Việc tăng cường giám sát, bao gồm các quy tắc sắp được đưa ra về việc chuyển giao công nghệ ra nước ngoài, đang đặt ra những rủi ro cho các trường học ở Mỹ khi họ tìm cách duy trì vị thế dẫn đầu thế giới trong hoạt động nghiên cứu. Huawei Technologies, nhà cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới, đã trở thành mục tiêu giám sát rõ ràng nhất.
"Tại sao trường đại học không nhận được tiền?", Huawei đã viết trong một email gửi cho giáo sư Michael Pecht của Đại học Maryland vào tháng 12-2018, sau khi trường này từ chối khoản đóng góp 165.000 USD cho việc nghiên cứu trong các lĩnh vực bao gồm pin lithium-ion.
Huawei đã tích cực theo đuổi các quan hệ đối tác học thuật. Tập đoàn Trung Quốc cho biết họ đã cung cấp khoảng 10 triệu USD tài trợ nghiên cứu cho các trường đại học Mỹ trong tài khóa 2017. Nhưng khi phóng viên của tờ Nikkei Asian Review nói chuyện với các trường mà Huawei đã hợp tác trong quá khứ, nhiều người phát biểu “nước đôi” về việc tiếp tục mối quan hệ với Huawei.
Đại học Stanford ở California cho biết họ sẽ "tiếp tục đánh giá các phát triển pháp lý và quy định xung quanh Huawei, bao gồm cả các thủ tục tố tụng tại tòa án tiếp sau bản cáo trạng hình sự liên bang gần đây nhằm vào công ty này".
Ảnh: CNN
Nhà Trắng lên tiếng
Huawei là một trong các công ty Trung Quốc có sản phẩm bị chính quyền của Tổng thống Trump coi là mối đe dọa an ninh quốc gia, và Washington hồi tháng 8-2018 đã ra lệnh cấm các cơ quan liên bang sử dụng thiết bị liên lạc của công ty này. Mỹ cũng đã kiện Huawei vào tháng 1 năm nay vì các giao dịch tài chính bất hợp pháp với Iran cùng cáo buộc đánh cắp công nghệ của các công ty Mỹ. Huawei đã phủ nhận các cáo buộc và bác bỏ quan điểm cho rằng họ làm gián điệp cho chính phủ Trung Quốc.
Nhưng chính quyền của Tổng thống Trump đã lên tiếng cảnh báo về khả năng tiếp cận tiềm tàng của chính phủ Trung Quốc đối với công nghệ Mỹ thông qua giới hàn lâm.
"Nhận thức được công dân Trung Quốc theo học tại các trường đại học Mỹ hoặc tìm việc làm tại các phòng thí nghiệm quốc gia, trung tâm đổi mới, vườn ươm và rằng các tổ chức nghiên cứu có thể tiếp cận thông tin và công nghệ tiên tiến, Quốc vụ viện Trung Quốc đã đưa ra các chương trình nhằm khuyến khích các sinh viên khoa học và kỹ thuật Trung Quốc làm chủ các công nghệ mà sau này có thể trở nên quan trọng đối với các hệ thống quân sự then chốt",Văn phòng Chính sách Thương mại và Chế tạo của Nhà Trắng viết trong một báo cáo hồi tháng 6 2018.
Văn phòng này nằm dưới sự lãnh đạo của ông Peter Navarro, một người nổi tiếng về quan điểm cứng rắn với Trung Quốc.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: GETTY
Đồi Capitol chia sẻ
Những quan điểm như vậy cũng được chia sẻ tại Quốc hội Mỹ. Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Marco Rubio hồi năm ngoái đã kêu gọi các trường công chấm dứt quan hệ đối tác với các chương trình giáo dục văn hóa do chính phủ Trung Quốc tài trợ có tên Viện Khổng Tử.
Cuộc hôn nhân giữa học viện và ngành công nghiệp nhằm cung cấp tài năng và kinh phí cho hoạt động nghiên cứu được coi là một thế mạnh của các trường đại học Mỹ. Với rất ít triển vọng về sự gia tăng đáng kể trong tài trợ của chính phủ hoặc doanh thu từ học phí, các trường này đang dựa vào khu vực tư nhân để tài trợ cho các hoạt động nghiên cứu tốn kém. Đổi lại, các công ty có quyền tiếp cận những nhóm tài năng.
Chẳng hạn, tại Stanford, có một chương trình cho phép các công ty cung cấp 200.000 USD cho việc nghiên cứu trí tuệ nhân tạo mỗi năm để tự do tiếp xúc với các chuyên gia nghiên cứu và tham dự các buổi trình bày luận án. Nhiều tập đoàn đã tham gia chương trình này. Tuy nhiên vào cuối tháng 1, trường đã quyết định tạm ngừng nhận tiền từ Huawei.
Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Marco Rubio. Ảnh: REUTERS
Sự thay đổi lập trường của các trường đại học về tài trợ của Trung Quốc cũng phản ánh sự giám sát chặt chẽ hơn của chính quyền Mỹ về gián điệp công nghệ. Washington dự kiến sẽ tăng cường các hạn chế đối với xuất khẩu công nghệ tiên tiến trong mùa xuân năm nay. Mặc dù các quy tắc mới sẽ mất thời gian để thực hiện, nhưng các công nghệ hứa hẹn trong tương lai sẽ thuộc thẩm quyền của họ.
"Việc sử dụng các nhà sưu tập phi truyền thống, đặc biệt là trong môi trường học thuật - cho dù đó là giáo sư, nhà khoa học, sinh viên - chúng tôi thấy ở hầu hết các văn phòng thực địa mà FBI có trên khắp đất nước", Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) Chris Wray nói trong một phiên điều trần của Ủy ban Tình báo Thượng viện vào tháng 2-2018, khi được hỏi về khả năng các sinh viên trao đổi Trung Quốc đã đóng vai trò gián điệp.
"Và tôi nghĩ rằng mức độ ngây thơ của một bộ phận của ngành học thuật về điều này tạo ra các vấn đề riêng cho họ", ông Wray nói thêm.
Các trường lo ngại
Các quy định mới có thể đặt ra vấn đề cho sinh viên nước ngoài. Chẳng hạn, việc trình bày nghiên cứu cho một sinh viên quốc tế trong các lĩnh vực được quy định có thể bị coi là chuyển giao công nghệ ra nước ngoài.
Các trường đại học Mỹ đã tiếp nhận 360.000 sinh viên từ Trung Quốc trong năm học 2017-2018, một sự gia tăng đến 350% trong thập niên qua. Một phần ba sinh viên nước ngoài ở Mỹ đến từ Trung Quốc.
Chính quyền của Tổng thống Trump đã giới hạn thị thực cho sinh viên tốt nghiệp Trung Quốc trong các lĩnh vực công nghệ cao đến từ năm năm xuống còn một năm, và đã có những lời kêu gọi chính phủ xem xét hạn chế hơn nữa đối với tất cả sinh viên từ Trung Quốc.
Đại học Stanford ở California. Ảnh: REUTERS
Các trường đại học Mỹ đang lo lắng bởi áp lực chính trị như vậy. Stanford nhận định rằng "sự cởi mở và báo cáo là nguyên tắc chính" đối với các chương trình nghiên cứu của họ, và đây là quan điểm được các trường đại học khác mà Nikkei Asian Review tiến hành khảo sát chia sẻ.
Huawei đã bảo vệ sự hợp tác của mình với các học viện. "Hợp tác mở là cách duy nhất để thu hẹp khoảng cách giữa khoa học cơ bản và ứng dụng thương mại của nó", bà Mạnh Vãn Châu, Giám đốc Tài chính của Huawei đang bị giam giữ ở Canada, đã viết trong một bài bình luận trên Nikkei Asian Review vào ngày 24-1.
Hơn 80% ứng viên tiến sĩ Trung Quốc vẫn ở lại Mỹ sau khi nhận bằng vào năm 2017, theo Quỹ Khoa học Quốc gia. Với khoảng 5.600 người, đó là số lượng đông đảo nhất so với các quốc gia khác và là nguồn tài năng lớn cho Thung lũng Silicon.