Đại học Hồng Kông: Khám phá mới từ "chủ nhân đầu tiên" của virus corona gây bệnh COVID-19

Tất Đạt |

Theo một nghiên cứu từ Đại học Hồng Kông, virus corona gây bệnh COVID-19 dường như xuất phát từ loài dơi ở châu Á.

Khoa vi sinh của trường đại học này đã tạo ra một nhóm tế bào giống như ruột của loại dơi móng ngựa Trung Quốc - loài sinh vật có thể được tìm thấy ở Trung Quốc, Ấn Độ, Nepal và Việt Nam. Các nhà nghiên cứu đã thành công trong việc đưa virus SARS-COV-2 vào cấu trúc tế bào loại này.

Những nghiên cứu trước đó đã phát hiện rằng loài dơi mang virus giống như SARS và có nhiều điểm tương đồng với virus corona chủng mới. Tổng hợp những phát hiện này có thể dẫn tới kết luận rằng "dơi móng ngựa Trung Quốc có thể là vật chủ đầu tiên của SARS-COV-2", nhà vi sinh học, tiến sĩ Yuen Kwok-yung cho biết.

Nghiên cứu này đã được đăng tải trên tạp chí Nature Medicine vào ngày 12/5 vừa qua. Tuy nhiên, tiến sĩ Yuen cho biết vẫn cần phải nghiên cứu sâu hơn trong môi trường hoang dã để xác nhận nguồn gốc thực sự của virus.

Dơi cũng được cho là vật chủ tự nhiên của virus gây ra bệnh SARS vào năm 2003, mặc dù chưa có bằng chứng trực tiếp nào được tìm thấy, có thể một phần bởi vì việc tiếp cận động vật hoang dã gặp nhiều khó khăn.

Nghiên cứu mới nhất đã thành công nhờ vào phương pháp mô phỏng cấu trúc ruột của dơi trong môi trường phòng thí nghiệm.

Nguồn gốc của virus corona chủng mới đã gây ra một cuộc tranh cãi ngoại giao giữa Mỹ và Trung Quốc. Trong khi Washington đổ lỗi cho Bắc Kinh, thậm chí còn đề cập tới thuyết âm mưu rằng Trung Quốc đã tạo ra virus trong phòng thí nghiệm, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đã phản ứng và cho rằng virus có thể liên quan tới hoạt động của quân đội Mỹ tại Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc vào hồi tháng 10/2019.

Nghiên cứu của Đại học Hồng Kông cũng phát hiện rằng virus corona mới có thể tấn công ruột của bệnh nhân chứ không chỉ tấn công phổi.

Các nhà nghiên cứu đã xét nghiệm mẫu phân của một bệnh nhân 68 tuổi bị sốt, đau họng, ho và tiêu chảy khi bệnh nhân này được nhập viện Princess Margaret ở Kwai Chung.

Đội nghiên cứu không chỉ phát hiện được mẫu xét nghiệm dương tính mà còn có thể tách virus từ mẫu phân, điều này đồng nghĩa với việc ruột của bệnh nhân đã bị nhiễm virus.

Trong một thí nghiệm khác, đội ngũ nghiên cứu đưa virus corona vào tế bào ruột người nhân tạo trong môi trường phòng thí nghiệm.

Virus corona đã nhanh chóng nhân bản ở ruột non và ruột già. Trong đó, có nhiều virus ở ruột già hơn. Sự nhân bản này có thể lí giải cho những triệu chứng đường tiêu hóa tìm thấy ở bệnh nhân nhiễm COVID-19, mặc dù cần nhiều nghiên cứu hơn để xác nhận giả thuyết này.

Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu virus có thể lây bệnh trực tiếp qua đường tiêu hóa hay không, hay virus lây qua đường hô hấp và lan sang hệ thống tiêu hóa. Việc rửa tay trước khi ăn uống vẫn được đề cao và các nhà nghiên cứu cho rằng bác sĩ nên kiểm tra cả phân của bệnh nhân đã khỏi bệnh COVID-19 trước khi cho họ xuất viện.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại