Đại hội đồng LHQ ra nghị quyết lên án Nga, yêu cầu rút ngay lực lượng khỏi Crimea

Hải Võ |

Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐLHQ) ngày 9/12 đã thông qua Nghị quyết lên án việc Nga "chiếm đóng Crimea" và thúc giục Moskva rút các lực lượng quân sự "không trì hoãn".

Nghị quyết được ĐHĐLHQ gồm 193 thành viên thông qua với 63 phiếu thuận, 19 phiếu chống, 66 nước vắng mặt và 45 nước không bỏ phiếu. Nghị quyết này được thông qua cùng ngày tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và đồng cấp Nga Vladimir Putin gặp nhau tại hội nghị của "bộ tứ Normandy" ở Paris, Pháp.

Nghị quyết thể hiện ĐHĐLHQ "quan ngại sâu sắc về hoạt động quân sự hóa cấp tập của Nga - trong vai trò lực lượng chiếm đóng - tại Crimea", đồng thời "quan ngại về leo thang căng thẳng nguy hiểm và việc sử dụng vũ lực phi lý của Liên bang Nga nhằm chống lại Ukraine".

Nghị quyết cũng thể hiện lo ngại về những hành động của Moskva trên biển Đen và vùng biển Azov. Bên cạnh đó, ĐHĐLHQ hoan nghênh Nga trả tự do cho 24 thủy thủ trên ba tàu hải quân Ukraine bị bắt giữ ở eo biển Kerch hồi tháng 11/2018, và kêu gọi "đẩy mạnh đối thoại" giữa hai nước.

Khác với các nghị quyết của Hội đồng bảo an LHQ, những nghị quyết của ĐHĐ không có tính ràng buộc pháp lý. Đại sứ Ukraine tại LHQ Volodymyr Yelchenko nói mục tiêu chính của nghị quyết là thúc giục Nga rút lực lượng khỏi Crimea và bảo đảm Moskva ngưng "quấy rối các tàu thuyền thương mại và hạn chế lưu thông quốc tế ở biển Đen và biển Azov".

Phó đại sứ Nga tại LHQ ông Dmitry Polyansky chỉ trích nghị quyết ngày 9/12 của ĐHD là "những ngôn từ khích bác và chính trị hóa dựa trên những cáo buộc, suy đoán và bóp méo sự thật".

"Người dân Crimea đã đưa ra lựa chọn của họ từ lâu. Tiếp xúc với mối đe dọa về một 'vụ thảm sát đẫm máu' xuất phát từ những người theo chủ nghĩa dân tộc lên nắm quyền vào năm 2014, họ quyết định thống nhất với Nga," ông nói, đề cập sự kiện Cách mạng Maidan vào tháng 2/2014 tại Kiev, khiến tổng thống Viktor Yanukovych bị lật đổ.

Polyansky nói nghị quyết "dựa trên một lời nói dối trắng trợn và khẳng định rằng mọi chuyện có vẻ tồi tệ đối với Crimea, rằng họ đang mòn mỏi chống lại sự sáp nhập và chiếm đóng của Nga". Phó đại sứ Nga đã mời các nhà ngoại giao tới thăm Crimea để chứng kiến tận mắt tình hình tại đây.

Ông Polyansky cũng tố Kiev đang cố gắng "làm suy yếu tiến trình xây dựng của hội nghị Paris" giữa ông Zelensky và ông Putin.

Trong số 19 nước bỏ phiếu chống lại nghị quyết lên án Nga có Trung Quốc, Syria, Triều Tiên, Iran, Venezuela,...

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại