Vũ trụ Nga những tuần gần đây.
Giai đoạn này sẽ chỉ kết thúc cho tới khi Sư đoàn 25 đặc nhiệm Syria (Lực lượng Tiger) kiểm soát hoàn toàn cao tốc M5 và tuyến đường nối Maarat al-Numan (do phiến quân Mặt trận Giải phóng Quốc gia - NLF kiểm soát) với Abu Duhour (do SAA kiểm soát).
Mặc dù hiện tại các mũi tiến quân tương đối chậm do thời tiết xấu và đối phương (gồm một liên minh các nhóm khủng bố) đã củng cố phòng ngự, tuy nhiên giao tranh ở khu vực trống trải và bị áp đảo bởi pháo kích và không kích sẽ khiến các tay súng ở đây thương vong nặng nề.
Kết quả của giao tranh ở đông nam Idlib được cho là sẽ ngã ngũ vào đúng thời điểm Tổng thống Nga Vladimir Putin viếng thăm Thổ Nhĩ Kỳ.
3 giai đoạn của chiến dịch Idlib và các khu vực phiến quân và khủng bố kiểm soát.
Giai đoạn hai của chiến dịch với trọng điểm khu vực phía đông của thị trấn chiến lược Saraqeb cho tới phía nam thành phố Aleppo, chiến sự ở đây chắc chắn sẽ rất ác liệt do đây là lãnh thổ được nhóm khủng bố Hayyat Tahrir al-Sham kiểm soát từ lâu.
Chủ công của chiến trường này, cũng như giai đoạn 1 sẽ là Sư đoàn 25 đặc nhiệm Syria. Dự kiến giao tranh ở đây sẽ mất từ 1 đến 2 tháng (và có thể lâu hơn nếu chiến sự phức tạp với các đợt phản công của các nhóm khủng bố như ở bắc Hama mùa hè năm 2019.
Tuy nhiên việc thiếu vũ khí hạng nặng (chủ yếu là tên lửa chống tăng có điều khiển - ATGM) do các nhóm phiến quân NLF điều khiển sẽ khiến các nhóm khủng bố không thể phòng ngự được lâu trong khu vực.
Cả hai giai đoạn của chiến dịch đều nằm trong vùng "do Nga kiểm soát" theo sau thỏa thuận Astana, khu vực có vị trí chiến lược cực kỳ quan trọng vì sẽ đảm bảo an toàn cho tuyến cao tốc M5 trong tương lai (một mục tiêu khác của thỏa thuận Astana).
Giai đoạn ba của chiến dịch là một "ẩn số" cho tới thời điểm hiện tại, việc kiểm soát toàn bộ khu vực phía nam "lằn ranh đỏ" bao gồm các thị trấn trọng điểm của phiến quân NLF như Kafranbel và Maarat al-Numan cần phải có sự hợp tác từ Thổ Nhĩ Kỳ.
Hay nói cách khác, cuộc đàm phán giữa ông Putin và ông Erdogan sẽ quyết định kết quả của giai đoạn 3 này. Một kịch bản xấu nhất có thể dự đoán là Nga sẽ "bỏ qua" ý kiến của Thổ Nhĩ Kỳ và tăng cường hỗ trợ cho Sư đoàn 4 Vệ binh Cộng hòa Syria.
Một kịch bản lạc quan khác là Thổ Nhĩ Kỳ và phiến quân NLF (và có thể là cả phiến quân Quân đội Quốc gia Syria - SNA) sẽ thỏa thuận với Nga và SAA để ngưng chiến và nổ súng nhằm vào các nhóm khủng bố ở Idlib.
Mặc dù điều này khó có thể xảy ra nhưng là một phương án vẫn được tính tới nếu Thổ Nhĩ Kỳ quyết tâm "chơi đẹp" với các đối tác Nga và Iran.
Dù kết quả của chiến dịch Idlib đầu năm 2020 như thế nào, chắc chắn đây là chiến dịch quân sự cuối cùng trên chiến trường Syria sau hơn 8 năm nội chiến. Nó cũng đánh dấu một "hình mẫu giải quyết xung đột" cho các cuộc chiến vẫn đang tiếp diễn ở Libya và Yemen.
Người dân trong khu vực phiến quân kiểm soát tại tỉnh Idlib đi tản cư do không kích dữ dội của máy bay Nga những ngày gần đây.